Trong hai luật này, có một số điểm thay đổi đáng chú ý.
Người nước ngoài được sở hữu nhà tại Việt Nam. Cá nhân nước ngoài chỉ cần được phép nhập cảnh vào Việt Nam là được phép sở hữu nhà ở với thời hạn 50 năm.
Doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài, văn phòng đại diện, chi nhánh của thương nhân nước ngoài cũng có quyền sở hữu nhà phục vụ công việc của mình. Hơn thế, luật cũng cho phép người nước ngoài có quyền sở hữu nhà đầy đủ hơn qua việc họ được quyền góp vốn, cho thuê, cho mượn, ủy quyền quản lý…
Tuy nhiên, người nước ngoài chỉ được mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế và sở hữu không quá 30% số lượng căn hộ trong 1 tòa nhà chung cư hoặc không quá 250 căn đối với nhà ở riêng lẻ trong 1 khu dân cư, tương đương 1 đơn vị hành chính cấp phường. Điều này được lý giải nhằm đảm bảo chủ quyền, an ninh quốc gia.
Việt kiều được mua không giới hạn số lượng nhà. Nhà đầu tư là Việt kiều chỉ cần được phép nhập cảnh sẽ được sở hữu không hạn chế về số lượng nhà.
Nhiều chế tài nhằm đảm bảo tiến độ dự án. Cụ thể, với BĐS hình thành trong tương lai, chủ đầu tư sẽ chỉ được mở bán khi có một ngân hàng thương mại thực hiện bảo lãnh đối với việc xây dựng. Theo đó, ngân hàng này sẽ phải bồi hoàn số tiền mà người mua đã đóng cho người bán (chủ đầu tư) nếu dự án không được đảm bảo theo đúng cam kết giữa hai bên mua - bán.
Ngoài ra, chủ đầu tư nhà ở thương mại chỉ được bán khi phần móng xây dựng xong, lần thanh toán đầu tiên không quá 30% giá trị hợp đồng, chủ đầu tư không thu quá 95% giá trị hợp đồng khi chưa cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà cho người mua...
Gia tăng thời hạn bảo hành của các hạng mục công trình. Các hạng mục công trình, công trình xây dựng cấp đặc biệt và cấp I có thời gian bảo hành tối thiểu là 24 tháng từ khi nghiệm thu; với các công trình, hạng mục còn lại tối thiểu 12 tháng.
Riêng đối với nhà ở, thời gian bảo hành tối thiểu 60 tháng với nhà chung cư từ 9 tầng trở lên và các loại nhà ở khác được đầu tư xây dựng bằng ngân sách Nhà nước. Tối thiểu 36 tháng đối với chung cư từ 4 đến 8 tầng và tối thiểu 24 tháng với nhà ở còn lại.
Chủ đầu tư không phải giao dịch qua sàn BĐS. Cụ thể, về thời điểm chuyển giao quyền sở hữu nhà ở kể từ khi bên mua đã trả đủ tiền mua nhà hoặc kể từ khi nhận nhà từ chủ đầu tư. Chủ đầu tư không phải giao dịch thông qua sàn giao dịch bất động sản nữa, được lý giải để giảm chi phí giao dịch cho chủ đầu tư.
Tng vốn pháp định của doanh nghiệp BĐS. Theo đó, tổ chức, cá nhân thành lập doanh nghiệp kinh doanh bất động sản phải có vốn pháp định không thấp hơn 20 tỷ đồng, trước đây mức vốn này là 6 tỷ đồng.
Luật Nhà ở 2014 và Luật Kinh doanh BĐS 2014 còn có thêm những quy định mới về kinh phí dự phòng khi thực hiện cưỡng chế thu hồi đất, phân cấp sự cố công trình xây dựng, nguyên tắc quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước, thống nhất quy chuẩn về hệ thống điện của nhà ở và nhà công cộng...