Tuy nhiên, nửa đầu tháng 4 tình hình nhập khẩu gỗ nguyên liệu đã được cải thiện hơn, đạt trên 30 triệu USD, tăng mạnh so cùng kỳ tháng trước. Ước tính tháng 4 kim ngạch nhập khẩu gỗ nguyên liệu đạt khoảng 70 triệu USD, tăng khoảng 40% so tháng 3, nhưng vẫn giảm khoảng 20% so cùng kỳ. Kim ngạch nhập khẩu gỗ nguyên liệu 3 tháng đầu năm giảm mạnh một phần còn do giá nhiều loại gỗ nguyên liệu giảm so cùng kỳ.
Về chủng loại gỗ nguyên liệu nhập khẩu: Quí I nhập khẩu hầu hết các chủng loại gỗ nguyên liệu giảm mạnh so cùng kỳ.
Gỗ thông là chủng loại gỗ nguyên liệu có kim ngạch nhập khẩu lớn nhất, đạt 14,8 triệu USD, giảm 19% so cùng kỳ. Giá nhập khẩu trung bình quí I là 203 Usd/m3, giảm 2,3% so cùng kỳ; New Zealand vẫn là thị trường cung cấp gỗ thông lớn nhất cho Việt Nam, với thị phần chiếm tới 46%, kim ngạch đạt 6,8 triệu USD, giảm 2,8% so cùng kỳ. Giá trung bình  là 187 USD/m3, giảm 9% so cùng kỳ. Chi Lê là thị trường lớn thứ 2 với kim ngạch đạt 1,88 triệu USD, chỉ bằng 53% cùng kỳ, giá trung bình 240 USD/m3, cao hơn cùng kỳ khoảng 8 USD/m3. Tiếp theo là các thị trường Trung Quốc, Australia, Phần Lan…
Nhập khẩu ván MDF từ đầu năm đến nay sụt giảm mạnh so cùng kỳ, chỉ đạt 14 triệu USD, chỉ bằng 46% so cùng kỳ. Kim ngạch giảm mạnh một phần do giá nhập khẩu trung bình giảm, ở mức 239 USD/m3, giảm 11%.
Malaysia vẫn là thị trường cung cấp ván MDF lớn nhất cho Việt Nam với kim ngạch 4,6 triệu USD, giảm 41% so cùng kỳ. Giá nhập khẩu trung bình ở mức 219 USD/m3, giảm 15,1% so cùng kỳ. Tại Malaysia, giá xuất khẩu ván MDF dày 15 – 19mm đầu tháng 4 ổn định so tháng 3, ở mức 285 0 317 USD/m3 – FOB, giảm 15USD/m3 so cùng kỳ.
Nhập khẩu ván MDF từ Thái Lan quí I đạt 3,4 triệu USD, chỉ bằng 35% kim ngạch cùng kỳ. Giá trung bình 210 USD/m3, giảm 50 USD/m3 so cùng kỳ. Trung Quốc là thị trường lớn thứ 3, với kim ngạch 2,1 triệu USD, giảm 36% so cùng kỳ.
Nhập khẩu gỗ lim nguyên liệu tăng 87% so cùng kỳ, đạt 9,1 triệu USD, với trên 21.200m3, giá trung bình 421 USD/m3, cao hơn cùng kỳ 5USD/m3. Camơrun là thị trường cung cấp gỗ lim lớn nhất cho Việt Nam với kim ngạch 5,7 triệu USD, giá nhập trung bình 420 USD/m3. Tiếp theo là Lào, Singapore, Gabon, Hồng Kông.
Nhập khẩu các loại gỗ khác như gỗ bạch đàn, gỗ cao su, gỗ tạp, gỗ sồi… đều giảm mạnh so cùng kỳ.
Về thị trường cung cấp gỗ: Nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ hầu hết các thị trường lớn giảm mạnh so cùng kỳ.
Malaysia vẫn là thị trường cung cấp gỗ nguyên liệu lớn nhất, nhưng kim ngạch giảm tới 50% so cùng kỳ, chỉ đạt 18,5 triệu USD. Gỗ tạp là chủng loại có kim ngạch từ Malaysia đạt cao nhất, đạt 7,3 triệu USD, chiếm 39,5% kim ngạch nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ thị trường này. Kim ngạch nhập khẩu gỗ tapk giảm 27% so cùng kỳ, giá trung bình 134 USD/m3, thấp hơn cùng kỳ 3 USD/m3. Ván MDF có kim ngạch nhập khẩu lớn thứ 2 đạt 4,6 triệu USD. Nhập khẩu ván PB đạt 2 triệu USD, giảm 44% so cùng kỳ, giá nhập từ Malaysia là 141 USD/m3. Giá ván PB tại Malaysia có cùng chung xu hướng giảm như giá ván MDF, hiện giá xuất khẩu ván PB dày 12mm trở lên là 230 – 253USD/m3, giảm 4USD/m3 so cùng kỳ. Nhập khẩu gỗ cao su, gỗ hcò… từ Malaysia cũng giảm mạnh so cùng kỳ.
Nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ Mỹ giảm 39% so cùng kỳ, đạt 16,2 triệu USD. Gỗ dương có kim ngạch cao nhất, đạt 5,7 triệu USD, giảm 41%, với lượng nhập 17.000m3. Giá nhập trung bình 297USD/m3, giá gỗ dương xẻ dày 4/4 (26mm) trung bình 278 USD/m3, giảm 10USD/m3 so cùng kỳ. Kim ngạch nhập khẩu gỗ sồi quí I đạt 5,09 triệu USD, với 11.000m3, giảm 32% về kim ngạch và giảm 42% về lượng so cùng kỳ. giá trung bình 462 USD/m3. Giá nhập gỗ sồi trắng kích thước 4/4 trung bình 397 USD/m3, giảm 8% so cùng kỳ. Giá gỗ nguyên liệ tại Mỹ đã giảm khá mạnh do tình hình kinh tế khó khăn và thị trường nhà đất trì trệ và sẽ còn ở mức thấp cho đến khi kinh tế Mỹ thoát khỏi khủng hoảng.
Trung Quốc là thị trường cung cấp gỗ nguyên liệu lớn thứ 3 cho Việt Nam, kim ngạch quí I đạt 15,8 triệu USD, giảm 32,3% so cùng kỳ. Các chủng loại chính vẫn là ván MDF, ván PB, ván Plywood.
  

Nguồn: Vinanet