Do chủ yếu làm gia công theo đơn đặt hàng của nước ngoài, nên phần lớn sản phẩm đồ gỗ không phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng trong nước. Đây là nguyên nhân chính khiến doanh nghiệp gỗ khó tiếp cận thị trường nội địa.

Theo thống kê của Hiệp hội Gỗ lâm sản Việt Nam (VIFORES), kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ trong 4 tháng đầu năm 2009 ước đạt trên 700 triệu USD, giảm khoảng 200 triệu USD so với cùng kỳ năm ngoái. Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký VIORES cho biết, phần lớn hàng xuất khẩu trong 4 tháng được ký từ cuối năm nay là đơn hàng được ký từ cuối năm 2008, số đơn hàng ký mới từ đầu năm đến nay rất ít. Điều này có nghĩa là, kể từ quí II trở đi, khi các đơn hàng cũ kết thúc, xuất khẩu của các doanh nghiệp gỗ sẽ rất khó khăn.

Một trong những giải pháp đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm gỗ được các doanh nghiệp triển khai mạnh từ đầu năm đến nay là hướng vào thị trường nội địa. Tuy nhiên vấn đề khó khăn đối với doanh nghiệp đồ gỗ trong việc hướng vào thị trường nội địa là do phần lớn sản phẩm được gia công theo đơn đặt hàng của nước ngoài, nên không phù hợp thị hiếu người tiêu dùng trong nước.Giám đốc một doanh nghiệp đồ gỗ xuất khẩu kể rằng, sản phẩm bàn ghế ngoài trời của công ty đang tồn kho (do không xuất khẩu được ) trị giá lên tới nhiều tỷ đồng, nhưng không thể bán được ở trong nước, vì không phù hợp với thị hiếu và giá sản phẩm lại rất cao (một chiếc giường ngủ xuất sang EU có giá trên 1.000 USD).

Mặc dù nhiều doanh nghiệp đã chấp nhận lỗ, hạ giá bán sản phẩm nhằm giải phóng lượng hàng tồn để quay còng vốn, nhưng giải pháp này cũng không mấy hiệu quả.

Phó chủ tịch Hội Chế biến gỗ và thủ công mỹ nghệ TP.HCM (HAWA) cho rằng, để tháo gỡ khó khăn, ngành gỗ phải đẩy mạnh xúc tiến gỗ thương mại nhằm tìm kiếm thị trường mới.

Đồng quan điểm, nhưng Chủ tịch VIFORES lại cho rằng, việc tìm kiếm thị trường mới không thể tiến hành một cách cấp tập, mà cần có quá trình thâm nhập. Theo ông, trước đây, do các doanh nghiệp htiếu liên kết, mạnh ai nấy làm, nên xuất khẩu thiếu tính định hướng, cũng như chưa có chiến lược bài bản. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp không tìm hiểu kỹ đối tác, nên đã có trường hợp bán hàng cho nước ngoài, nhưng không thực hiện được việc thanh toán. Ông cảnh báo, rất ít doanh nghiệp xuất khẩu gỗ thanh toán bằng phương thức ứng trước một khoản tương đương 25-30% trị giá sản phẩm, nên khi có sự cố ở phía đối thủ, thì rủi ro là cầm chắc.

Không những thế, trong khi các hành vi bảo hộ thương mại ở các thị trường lớn có xu hướng xuất hiện ngày càng nhiều với những rào cản khe khắt, hành vi vi phạm có thể bị tịch thu hàng hoá, phạt tiền (thậm chí phạt tù đến 5 năm), đòi hỏi các doanh nghiệp phải có sự chuẩn bị kỹ để đối phó, tránh sự việc đáng tiếc xảy ra.

Tại Mỹ, đạo luật LACEY được ban hành bổ sung đã chính thức có hiệu lực từ ngày 15/12/2008, quy định việc kiểm soát nguồn gốc gỗ nguyên liệu và sản phẩm gỗ được coi là giai đoạn “tập dượt” cho các doanh nghiệp, các nhà nhập khẩu. Theo đó, từ ngày 1/4/2009, tất cả doanh nghiệp, nhà nhập khẩu phải nộp tờ khai về sản phẩm nhằm đảm bảo tính hợp pháp. Bên cạnh đó, Hiệp định thực thi Luật lâm nghiệp và quản trị rừng (FLEGT) đang được triển khai ở tất cả các quốc gia, một “Bản thoả thuận đối tác tự nguyện” (VTA) do EU phát động, quyđịnh tất cả các chuyến hàng xuất khẩu vào thị trường EU sẽ được cơ quan thẩm quyền cấp phép sau khi kiểm tra tính hợp pháp của lô hàng đó. Theo thoả thuận này, các nước xuất khẩu gỗ bắt buộc phải sử dụng gỗ hợp pháp có nguồn gốc xuất xứ, có giấy chứng nhận hợp pháp mới được phép xuất khẩu vào thị trường EU.

Thoả thuận trên là một khó khăn rất lớn đối với ngành gỗ Việt Nam, bởi không phải quốc gia , vùng lãnh thổ nào bán gỗ cho Việt Nam cũng thực hiện đầy đủ những quy định này. Trong khi đó, việc nhập khẩu nguyên liệu của các doanh nghiệp Việt Nam lại rất phức tạp (có bao nhiêu doanh nghiệp xuất khẩu gỗ thì có bấy nhiêu đầu mối nhập nguyên liệu), nên điều này hết sức nguy hiểm. Để giữ được thị trường EU, các doanh nghiệp gỗ Việt Nam buộc phải tham gia VTA. Tuy nhiên, tình hình cũng sẽ rất khó khăn, bởi việc kiểm tra chỉ có thể tiến hành đối với sản phẩm gỗ tròn, gỗ xẻ, còn đối với gỗ chế biến, gỗ băm dăm làm ván ép thì rất khó kiểm tra.

(ĐT)

Nguồn: Vinanet