Luật Kinh doanh Bất động sản 2014 sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/7/2015 quy định các dự án bất động sản (BĐS) hình thành trong tương lai muốn mở bán phải có sự bảo lãnh của ngân hàng thương mại.

Thực tế, trên thị trường đã xuất hiện trường hợp ngân hàng thương mại vừa rót vốn đầu tư vào dự án cho doanh nghiệp BĐS và đồng thời cũng đứng ra bảo lãnh dự án cho doanh nghiệp đó.

Vấn đề đặt ra, trong trường hợp doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả, dự án không đúng tiến độ và không giao được nhà cho khách hàng, ngân hàng sẽ vừa mất tiền đầu tư, vừa mất tiền trả bảo lãnh cho khách hàng.

Chuyên gia ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, khi ngân hàng chấp nhận vừa đầu tư dự án, vừa bảo lãnh cho dự án thì chắc chắn ngân hàng sẽ phải chấp nhận rủi ro tăng lên. Ngược lại, ngân hàng cùng lúc được hưởng 2 khoản lợi nhuận gồm lãi từ vốn cho vay đầu tư dự án và phí bảo lãnh mà doanh nghiệp phải trả cho ngân hàng (đã được tính vào giá mỗi sản phẩm bất động sản bán cho người dân).

Đồng thời, ngân hàng cũng sẽ có những thuận lợi vì là nhà tài trợ nên nắm được tiến độ công trình, kiểm soát được dòng tiền, từ đó bảo đảm công trình phải được thực hiện đúng tiến độ. Nguy cơ phải chi trả bảo lãnh giảm xuống, ông Hiếu cho biết.

Cũng theo ông Hiếu, đối với phía chủ đầu tư, vừa nhận được nguồn vốn tài trợ của ngân hàng, vừa có đơn vị đứng ra bảo lãnh bất động sản theo quy định của pháp luật, đây có lẽ là kịch bản tốt nhất với những nhà kinh doanh BĐS.

Với bên thứ ba là người được hưởng bảo lãnh - người tiêu dùng, theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, đây chính là bên sẽ nhận nhiều rủi ro nhất.

Ông Hiếu phân tích, khách hàng khi ký vào một hợp đồng bảo lãnh với ngân hàng, nếu đó là hợp đồng bảo lãnh vô điều kiện thì quyền lợi của người mua nhà sẽ hoàn toàn được đảm bảo khi dự án không được thực thi đúng thỏa thuận.

Nhưng với trường hợp hợp đồng có kèm theo nhiều điều khoản, khi đó khách hàng cần chú ý đến từng câu chữ của hợp đồng. Bởi ngân hàng hoàn toàn có thể dựa vào những điều kiện này để thoái thác trách nhiệm bảo lãnh nếu dự án được bảo lãnh đó đổ bể, trục trặc.

Đến khi khách hàng và ngân hàng đưa nhau ra tòa, phần thua thiệt thường sẽ thuộc khách hàng bởi người dân không quen tranh cãi về câu chữ trong một bản hợp đồng với ngân hàng, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu nhìn nhận.

"Vì thế, người mua bất động sản nên lựa chọn cho mình một ngân hàng độc lập với những điều khoản được bảo lãnh sòng phẳng và vô điều kiện. Tuy nhiên khi đó, họ sẽ phải chịu mức phí bảo lãnh cao hơn".

Minh Tú