Thu mua lúa gạo gặp nhiều khó khăn
Bà Đặng Thị Liên- Giám đốc Công ty Lương thực Thực phẩm Long An kể, từ nay đến cuối tháng công ty bà có 50 ha lúa Hè thu đến kỳ phải thu hoạch. Đây đều là những diện tích công ty đã cam kết bao tiêu và cung cấp giống, phân bón cho bà con nông dân. Tuy nhiên cả tuần nay việc vận chuyển lúa qua các địa phương của Long An gặp nhiều khó khăn vì phải đi qua các chốt kiểm soát dịch, chi phí cũng tăng lên. Công ty phải chi trả 300.000 đồng/lần test Covid cho tài xế, ngoài ra, chi phí bốc xếp nay đã tăng 40% vì nhiều người lo ngại dịch bệnh từ chối làm, chưa kể gần đây phí vận chuyển cũng tăng chóng mặt.
“Hiện tại chúng tôi vẫn cố gắng tìm cách thu mua hết diện tích lúa sắp đến kỳ thu hoạch song với hơn 350 ha lúa thu hoạch trong tháng tới sẽ rất khó khăn do dịch bệnh diễn biến phức tạp, việc xuất khẩu không thuận lợi”- bà Liên cho biết.
Theo bà Liên, trước đó để duy trì sản xuất, cung ứng thực phẩm cho thị trường trong nước và giao hàng theo các đơn hàng xuất khẩu đã ký kết công ty bà đã thực hiện phương án 3 tại chỗ cho công nhân ngay trong khuôn viên nhà máy.
Cùng chung cảnh ngộ, ông Phan Văn Có- Giám đốc Marketing Công ty TNHH Vrice - chia sẻ, hiện tại các tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) áp dụng Chỉ thị 16 rất nghiêm ngặt khiến việc giao hàng không triển khai được, đồng thời làm phát sinh thêm nhiều chi phí.
Ông Phan Văn Có phân tích: Nếu như thời điểm bình thường việc vận chuyển lúa từ cánh đồng về nhà máy của Vrice tại Cần Thơ chỉ 100.000 đồng/tấn thì nay tăng gấp 3 lần bởi chi phí bốc xếp tăng hơn, chưa kể phải chi trả thêm tiền xét nghiệm và tiền lưu kho. Trong khi đó dịch bệnh đang ngày càng tăng cao nên chúng tôi chọn giải pháp an toàn sức khỏe người lao động và tạm ngưng thu mua hơn 2 tuần nay. Để giải quyết những diện tích lúa đang đến kỳ thu hoạch, Vrice đang thuê các lò sấy và kho khu vực lân cận để lưu trữ lúa tạm thời.
Theo Công ty CP Công nghệ cao Trung An, doanh nghiệp này cũng đang có nhiều diện tích lúa thuộc hai tỉnh An Giang và Kiên Giang sắp thu hoạch. Tuy nhiên, hiện thời tìm ghe vận chuyển thu mua lúa từ đồng về nhà máy khó khăn. Vùng nông thôn, nông dân chủ yếu bán lúa qua thương lái và họ lại đang ngại rủi ro, sợ lỗ nên ít cho ghe về đồng thu mua. Theo Trung An, nếu không có ghe về thu mua vận chuyển thì lúa vào mùa gặt chưa biết tiêu thụ ra sao.
Trong khi đó, theo một thương nhân xuất khẩu ở Vĩnh Long cho biết, do địa phương chủ trương chỉ cho doanh nghiệp hoạt động khi đủ điều kiện phòng chống dịch nên một số doanh nghiệp đã phải đóng cửa vì không thể thực hiện được phương án “3 tại chỗ” cũng như lo ngại ảnh hưởng sức khỏe của người lao động.
Trước những khó khăn trên, các doanh nghiệp mong chính quyền địa phương hỗ trợ việc thu mua lúa gạo, đồng thời kiến nghị nhà nước hỗ trợ nguồn vốn để tạm trữ cũng như chi trả những chi phí đang phát sinh ngày càng lớn hiện nay để thu mua lúa Hè thu cho nông dân trong vùng.
Cấp bách gỡ khó cho tiêu thụ
Để tháo gỡ những khó khăn cho tiêu thụ nông sản nói chung, lúa gạo nói riêng tỉnh An Giang đã ban hành Kế hoạch tổ chức thu hoạch và tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh trong tình hình dịch Covid-19. Theo đó, tỉnh này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc sản xuất, mua bán, vận chuyển nông sản hàng hóa, đảm bảo an toàn trong tình hình dịch bệnh Covid-19. Bên cạnh đó, tăng cường các hoạt động ứng phó và hỗ trợ nông sản của các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và nông dân trên địa bàn tỉnh tiếp cận và kết nối tiêu thụ với các hệ thống phân phối, doanh nghiệp, chợ, điểm bán nông sản trong và ngoài nước, trong đó điều kiện hiện nay tập trung thị trường nội địa là chủ yếu nhằm hạn chế thiệt hại do ảnh hưởng của dịch bệnh. Cũng theo kế hoạch này, tỉnh An Giang cho biết sẽ hỗ trợ xét nghiệm cho các đối tượng là tài công vận tải đường thủy ngoài tỉnh đến An Giang thu mua lúa và doanh nghiệp có thể đăng ký danh sách với Sở Công Thương An Giang.
Tại Đồng Tháp vào giữa tháng 7 đã ban hành Kế hoạch số 214/KH-UBND về khung tiêu thụ nông sản trong tình hình dịch bệnh với có 3 kịch bản tiêu thụ đối với các loại nông sản đặc trưng và tiềm năng của tỉnh như lúa gạo, thủy sản…Ở mỗi kịch bản, tỉnh này đều tranh thủ sự hỗ trợ của Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong công tác xúc tiến thương mại các mặt hàng thế mạnh của Đồng Tháp tại các thị trường xuất khẩu.
Về phía Bộ Công Thương thời gian qua cũng làm việc với các Bộ, ngành, địa phương liên quan để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong lưu thông hàng hóa, đồng thời lên kế hoạch kết nối cho hàng nông sản, lúa gạo của các địa phương trong vùng với các doanh nghiệp.

Nguồn: Mai Ca/congthuong.vn