Đa số các ý kiến từ phía doanh nghiệp cho rằng, vẫn còn quá nhiều khó khăn và vất vả xoay trở để hoạt động do các hướng dẫn thi hành luật được ban hành quá chậm. Trong đó, có hai nội dung gây khó cho doanh nghiệp BĐS là các quy định liên quan đến người nước ngoài mua nhà và mức phí bảo lãnh ngân hàng.
Tháo khoán thủ tục cho người nước ngoài mua nhà
Theo đó, số lượng người nước ngoài đang sinh sống tại Việt Nam hiện nay là vô cùng lớn, từ đó nhu cầu về nhà ở lâu dài là có thật và rất cao. Tuy nhiên, Luật đã tạo điều kiện thông thoáng cho người nước ngoài sở hữu nhà dài hạn tại Việt Nam, nhưng cụ thể thực hiện các quy trình này như thế nào thì mọi doanh nghiệp đều “lớ ngớ” và chờ đợi.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Tp.HCM (Horea) nhấn mạnh rằng thời hạn sở hữu nhà đối với người nước ngoài là 50 năm và có thể gia hạn thêm ít nhất 20 năm nữa. Nhưng, vấn đề người nước ngoài có thể vay tiền mua nhà, cầm cố, chuyển nhượng như thế nào vẫn đang là một câu hỏi lớn. Song song với đó, không hẳn người nước ngoài nào có visa trong tay là có thể thoải mái mua nhà mà họ phải chứng minh nhiều thứ khác, nhất là về lý lịch. Đối với Việt kiều thì càng khó hơn, bởi vì nhiều người khi rời Việt Nam 30-40 năm trước giờ không có một giấy tờ nào chứng minh nhân thân.
“Do vậy, để có thể mua nhà ở Việt Nam, họ phải vượt qua rất nhiều “cửa ải” để có đủ loại giấy tờ pháp lý. Đến khi mua được căn nhà Việt kiều cũng khá… đuối” ông Châu nói.
Còn theo ý kiến của ông Trương Thanh Tú, giám đốc kinh doanh tiếp thị của công ty Sacomreal, nếu gặp các đối tượng khách hàng là người nước ngoài thì loại visa nào được cấp hay là quá cảnh cũng được mua nhà ở? Trong trường hợp người sở hữu là người nước ngoài, nếu qua 3 tháng họ làm hồ sơ xin chuyển nhượng, vậy thời hạn sở hữu nhà được tính là 49 hay 50 năm? Trong trường hợp gia hạn thêm thì có phải đóng khoản tiền nào nữa không?
Một doanh nghiệp người Nhật cho biết thêm, cộng đồng người Nhật rất muốn mua nhà tại Việt Nam để sinh sống và làm việc lâu dài. Tuy nhiên, nghị định có hạn chế là trong một tòa nhà chỉ cho người nước ngoài mua khoảng 30%, như vậy khá bất hợp lý. Theo đó, tỷ lệ sở hữu này cần mở rộng lên từ 40-50%, kém với việc đơn giản hóa thủ tục pháp lý.
Ý kiến chung của nhiều doanh nghiệp, người nước ngoài chỉ cần nhập cảnh vào Việt Nam, dù chỉ một ngày vẫn có thể mua được nhà. Ngoài ra, Chính phủ cần nới lỏng việc cấp visa nhập cảnh với nhiều nước để tạo điều kiện cho đối tượng này đầu tư và sở hữu nhà theo đúng định hướng của Luật định.
Công khai mức phí bảo lãnh ngân hàng
Trả lời nhiều đại biểu về việc vì sao không có nghị định hướng dẫn thi hành quy định về ký kết bảo lãnh ngân hàng cho người mua nhà hình thành trong tương lai, ông Vũ Văn Phấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường BĐS, cho biết Ngân hàng Nhà nước sắp tới sẽ ban hành một thông tư hướng dẫn thi hành điều luật này, tuân thủ đúng các quy định về bảo lãnh ngân hàng trước đây.
“Bảo lãnh ngân hàng hiện nay phải làm một cách thực chất chứ không thể giả tạo. Cơ quan chức năng sẽ tăng cường công tác hậu kiểm. Nhiều ngân hàng hiện nay không đòi hỏi tiền ký quỹ, có một số ngân hàng lấy phí là 0,5% thay vì phải là 2% theo quy định”, ông Phấn nói.
Ở giác độ khác, ông Phấn, cho rằng bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai theo Horea nên cho các công ty bảo hiểm tham gia. Tuy nhiên, Luật quy định là những ngân hàng thương mại nào được Ngân hàng Nhà nước công bố mới được tham gia ký kết bảo lãnh, do vậy sẽ không mở rộng thêm đối tượng tài chính khác tham gia.
“Quy định như vậy nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bảo vệ người dân. Thời gian qua do nhiều chủ đầu tư mất uy tín và người dân mua phải những dự án không đúng tiến độ, nhưng không lấy tiền lại được mà dự án vẫn nằm đó không triển khai. Thiệt hại lớn nhất vẫn thuộc về người mua nhà”, ông Phấn nói thêm.
Ông Lê Chí Hiếu, Chủ tịch HĐQT công ty Thủ Đức House, khẳng định rằng các ngân hàng thương mại cần công khai mức phí bảo lãnh, chứ không hoạt động theo kiểu “bí mật” như hiện nay. Ví dụ như, đối với những dự án có vốn đầu tư dười 300 tỷ đồng, thì mức phí bảo lãnh có thể từ 2-3%, còn dự án từ 300 tỷ đồng đến 1.000 tỷ đồng thì chi phí này có thể từ 1-2%.
“Chúng ta cần chốt lại một con số cố định để tránh sự nhập nhằng khi áp dụng. Các quy định sắp tới cũng cần phải buộc phía ngân hàng công khai rõ ràng mức phí này để các bên cảm thấy yên tâm thực hiện”, ông Hiếu phát biểu.
Theo Đăng Khải
Trí thức trẻ