Tại Hội nghị cạnh tranh ASEAN lần thứ 5 do Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương phối hợp với Ban Thư ký ASEAN tổ chức ở Thành phố Hồ Chí Minh (trong 2 ngày 4-5/6), các chuyên gia đã nhận định: Các quốc gia thành viên ASEAN cần chủ động và nỗ lực hơn trong việc hỗ trợ doanh nghiệp trang bị và nâng cao năng lực cạnh tranh, cũng như chuẩn bị tốt cho tiến trình hội nhập thị trường chung.

* Doanh nghiệp giữ vai trò chủ chốt

Với chủ đề "Thúc đẩy thực thi luật và chính sách cạnh tranh hậu 2015: Diễn biến, Cơ hội và Thách thức", các chuyên gia cho rằng, hội nghị cạnh tranh ASEAN lần này được xem là thời điểm để các thành viên nhìn nhận lại những nỗ lực của Nhóm chuyên gia cạnh tranh ASEAN (AEGC) trong thời gian qua, thúc đẩy các giải pháp tìm kiếm cơ hội và đối phó thách thức của ASEAN trong thời gian tới, nhằm nâng cao hiệu quả thực thi cạnh tranh cũng như xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh trong khu vực. Đại diện cơ quan cạnh tranh, tổ chức quốc tế, doanh nghiệp và hiệp hội trong khu vực ASEAN đã tập trung thảo luận những biện pháp đảm bảo tính trung lập trong thực thi pháp luật cạnh tranh như duy trì môi trường cạnh tranh bình đẳng cho cả doanh nghiệp nhà nước và tư nhân, triển vọng xây dựng mạng lưới nghiên cứu về cạnh tranh ở khu vực ASEAN, định hướng hợp tác thực thi pháp luật cạnh tranh...

Đánh giá về tính cạnh tranh trong ASEAN, ông Penn Sovicheat, Cục trưởng Cục thương mại trong nước, Bộ Thương mại Campuchia, hiện là Chủ tịch Nhóm AEGC cho biết, năm 2015 đánh dấu cột mốc quan trọng đối với khu vực, khi Cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ được thành lập, góp phần thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực ngày càng sâu rộng hơn. Bên cạnh đó, các quốc gia thành viên sẽ phải đẩy mạnh thực hiện cam kết về cạnh tranh trong khuôn khổ Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC Blueprint 2009). Hiện tại, 7 nước thành viên ASEAN đã ban hành Luật cạnh tranh, trong đó 6 quốc gia đã thành lập cơ quan cạnh tranh.

Theo bà Heidi Farah Sia Binti Abd Rahman, Chuyên gia cao cấp, Phòng nghiên cứu phát triển tài chính, kinh tế, đối ngoại thuộc Văn phòng Thủ tướng Brunei, doanh nghiệp là chủ thể đóng vai trò quan trọng trong việc triển khai các quy định về cạnh tranh, vì vậy trước khi thực thi pháp luật cạnh tranh, mỗi quốc gia triển khai tuyên truyền để người dân, doanh nghiệp hiểu rõ quyền và nghĩa vụ của họ và tuân thủ. Mặt khác, công tác truyền thông phải sử dụng nhiều công cụ khác nhau để áp dụng với những đối tượng khác nhau, ngay cả thông điệp truyền thông cũng cần phù hợp với từng đối tượng.
Ở khía cạnh văn hóa cạnh tranh doanh nghiệp, ông Geronimo L. Sy, Thứ trưởng Bộ Tư pháp, kiêm Trưởng ban Cạnh tranh Philippin phân tích, thực tế văn hóa cạnh tranh ở khu vực ASEAN còn đang thiếu, đặc biệt hệ thống luật pháp cạnh tranh ở các quốc gia cũng chưa cao. Vì vậy, trước tiên cần tập trung hạn chế những hành vi cạnh tranh không làm mạnh dẫn đến thống lĩnh thị trường. Ngoài ra, Chính phủ các nước thành viên ASEAN phải có cơ chế để ngăn ngừa và xử lý nếu cạnh tranh không làm mạnh xảy ra một cách hiệu quả và quyết liệt hơn khi thi trường chung được chính thức hình thành.
Đồng quan điểm, ông Hassan Qaqaya, Chuyên gia đến từ Trường đại học Perdana , Malaysia , chia sẻ, xây dựng văn hoá cạnh tranh doanh nghiệp là một hành trình và đòi hỏi sự nỗ lực liên tục của các nước thành viên ASEAN. Trong quá trình xây dựng văn hóa cạnh tranh doanh nghiệp và môi trường cạnh tranh chung, nên lưu ý về những cơ chế trong thương mại và rào cản thương mại, cũng như xác định được những vấn đề ưu tiên chung của cả khu vực, từ đó mới có những định hướng cụ thể cho hành động. Cụ thể, các nước nên lựa chọn những lĩnh vực dễ nhất để giúp doanh nghiệp thực hiện xây dựng yếu tố cạnh tranh trước, sau đó tiến lên các lĩnh vực phức tạp hơn; sử dụng những công cụ đơn giản nhất để áp dụng và nâng cao dần.

