Chiều 19/10, SCIC đã tổ chức Lễ kỷ niệm 10 năm ngày thành lập, với sự tham dự của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng, việc ra đời của SCIC là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, có ý nghĩa quan trọng, góp phần từng bước tách chức năng quản lý hành chính của chủ sở hữu và điều hành sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước, đổi mới phương thức quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp từ cơ chế mệnh lệnh hành chính sang cơ chế đầu tư, kinh doanh vốn.
Ngay từ những ngày đầu mới thành lập, tổng công ty đã chủ động tích cực triển khai và đã tiếp nhận, thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại gần 1.000 doanh nghiệp; thoái vốn tại hơn 800 doanh nghiệp mà nhà nước không cần nắm giữ đạt hiệu quả cao.
Theo báo cáo của SCIC, trong số 1.000 doanh nghiệp trên thì chỉ có 60 doanh nghiệp nhỏ gặp thua lỗ, thuộc diện kiểm soát đặc biệt (chiếm 6,5%). Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) bình quân chung của các doanh nghiệp khoảng 15- 17%, đặc biệt có doanh nghiệp có chỉ số ROE cao từ 30- 46%. Tổng nguồn thu cổ tức cho nhà nước lũy kế trên 21.000 tỷ đồng.
Qua 10 năm triển khai thoái vốn nhà nước, bình quân vốn nhà nước tại các doanh nghiệp mà SCIC quản lý đã giảm từ 36% xuống còn 22% hiện nay.
Việc bán vốn nhà nước tại hơn 800 doanh nghiệp cho doanh thu 9.243 tỷ đồng, cao hơn giá trị sổ sách tới 5.360 tỷ đồng.
Trong lĩnh vực đổi mới và phát triển doanh nghiệp, SCIC giữ vai trò là cơ quan quản lý Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp. Tính tới cuối tháng 9/2015, SCIC đã đôn đốc thu Quỹ đạt 100.000 tỷ đồng và thực hiện chi trả kịp thời, góp phần thúc đẩy hoạt động tái cơ cấu doanh nghiệp.
Sau 10 năm hoạt động, SCIC đã bảo toàn và phát triển vốn nhà nước, các chỉ tiêu tăng trưởng liên tục. Tổng lợi nhuận sau thuế lũy kế trên 30.000 tỷ đồng. So với thời điểm thành lập thì: Doanh thu tăng 65,4 lần, vốn chủ sở hữu tăng gấp 9,5 lần, tổng tài sản tăng gấp 13,8 lần (đạt khoảng 70.000 tỷ đồng, chưa bao gồm tài sản Nhà nước ủy thác quản lý); nộp ngân sách nhà nước tăng 41 lần.
|
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh: Việc ra đời SCIC là sự đổi mới phương thức quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp từ cơ chế mệnh lệnh hành chính sang cơ chế đầu tư, kinh doanh vốn - Ảnh: VGP/Thành Chung |
Hiện SCIC đang quản lý 230 khoản vốn nhà nước với tổng giá trị sổ sách là 17.000 tỷ đồng có giá thị trường ước gần 78.000 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu đạt khoảng 35.000 tỷ đồng.
Trong 5 năm tới và tầm nhìn tới năm 2030, SCIC lần lượt đặt mục tiêu thành nhà đầu tư chiến lược của Chính phủ trong và ngoài nước và trở thành tập đoàn đầu tư tài chính có quy mô lớn trong khu vực.
Tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016- 2020 là 40%/năm để tới năm 2020 đạt quy mô tổng tài sản là 22,5 tỷ USD và năm 2030 sẽ là 46 tỷ USD (bao gồm cả tài sản do Nhà nước ủy thác).
Nhìn nhận về kết quả hoạt động sau 10 năm thành lập của SCIC, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng, SCIC đã từng bước đổi mới phương thức quản lý vốn nhà nước sang phương thức đầu tư và kinh doanh vốn thông qua việc tăng cường vai trò của cổ đông nhà nước trong quản trị doanh nghiệp, thực hiện tái cơ cấu, xử lý tồn tại và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp; trở thành công cụ hữu hiệu của Nhà nước trong sắp xếp, đổi mới, cổ phần hoá và cơ cấu lại phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp; bảo toàn, phát triển vốn nhà nước, tích tụ, tập trung vốn để đầu tư vào những lĩnh vực trọng yếu, then chốt cần nắm giữ, chi phối theo định hướng của Đảng và Nhà nước”.
Theo Phó Thủ tướng, để trở thành một tổ chức kinh tế đặc biệt của Chính phủ, SCIC phải hoàn thành xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và triển khai thực hiện Chiến lược Phát triển giai đoạn 2016 – 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; chủ động báo cáo đề xuất với Đảng, Nhà nước nhằm tiếp tục củng cố và hoàn thiện mô hình hoạt động của tổng công ty trong tình hình mới.
Thứ hai, SCIC tiếp tục công tác tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các doanh nghiệp thuộc đối tượng bàn giao, đặc biệt là các tập đoàn, tổng công ty đã có quyết định của Thủ tướng Chính phủ bàn giao vốn nhà nước về tổng công ty SCIC sau khi hoàn thành cổ phần hóa.
Thứ ba, SCIC đẩy nhanh tiến độ thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp mà nhà nước không cần nắm giữ; thực hiện tốt vai trò cổ đông nhà nước tại một số doanh nghiệp có quy mô lớn, hiệu quả cao, thuộc diện Nhà nước cần nắm giữ; từng bước mở rộng hoạt động đầu tư tài chính; tạo bước chuẩn bị quan trọng để đẩy mạnh hơn chức năng đầu tư kinh doanh vốn của tổng công ty trong thời gian tới.
Cuối cùng, SCIC hoàn thiện thể chế, tổ chức bộ máy và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Kiện toàn hệ thống người đại diện vốn Nhà nước, xây dựng cơ chế để nâng cao nghĩa vụ, trách nhiệm và quyền lợi của người đại diện tại các doanh nghiệp.
Theo Thành Chung
Baochinhphu.vn