NÔNG SẢN
Mức tăng kịch trần một lần nữa tiếp tục được ghi nhận ở các hợp đồng ngô và nhóm lúa mì tháng gần, khi cuộc chiến tranh ở Nga và Ukraine diễn ra ngày càng khốc liệt hơn. Các động thái mới nhất đều cho thấy mức độ căng thẳng gia tăng, và rất khó đạt được một thỏa thuận nào đáp ứng mong muốn của cả 2 bên nếu chỉ bằng giải pháp ngoại giao.
Giá lúa mì Kansas tháng 05 đã lần đầu tiên chạm đến mốc 1000 cents kể từ năm 2011 đến nay, trong khi đó giá lúa mì Chicago cũng tăng lên mức cao nhất trong vòng 14 năm. Các mặt hàng lúa mì đều sẽ tăng giới hạn giá từ 50 cents lên mức 75 cents trong phiên hôm nay.
Đối với ngô, giá hợp đồng tháng 05 tiếp tục tăng kịch trần lên mức 725.75 cents/giạ. Đây đã là phiên tăng trần thứ 2 liên tiếp của ngô, tuy nhiên do chỉ có duy nhất 1 hợp đồng đạt mức kịch trần, nên giới hạn giá trong ngày hôm qua của ngô vẫn giữ nguyên.
Dầu đậu tiếp tục dẫn dắt đà tăng chung của nhóm đậu tương, nhờ ảnh hưởng từ mức tăng mạnh hơn 7% của dầu cọ và hơn 8% của dầu thô. Qua đó cũng kéo theo mức tăng của đậu tương nhưng áp lực trái chiều đã hạn chế lại mức tăng của khô đậu. 

NGUYÊN LIỆU CÔNG NGHIỆP
Hợp đồng Arabica kỳ hạn tháng 5 tăng hơn 1.3% lên mức 236 cents/pound, hợp đồng Robusta cùng kỳ hạn ghi nhận chuỗi giảm 5 phiên liên tiếp với giá đóng cửa thấp hơn 0.3% về 2084 USD/tấn, đây cũng là mức thấp nhất trong vòng 1 tháng trở lại đây.
Do thiếu vắng thông tin cơ bản từ thị trường, giá cà phê Arabica trong phiên ngày hôm qua chủ yếu đi ngang sau khi chứng kiến sức mua của áp đảo của giới đầu tư vào đầu phiên sáng.
Hợp đồng đường 11 kỳ hạn tháng 5 cao hơn 3.6% với giá đóng cửa đạt 18.34 cents/pound, hợp đồng đường trắng cùng kỳ hạn cũng tăng 2.68% lên mức 509.3 USD/tấn. Việc giá dầu thô vượt mốc 100 USD/thùng trong phiên ngày hôm qua là động lực chính thúc đẩy cho đà tăng mạnh của giá đường.
Cacao giảm 0.32% xuống còn 2521 USD/tấn trước dự báo của Tổ chức cacao toàn cầu cho rằng thị trường có thể thâm hụt 181,000 tấn cacao niên vụ 2021/22. 

KIM LOẠI
Giá bạc dẫn đầu đà tăng của nhóm với mức đóng cửa cao hơn gần 5% lên 25.541 USD/ounce, và cũng là mức cao nhất trong vòng nửa năm. Giá bạch kim cũng tăng 1.3% lên 1051.9 USD/ounce. Vai trò trú ẩn một lần nữa hỗ trợ cho sức mua gia tăng trên cả hai thị trường kim loại quý. Trong bối cảnh căng thẳng chính trị giữa Nga và Ukraine không ngừng leo thang, dòng tiền tiếp tục rút ra khỏi thị trường chứng khoán để phân bổ vào các thị trường như vàng, bạc, bạch kim và thị trường trái phiếu.
Đối với nhóm kim loại cơ bản, giá đồng lấy lại sắc xanh sau hai phiên giảm với mức tăng gần 3.2% lên gần 4.6 USD/pound, đồng thời là mức đóng cửa cao nhất trong vòng 2 tuần. Việc sản lượng đồng ở Chile, nhà sản xuất số 1 thế giới giảm 15% trong tháng 2 đã khiến cho nỗi lo nguồn cung quay trở lại thị trường. Tồn kho ở ba Sở chính là Sở LME, Sở COMEX và Sở Thượng Hải hiện cũng chỉ còn hơn 210,000 tấn.
Giá nhôm cũng tăng hơn 3% lên 3478 USD/tấn, bởi nguồn cung của kim loại này cũng đang ở trong tình trạng đáng báo động trong bối cảnh tình hình xung đột vũ trang ở châu Âu leo thang.
Giá quặng sắt cũng tăng mạnh gần 4.4% lên 148.11 USD/tấn. Vì Nga và Ukraine cũng là hai nhà cung cấp quặng sắt lớn ở Châu Âu nên giá sắt cũng được hưởng lợi từ những căng thẳng chính trị này. 

NĂNG LƯỢNG

Kết thúc phiên giao dịch, giá WTI tăng 8.03% lên 103.41 USD/thùng trong khi giá Brent tăng 7.15% lên 104.97 USD/thùng.
Sự gia tăng các cuộc tấn công vào Ukraine, đặc biệt là các cuộc ném bom đang khiến cho xung đột giữa các bên tiếp tục gia tăng. Tổng thống Ukraine vẫn đang muốn thúc đẩy Ukraine gia nhập vào EU, một phần nhằm đảm bảo lợi ích của nước này trong cuộc chiến với Nga. Theo quy định nhóm, các thành viên sẽ phải phòng vệ lẫn nhau nếu bị tấn công, và đây là một trong những lý do khiến Nga từ trước luôn phản đối việc Ukraine gia nhập EU. Nga đã tuyên bố sẽ tiếp tục chiến dịch quân sự ở Ukraine cho đến khi đạt được mục tiêu. Ukraine cho biết sẽ chỉ nối lại đàm phán khi Nga dừng ném bom nước này, do đó khả năng cao cả về ngoại giao lẫn quân sự các bên sẽ còn tiếp tục đối đầu. Trong khi đó, việc Mỹ tuyên bố mở kho dự trữ chiến lược 60 triệu thùng dầu với các đồng minh không giúp làm giảm áp lực nào trên thị trường, do con số này chỉ chưa bằng lượng dầu thế giới tiêu thụ trong vòng 1 ngày, hoặc 6 ngày sản lượng dầu của Nga. Hiện tại mặc dù chưa có lệnh cấm vận trực tiếp nào nhắm vào dầu khí của Nga, nhưng các công ty tại Mỹ và châu Âu cũng đã giảm các đơn hàng thu mua.

Nguồn: Vinanet/VITIC/MXV