Tuy nhiên, trước diễn biến tích cực của thị trường chứng khoán trong nước, dòng vốn bị rút bớt một phần khỏi kênh đầu tư hàng hóa, khiến cho giá trị giao dịch toàn Sở giảm hơn 10% về mức 3.700 tỉ đồng.
Giá dầu tăng mạnh trong phiên đầu tuần, do khả năng các nước châu Âu gia tăng các lệnh trừng phạt với Nga. Cụ thể, giá dầu thô WTI tăng 4,04% lên 103,28 USD/thùng trong khi giá Brent tăng 3,01% lên 107,53 USD/thùng.
Dầu thô chịu áp lực trong phiên sáng trước thông tin Trung Quốc tiếp tục tiến hành xét nghiệm Covid-19 trên diện rộng tại Thượng Hải, khiến cho khả năng dỡ bỏ phong tỏa xuống thấp. Tuy vậy, giá đã tăng trở lại do lực bắt đáy, và các diễn biến mới của xung đột Nga – Ukraine.
Các nước châu Âu EU đang cân nhắc gia tăng các lệnh trừng phạt lên Nga, với 2 quốc gia có tiếng nói nhất là Pháp và Đức đang gợi ý lệnh mới sẽ nhắm vào ngành năng lượng, như dầu khí và than đá. EU nhập khẩu khoảng 4,5 triệu thùng các sản phẩm dầu/ngày từ Nga, do đó nếu khối áp dụng lệnh cấm nhập khẩu dầu thì sẽ tạo ra gián đoạn lớn đối với thị trường.
Đây là thông tin chính hỗ trợ tâm lý thị trường trong phiên hôm qua, bất chấp số liệu chính thức của Nga cho thấy sản lượng dầu trong tháng 3 không thay đổi đáng kể so với tháng 2. Theo tính toán của Reuters, sản lượng dầu thô và khí tự nhiên ngưng tụ trong tháng 03/2022 ở mức 11,01 triệu thùng/ngày, giảm 50.000 thùng/ngày trong tháng trước. Sản lượng dầu của Kazakhstan cũng giảm một lượng tương tự xuống 1,55 triệu thùng/ngày do bão làm hư hại các cơ sở năng lượng. Con số này là không lớn, đặc biệt nếu tính đến lệnh cấm vận của Mỹ đã áp dụng từ đầu tháng.
Bên cạnh đó, việc Saudi Arabia nâng giá bán chính thức các sản phẩm dầu cho châu Á, gợi ý Saudi Arabia nhận định nhu cầu tiêu thụ sẽ tiếp tục gia tăng mạnh mẽ tại khu vực này, bất chấp việc Trung Quốc đang đối mặt với làn sóng lây nhiễm Covid-19 tại các tỉnh phía Đông.
Rạng sáng nay, Thượng Hải đã thông báo sẽ tiếp tục tiến hành phong tỏa, và chưa đưa ra thời hạn cụ thể. Trong thời gian tới, khả năng cao thị trường sẽ chờ đợi các tin tức mới từ phía châu Âu, đặc biệt là các thông tin cụ thể về các lệnh cấm vận mới đối với Nga. Mặc dù khó có thể kỳ vọng lệnh cấm nhập khẩu các sản phẩm năng lượng hoàn toàn sẽ được áp dụng ngay lập tức, tuy nhiên thời gian cụ thể và phạm vi thực tế của các lệnh cũng sẽ là yếu tố chính quyết định hướng đi của thị trường.
Trên thị trường nội địa, vào đầu tháng 4, Liên Bộ Công Thương – Tài chính thông báo điều chỉnh giảm giá xăng, dầu khoảng 1.000 đồng/lít. Đây là lần thứ hai sau chuỗi tăng 7 kỳ liên tiếp, góp phần hạ nhiệt thị trường xăng dầu.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)