Ngoài 13 nhóm mặt hàng, chủ yếu là các nhu cầu nhập khẩu phục vụ quốc tế, dân sinh và sản xuất như xăng dầu, phân bón, thuốc chữa bệnh... được ưu tiên cấp tín dụng nhập khẩu, các ngân hàng thương mại, trước mắt, sẽ dừng các khoản cho vay mới phục vụ nhập khẩu, đặc biệt đối với các mặt hàng xa xỉ.
Theo Ngân hàng Nhà nước, điều chỉnh này của các ngân hàng được thực hiện theo đề xuất của Bộ Công Thương đã được Thủ tướng phê duyệt nhằm kiềm chế nhập siêu trong năm 2009. Ngân hàng Nhà nước giữ vai trò chỉ đạo thực hiện đối với hệ thống ngân hàng thương mại.
Đề xuất này được Bộ Công Thương công bố trong buổi họp giao ban trực tuyến ngày 7/12, bao gồm 3 giải pháp chủ yếu. Thứ nhất, cần rà soát những mặt hàng không quan trọng, nhất là những mặt hàng xa xỉ như ôtô, điện thoại di động, mỹ phẩm, rượu ngoại, kể cả rau quả và thực phẩm để kiểm soát chặt chẽ.
Thứ hai là yêu cầu hệ thống các ngân hàng thương mại xem xét kỹ hoặc tạm dừng trong tháng 12 không cho vay tiền nhập khẩu, dứt khoát hạn chế nhập khẩu những mặt hàng xa xỉ. Cuối cùng là sử dụng các biện pháp hành chính như nhập khẩu về phải kiểm tra kiểm soát chặt chẽ, kéo dài thời gian thông quan để các doanh nghiệp nhập khẩu phải cân nhắc bài toán lợi nhuận.
Lý do khiến Bộ Công Thương phải đề xuất các biện pháp kể trên là nhằm đảm bảo thực hiện Nghị quyết tháng 11 của Chính phủ, theo đó khống chế tỷ lệ nhập siêu trong năm 2009 ở mức 20% so với giá trị xuất khẩu. Bộ cho rằng nếu không thực hiện những biện pháp mạnh, kế hoạch này dễ bị "vỡ" khi mà thống kê nhập siêu của 11 tháng đã đạt tới con số 20,3%.
Chỉ đạo này nhận được khá nhiều ủng hộ từ phía các ngân hàng vì ngoài tác dụng kiểm soát nhập siêu, việc hạn chế cho vay nhập khẩu còn giúp các ngân hàng hạn chế các khoản vay mới trong giai đoạn tín dụng căng thẳng hiện nay.
Theo Vietinbank, tăng trưởng tín dụng của nhiều ngân hàng thương mại đã vượt quá 30%. Trạng thái thanh khoản thấp tất yếu sẽ ảnh hưởng đến tín dụng tái đầu tư cho doanh nghiệp.
 

Nguồn: Vinanet