Giá gạo xuất khẩu tuần này giảm trên khắp các trung tâm lúa gạo lớn của Châu Á sau khi Ấn Độ bãi bỏ thuế xuất khẩu đối với mặt hàng xuất khẩu chủ lực này, làm dấy lên lo ngại về tình trạng cung vượt cầu trên thị trường, đẩy giá gạo ở Ấn Độ và Việt Nam xuống mức thấp nhất trong hơn một năm.
Ấn Độ, nước xuất khẩu hàng đầu thế giới, chiều thứ Ba (22/10) đã bãi bỏ thuế xuất khẩu đối với gạo đồ và hôm thứ Tư (23/10) đã gỡ bỏ giá sàn 490 USD/tấn đối với gạo trắng phi- basmati để thúc đẩy xuất khẩu.
Gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ ngày 24/10/2024 được báo giá ở mức 450-484 USD/tấn, mức thấp nhất kể từ tháng 8 năm 2023. Gạo trắng 5% tấm của Ấn Độ được báo giá ở mức 460 đến 490 USD/tấn.
"Giá gạo Ấn Độ giảm mạnh sau khi chính phủ bãi bỏ thuế xuất khẩu và giá xuất khẩu tối thiểu. Nhu cầu gạo Ấn Độ tuần này rất cao", một nhà xuất khẩu có trụ sở tại Kolkata cho biết.
Tại Việt Nam, Hiệp hội Lương thực cho biết gạo 5% tấm được chào bán giá 532 USD/tấn vào thứ Năm (24/10), giảm so với mức 537 USD một tuần trước. Đây là mức giá thấp nhất kể từ tháng 7 năm 2023.
"Giá gạo Việt Nam giảm do sự cạnh tranh từ các nước xuất khẩu khác", Reuters dẫn lời một thương nhân có trụ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, và thêm rằng "Quyết định hủy đấu thầu mua gạo của Bulog (Indonesia) hôm thứ Tư cũng đã tác động tiêu cực đến giá cả”.
Gạo 5% tấm của Thái Lan giá cũng giảm xuống còn 510 USD/tấn từ mức 525 USD của tuần trước, sau quyết định xuất khẩu của Ấn Độ.
Một thương nhân có trụ sở tại Bangkok cho biết nhu cầu vẫn ổn định và các nhà xuất khẩu đang theo dõi tình hình từng tuần, đồng thời cho biết thêm rằng Thái Lan đã vào vụ thu hoạch lúa, nguồn cung đang tăng dần lên.
Trong khi đó, Bangladesh đã giảm 37% thuế nhập khẩu gạo sau trận lũ lụt tàn khốc đã phá hủy gần 1,1 triệu tấn gạo vụ mùa.
Theo thông báo từ Bộ Tài chính Bangladesh vào đầu tuần này, thuế hải quan đối với gạo đã được cắt giảm từ 25% xuống 15%, trong khi thuế quản lý đã được hạ từ 25% xuống 5%.
Ngoài ra, nước này cũng bãi bỏ mức thuế tạm ứng 5% đối với gạo nhập khẩu.
 
 

Nguồn: VITIC/Vinanet (Theo Reuters)