Bất chấp diễn biến suy yếu ở hầu hết các mặt hàng, giá trị giao dịch toàn Sở vẫn duy trì ổn định ở mức 6.200 tỉ đồng, giảm không đáng kể so với phiên đầu tuần. Khả năng giao dịch 2 chiều giúp nhà đầu tư luôn có thể tìm kiếm cơ hội khi giá tăng hoặc giảm, cùng với thời gian giao dịch liên tục theo thế giới đang là những ưu điểm rất lớn của thị trường hàng hóa so với các kênh truyền thống khác.

Đậu tương tiếp tục có phiên giảm thứ 4 liên tiếp với mức giảm gần 1%, về 1.630,5 cents/giạ. Theo Viện Kinh tế Nông nghiệp bang Mato Grosso, Brazil (IMEA), nông dân tại đây dự kiến sẽ thu hoạch được vụ mùa kỷ lục 39,48 triệu tấn trong niên vụ 2022/23, tăng 1,53% so với niên vụ trước.
Nhu cầu và giá tăng cao đang tạo động lực cho nông dân có thể gia tăng diện tích gieo trồng. IMEA cũng cho biết, diện tích gieo trồng đậu tương của bang này trong niên vụ 2022/23 dự kiến sẽ tăng 2,82% so với năm trước lên mức 11,2 triệu héc-ta. Dù năng suất dự báo sẽ giảm nhẹ do lo ngại thiếu hụt nguồn cung phân bón, tuy nhiên, Imea lưu ý rằng con số này có thể thay đổi phụ thuộc vào thời tiết, tỷ lệ sâu bệnh và mức độ đầu tư của nông dân.
Trong khi đó, hãng tư vấn StoneX cũng đã nâng dự báo sản lượng đậu tương niên vụ 2021/22 của Brazil lên mức 123,4 triệu tấn, từ mức 122 triệu tấn trong dự đoán trước. Những thông tin trên là nguyên nhân đã khiến lực bán áp đảo đối với đậu tương.
Khô đậu là mặt hàng giảm mạnh nhất nhóm nông sản. Bên cạnh áp lực trái chiều từ việc dầu đậu tương liên tục tăng giá thời gian gần đây, khô đậu cũng đang chịu sức ép từ những thông tin cơ bản ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ như tỷ suất lợi nhuận chăn nuôi thấp tại Trung Quốc, cùng với dịch cúm gia cầm lan rộng tại Mỹ và Pháp.