NÔNG SẢN
Giá đậu tương tăng 2.11% và mức tăng chủ yếu nhờ phiên cuối tuần. Chất lượng đậu tương Mỹ đang thấp hơn 14% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi năng suất đang dự báo đạt 50.0 giạ/mẫu, so với mức 50.2 năm ngoái. Đây là yếu tố “bullish” với giá đậu tương vì thị trường đang kì vọng năng suất của đậu tương sẽ ở mức thấp hơn nữa, khiến tồn kho Mỹ sẽ giảm mạnh.
Giá dầu đậu tương cũng tăng mạnh gần 3.3% khi giá dầu cọ đạt mức kỉ lục do lo ngại về nguồn cung thắt chặt và triển vọng xuất khẩu cao hơn trong tháng 8 của Malaysia. Trong khi đó, giá khô đậu tương vẫn chưa có xu hướng rõ ràng và chỉ tăng không đáng kể 0.75%.
Ngô tăng mạnh sau báo cáo Cung-cầu tháng 8 của USDA. Nguồn cung ngô ở Brazil đã bị sụt giảm nặng nề chỉ trong vòng 1 tháng do hạn hán và sương giá, trong khi năng suất ngô ở Mỹ cũng giảm dưới mức dự đoán của thị trường khiến tồn kho cuối niên vụ 21/22 giảm mạnh. Điều này đã tác động bullish mạnh tới giá ngô.
Lúa mì là mặt hàng dẫn đầu đà tăng của thị trường với mức tăng vọt hơn 6% trong tuần trước. Sản lượng lúa mì của Nga và Canada đều bị giảm rất mạnh tạo điều kiện xuất khẩu cho lúa mì Mỹ ở một số thị trường Trung Đông và châu Á. Nguồn cung thắt chặt cũng là yếu tố thúc đẩy giá mặt hàng này.
NGUYÊN LIỆU CÔNG NGHIỆP
Sắc xanh chiếm ưu thế trên thị trường Cà phê trong tuần vừa qua giúp cho giá Arabica đóng cửa tăng gần 4% lên 185.75 cents/pound và giá Robusta tăng gần 5% lên 1836 USD/tấn. Những lo ngại về khí hậu khô hạn ở Brazil và khó khăn trong chuỗi vận chuyển trên toàn cầu là những lý do chính hỗ trợ cho đà tăng của giá Cà phê trong tuần qua. Tuy nhiên đến phiên cuối tuần, giá gặp phải áp lực bán nên quay đầu giảm, đây nhiều khả năng là một nhịp điều chỉnh nhẹ của thị trường bởi giá Cà phê vẫn được hỗ trợ nhiều trong dài hạn nhờ vào những lo ngại nguồn cung cho niên vụ sắp tới.
KIM LOẠI
Trong khi giá bạc giảm nhẹ 2.3% còn 23.78 USD/ounce, giá bạch kim hồi phục mạnh 5.5% lên 1026 USD/ounce. Cả hai mặt hàng kim loại quý có sự phân hóa rõ rệt trước các tin tức lạm phát và việc làm được công bố trong tuần vừa qua. Chỉ số giá tiêu dùng CPI lõi giảm còn 0.3% thấp hơn so với dự báo của giới chuyên môn, trái lại chỉ số giá sản xuất PPI lõi lại tăng lên 1%, gấp đôi so với mức dự đoán. Bên cạnh đó, số đơn xin đề nghị trợ cấp thất nghiệp lần đầu tiếp giảm nhưng cũng không đủ để gây ra bất ngờ với giới đầu tư. Các tin tức kinh tế vẫn cho thấy sự phục hồi thiếu chắc chắn của nền kinh tế Mỹ, làm cho đồng USD trải qua sự giằng co mạnh trong tuần. Chỉ số Dollar Index đã có lúc tăng lên mức cao nhất trong vòng 3 tuần nhưng rồi giảm mạnh và đóng cửa tuần với mức giảm 0.3% còn 92.52 điểm. Giá Bạch kim hồi phục tích cực hơn so với giá Bạc bởi Bạch kim liên tục hứng chịu các mức giảm mạnh trước đó khiến cho lực bắt đáy có phần nhỉnh hơn, đồng thời, các tin tức tích cực xoay quanh triển vọng của ngành xe điện toàn cầu cũng góp phần hỗ trợ cho giá.
Ở thị trường kim loại cơ bản, giá Đồng tăng 1% lên 4.39 USD/pound, khi tâm lý lo ngại về nguồn cung lại quay trở lại thị trường. Công nhân ở các mỏ đồng lớn là Andina, Caserones và Escondida ở Chile đã thực hiện đình công nhằm phản đối các điều khoản về mức lương hiện tại. Căng thẳng kéo dài tới cuối tuần qua, tuy nhiên, chỉ có công nhân ở mỏ Escondida là chấp nhận thỏa thuận mới. Công nhân ở hai mỏ Đồng còn lại vẫn tiếp tục đình công và có thể khiến cho nguồn cung Đồng sụt giảm nghiêm trọng khi sản lượng của hai mỏ này lên tới gần 300,000 tấn/năm.
Trái lại, giá Quặng sắt tiếp tục sụt giảm mạnh 5% còn 159 USD/tấn trước các chính sách kiểm soát đầu ra của chính phủ Trung Quốc. Một loạt các nhà máy thép ở Đường Sơn đã phải cắt giảm các hoạt động sản xuất để đảm bảo chất lượng không khí cho kỳ thế vận hội mùa đông diễn ra ở Trung Quốc vào đầu năm sau. Vốn chịu trách nhiệm tới 50% sản lượng thép trên toàn cầu, các chính sách thắt chặt này khiến cho nhu cầu tiêu thụ nguyên liệu đầu vào là quặng sắt sụt giảm nghiêm trọng và gây sức ép khiến giá giảm.
NĂNG LƯỢNG
Giá dầu kết thúc trái chiều trong tuần vừa rồi với giá WTI tăng nhẹ 0.23% lên 68.44 USD/thùng trong khi Brent giảm nhẹ 0.16% xuống 70.59 USD/thùng. Giá WTI thu hẹp dần khoảng cách so với Brent khi tồn kho xăng dầu tại Mỹ tiếp tục giảm bất chấp dịch COVID-19 gia tăng tại phía Nam nước này.
IEA hạ dự báo triển vọng nhu cầu dầu thô thế giới trong nửa cuối năm nay trong Báo cáo thị trường dầu tháng 8, trên cơ sở dịch COVID-19 sẽ làm suy yếu tiêu thụ dầu tại các nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc. Điều này gây áp lực đến giá dầu trong các phiên cuối tuần, bất chấp việc EIA và OPEC đều giữ triển vọng lạc quan về thị trường dầu.
Một vấn đề khác mà cả 3 tổ chức IEA, EIA và OPEC đều chỉ ra, đó chính là sản lượng các nước ngoài khối OPEC gia tăng cao hơn dự đoán, khi các nhà sản xuất tranh thủ mức giá tăng gần 50% từ đầu năm đến giờ. Do đó, các tổ chức đồng loạt hạ dự báo nhu cầu dành cho sản phẩm của OPEC. Như vậy, nếu không có thay đổi nào trong hạn ngạch sản xuất của OPEC trong thời gian tới, thị trường sẽ xuất hiện tình trạng dư cung vào đầu năm 2022.
Giá khí tự nhiên giảm mạnh 6.72% xuống 3.875 USD/MMBTu khi một loạt các cơn bão hình thành tại vùng Biển Đại Tây Dương và phía Đông Thái Bình Dương dự kiến sẽ đem theo mưa lớn hạ nhiệt cho đất liền.