*Cạnh tranh phải dựa trên pháp luật và đặc thù của từng nước

Tính đến nay, hơn 90% dòng thuế của các nước thành viên ASEAN đã về 0% và sẽ tiếp tục tăng cường các hoạt động khác để hình thành tiêu chuẩn thống nhất cho thị trường chung. Trong đó, các nước thành viên ASEAN sẽ chú trọng tập trung vào những vấn đề như tăng cường tính minh bạch, giảm các rào cản phi thuế quan, tăng cường xúc tiến thương mại, thực hiện hải quan hội nhập, tiến tới loại bỏ các rào cản kỹ thuật trong thương mại về các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và hài hòa quy trình đánh giá sự phù hợp. Đặc biệt, chính sách cạnh tranh là một phần quan trọng của tầm nhìn mà ASEAN hướng tới để đạt được mục tiêu hội nhập kinh tế toàn khu vực.

Với kinh nghiệm triển khai luật cạnh tranh của đất nước mình, ông Marcus Bezzi, Trưởng bộ phận phụ trách thực thi Ủy ban Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng Úc cho rằng, không nên đưa ra khuôn mẫu chung để các thành viên cùng hành động mà nên để tùy thuộc vào sự phát triển riêng của từng nước mà thiết kế chương trình hành động riêng. Vì vấn đề cốt lõi của hệ thống cạnh tranh chính là dựa trên pháp luật cạnh tranh của quốc gia nên rất khó có sự cạnh tranh chung của cả khu vực. Do đó, cần sự nhận thức rõ về sự khác nhau thế nào giữa 10 nước thành viên để tiến đến thị trường chung cho khu vực ASEAN.

Tương tự, ông Nawir Messi Chủ tịch Ủy ban giám sát cơ quan Quản lý Cạnh tranh Malaysia, nhấn mạnh, ASEAN cần bắt đầu từ những bước đi đầu tiên là thúc đẩy hợp tác theo từng nhóm gồm các quốc gia có tính chất tương đồng nhau. Từ đó, tạo tiền đề và tiến tới thúc đẩy sự kết nối với các quốc gia khác ngoài nhóm. Trong giai đoạn xây dựng thể chế cạnh tranh thì phải xây dựng niềm tin và tăng cường nguồn lực nhân sự. Mỗi quốc gia có đặc điểm khác nhau nên cần có cách thức làm việc phù hợp thì mới hiệu quả.

Ông Trần Tuấn Anh, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, ASEAN đã đưa ra những mục tiêu để hướng đến môi trường cạnh tranh chung, đó là tăng cường năng lực của cơ quan quản lý cạnh tranh trong khu vực; rà soát, cập nhật những đổi mới trong pháp luật cạnh tranh; xây dựng cơ chế hợp tác về cạnh tranh trong khu vực... Trong giai đoạn tới, ASEAN kỳ vọng sẽ thực hiện được sắp xếp các thể chế để hướng tới mối quan hệ hợp tác bền vững. Mặt khác, các nước cũng xây dựng cộng đồng ASEAN có nhận thức sâu sắc về vấn đề cạnh tranh, nhằm đạt được môi trường cạnh tranh lành mạnh, hài hòa toàn khu vực. ASEAN sẽ đưa ra kế hoạch và sáng kiến để các quốc gia dựa vào đó xây dựng chính sách cạnh tranh cho mình, tiến đến thống nhất các nguyên tắc căn bản chung về những trường hợp ngoại lệ để quốc gia đối chiếu thực thi tạo sự đồng nhất.

Nguồn: TTXVN
 

Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam