Tuy nhiên, bắt đầu từ tháng 5/2021, giá hàng hóa có sự phân hóa rõ rệt. Trong khi một số mặt hàng vẫn tiếp tục tăng giá mạnh, như dầu mỏ, thì một số khác lại giảm sâu, về gần bằng mức giá của ngày đầu năm 2021.
Hiện tượng này bắt nguồn từ chiến dịch chống lạm phát của Trung Quốc. Trong bối cảnh đó, kỳ họp tháng 6 của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) thông báo kế hoạch tăng lãi suất sớm hơn dự kiến khiến USD tăng mạnh và đẩy một số hàng hóa giảm sâu. Cuộc họp kết thúc vào ngày 16/6 và ngày 17/6 trở thành ngày “đen tối” của thị trường hàng hóa nguyên liệu, khi gần như tất cả mọi mặt hàng đều giảm mạnh, trong đó một số mặt mất sạch toàn bộ mức tăng giá của năm nay.
Chỉ số giá hàng hóa của Bloomberg, Chỉ số Bloomberg Grains Spot Subindex, phiên 17/6 đã giảm mạnh nhất kể từ năm 2009, khi ngoài ngũ cốc thì giá các mặt hàng khác cũng sụt giảm, như bạch kim. Giá palladium phiên 17/6 đã giảm hơn 11%, trong khi bạch kim giảm 7%, còn ngô giảm 6% và đồng giảm 4,8%. Kể cả dầu mỏ cũng giảm giá hơn 1% trong phiên vừa qua.
Kết quả là, chỉ số giá hàng hóa nguyên liệu tuần qua giảm mạnh nhất kể từ khi bắt đầu đại dịch Covid-19, đầu năm 2020.
Đậu tương là mặt hàng dẫn đầu trong số này do đã mất đi toàn bộ mức tăng của năm 2021 sau khi giảm hơn 20% kể từ mức cao nhất 8 năm đạt được vào tháng 5/2021. Ngô và lúa mì cũng giảm từ mức cao nhất của nhiều năm.
gia hang hoa tang nong, mot so mat hang nhay mua

Chỉ số giá hàng hóa tuần qua giảm mạnh

Trước đó, giá hàng hóa đã tăng mạnh kể từ năm ngoái, trong đó giá đồng tăng hơn gấp đôi lên mức cao kỷ lục, trong khi giá nhôm và kẽm đều đang ở các mức cao nhất trong 10 năm qua. Giá quặng sắt và thanh cốt thép cũng chạm các mức cao kỷ lục, từ đó khiến chi phí tăng cao đối với các ngành và các nhà sản xuất dùng nhiều kim loại. Giá kim loại tăng cao như vậy là do kinh tế phục hồi sau đại dịch, thanh khoản lớn trên toàn cầu và hoạt động mua đầu cơ đã khiến chi phí gia tăng và giảm tỷ suất lợi nhuận của nhiều nhà sản xuất. Giá sản xuất tháng Năm của Trung Quốc đã ghi nhận mức tăng cao nhất tính theo năm trong hơn 12 năm qua, làm dấy lên những lo ngại về lạm phát. 
Trên thực tế, hiện tượng giá giảm đã xuất hiện từ đầu tuần này, xuất phát từ động thái của Trung Quốc nhằm hạ nhiệt giá nguyên liệu.
Cơ quan quản lý lương thực và kho dự trữ chiến lược quốc gia (NFSRA), trực thuộc Ủy ban cải cách và phát triển quốc gia Trung Quốc ngày 16/6 đã công bố kế hoạch xuất các kim loại đồng, nhôm và kẽm từ kho dự trữ quốc gia để tăng nguồn cung cho thị trường và đưa giá cả hàng hóa về các mức bình thường.
NFSRA ít khi công khai toàn bộ thông tin chi tiết về các loại kim loại, năng lượng, và các mặt hàng lương thực mà cơ quan này mua vào hay bán ra. Trung Quốc là nước tiêu thụ kim loại hàng đầu thế giới, và một đợt bán ra lớn từ kho dự trữ của nước này có thể tác động mạnh đến sự cân bằng cung cầu trên thế giới. Do đó, bất cứ thông tin nhỏ nào về động thái sắp tới của NFSRA cũng đủ để khiến thị trường biến động, như những gì vừa xảy ra trong tuần này, khi giá đồng, kẽm và nhôm trên toàn cầu đã giảm trước thông tin về kế hoạch bán ra của NFSRA.
Dù NFSRA không công khai khối lượng dự trữ, nhưng Citigroup ước tính cơ quan này đang nắm giữ 2 triệu tấn đồng, 800.000 tấn nhôm và 350.000 tấn kẽm. Khối lượng trên tương đương với 1/6 lượng đồng tinh chế mà Trung Quốc tiêu thụ mỗi năm, nhưng chỉ khoảng 2% lượng nhôm và 5,2% lượng kẽm tiêu thụ của nước này.
Vẫn chưa có nhiều thông tin về việc NFSRA sẽ bán ra như thế nào. NFSRA chỉ cho biết sẽ bán ra theo từng đợt bằng hình thức đấu giá công khai cho các công ty sản xuất và chế biến "trong tương lai gần”.
Trung Quốc đã từng “mở kho” kim loại trước đây nhưng việc này rất ít khi diễn ra. Theo những thông tin được công khai, SRB đã từng bán nhôm, kẽm, chì, ma-giê, các sản phẩm thép, cao su và bột giấy thông qua đấu giá vào năm 2010. Đây là lần gần nhất mà cơ quan này công khai bán kim loại từ kho dự trữ. Trước đó, Trung Quốc cũng đã từng đấu giá đồng vào năm 2005.
Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng việc giá hàng hóa nguyên liệu giảm như tuần qua chỉ là nhất thời. Giá năng lượng và kim loại công nghiệp, vốn thường hưởng lợi từ việc đặt cược rằng nền kinh tế mở cửa trở lại sẽ thúc đẩy nhu cầu, vẫn ở mức cao hơn so với đầu năm và một số nhà phân tích cho rằng đà tăng khó có thể mất đi đáng kể.
Jason Bloom, chiến lược gia thị trường toàn cầu của Invesco, công ty giám sát tài sản 1,4 nghìn tỷ USD cho khách hàng, cho biết: “Chúng tôi tin rằng chúng ta đang ở giai đoạn đầu của một chu kỳ mạnh mẽ kéo dài một thập kỷ đối với hàng hóa, tương tự như chu kỳ diễn ra từ cuối những năm 90 đến năm 2008”.
 

Nguồn: VITIC / Reuters, Bloomberg