Năng lượng: Giá dầu tăng tuần thứ 9 liên tiếp
Giá dầu phiên cuối tuần giao dịch quanh mức cao nhất nhiều tuần trong tâm lý lạc quan rằng giá sẽ duy trì cao do nguồn cung thấp, song bị cản trở bởi các nhà lãnh đạo trên thế giới bày tỏ lo ngại rằng tình trạng nhu cầu gián đoạn do đại dịch COVID-19 vẫn chưa kết thúc.
Kết thúc phiên, dầu Brent tăng 92 cent, tương đương 1,1% lên 85,53 USD/thùng; tính chung cả tuần tăng 1%, là tuần thứ 7 tăng liên tiếp. Giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 1,26%, tương đương 1,5%, lên 83,76 USD/thùng, không xa mức cao nhất 7 năm chạm tới trong tuần này. Tính chung cả tuần, dầu WTI tăng 1,7%, là tuần tăng thứ 9 liên tiếp.
Trước đó, trong phiên giao dịch đầu tuần, giá dầu thế giới đi xuống sau khi chạm mức cao nhất của nhiều năm, khi sự nhiệt tình ban đầu về nhu cầu biến mất sau khi có thông tin cho thấy sản lượng công nghiệp của Mỹ trong tháng 9/2021 đã ghi nhận mức giảm sâu nhất trong bảy tháng.
Đáng chú ý, đầu phiên này, giá dầu Brent có thời điểm chạm mức cao nhất tính từ tháng 10/2018 là 86,04 USD/thùng, còn giá dầu WTI cũng tăng lên 83,87 USD/thùng - mức đỉnh kể từ tháng 10/2014.
Số liệu từ công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes (Mỹ) ngày 22/10 còn cho thấy khả năng sản lượng dầu của Mỹ có thể sẽ giảm xuống, khi số giàn khoan dầu của Mỹ đã giảm 2 giàn xuống còn 443 giàn trong tuần này. Đây là tuần đầu tiên số giàn khoan của Mỹ giảm xuống trong bảy tuần qua.
Ông Jay Hatfield, Giám đốc điều hành của công ty tư vấn Infrastructure Capital Advisors (Mỹ), cho biết giá dầu đang kéo dài đà khởi sắc gần 30% trong ba tháng qua, khi dịch COVID-19 đạt “đỉnh” và Mỹ mở cửa đối với du khách đã tiêm vaccine. Infrastructure Capital Advisors dự đoán dầu sẽ được giao dịch trong khoảng giá 80-100 USD/thùng trong năm 2022, nhờ nhu cầu gia tăng từ hoạt động đi lại quốc tế và xu hướng chuyển từ khí tự nhiên sang dầu, giữa lúc giá khí tự nhiên toàn cầu đang ở mức tương đương 180 USD/thùng.
Giá than giảm mạnh trong phiên cuối tuần do Chính phủ Trung Quốc tìm mọi biện pháp hạ nhiệt mặt hàng này. Theo đó, giá than luyện cốc trên Sàn Đại Liên (kỳ hạn tháng 1) giảm 11,1% xuống 2.875 CNY (tương đương 449,80 USD)/tấn vào cuối phiên giao dịch, trong phiên có lúc giảm hết biên độ giới hạn, giảm 14%. Tính chung cả tuần, giá đã giảm 14%, mức giảm mạnh nhất kể từ ngày 5/5 và xóa sạch mức tăng kể từ cuối tháng 9. Giá than cốc phiên này giảm 9% xuống 3.564 CNY/tấn.
Giá khí tự nhiên của Mỹ tăng khoảng 3% lên mức cao nhất một tuần do dự báo nhu cầu tăng khi thời tiết chuyển mát mẻ hơn và giá khí toàn cầu tăng khiến nhu cầu khí hóa lỏng của Mỹ tăng mạnh.
Mặc dù dự báo cho rằng nhiệt độ ở Mỹ sẽ giảm khi mùa đông đến gần, những dự báo đó cũng dự đoán thời tiết sẽ vẫn ôn hòa hơn bình thường ít nhất là đến đầu tháng 11.
Hợp đồng khí đốt kỳ hạn giao sau 1 tháng tăng 16,5 cent, tương đương 3,2%, lên mức 5,280 USD/triệu đơn vị nhiệt Anh (mmBtu), mức đóng cửa cao nhất kể từ ngày 15/10.
Kim loại quý: Giá vàng tuần qua tăng mạnh nhất trong gần hai tháng
Giá vàng thế giới biến động mạnh trong phiên cuối tuần, đầu phiên tăng mạnh nhưng cuối phiên mất đi một nửa mức tăng đó sau khi Chỉ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Jerome Powell, cho biết ông dự kiến lạm phát sẽ giảm bớt trong năm tới và ngân hàng trung ương Mỹ đang trên lộ trình bắt đầu giảm bớt các biện pháp kích thích.
Khép lại phiên này, giá vàng giao ngay tăng 0,6% lên 1.793,82 USD/ounce, trước đó có lúc giá tăng 1,7%, tính chung cả tuần giá tăng 1,4%. Giá vàng kỳ hạn tháng 12 tăng 0,8% lên 1.795,80 USD/ounce vào lúc đóng cửa phiên cuối tuần, trước đó, giá vàng giao tháng 12/2021 được giao dịch ở mức 1.815,50 USD/ounce trong suốt phiên này. Tính chung cả tuần, giá vàng tăng 1,6%, mức tăng theo tuần mạnh nhất kể từ tuần kết thúc vào ngày 27/8. Mức tăng này đánh dấu tuần tăng giá thứ tư trong năm tuần qua.
Ông Powell ngày 22/10 nhận định rằng đà tăng lạm phát tại Mỹ có thể sẽ kéo dài sang năm sau, và đã đến lúc thu hẹp quy mô chương trình mua tài sản hàng tháng trị giá 120 tỷ USD của Fed. Chỉ số Dollar index đã hồi phục một phần mức giảm lúc đầu phiên sau những bình luận của ông Powell.
Cuộc họp chính sách tiếp theo của ngân hàng này sẽ diễn ra vào hai ngày 2-3/11. Giá vàng giảm xuống vào cuối phiên do sự kết hợp giữa hoạt động chốt lời vào cuối tuần và hoạt động bán ra sau bình luận trên của Chủ tịch Fed.
Tuy nhiên, ông Chintan Karnani, giám đốc nghiên cứu của công ty tư vấn kinh doanh Insignia Consultants (Ấn Độ), nhận định giá vàng vẫn đang được hỗ trợ bởi những lo ngại về lạm phát. Nhà phân tích Edward Moya làm việc ở công ty dịch vụ môi giới OANDA, có trụ sở tại Mỹ, cho rằng không có nhiều người đặt lòng tin vào vàng tại thời điểm hiện nay. Theo chuyên gia này, thị trường vẫn chưa biết chính xác liệu khi nào Fed sẽ điều chỉnh chính sách tiền tệ. Trong khi đó, báo cáo kết quả kinh doanh lạc quan của doanh nghiệp đang làm gia tăng sức hấp dẫn của các tài sản rủi ro như chứng khoán.
Một nhân tố khác làm giảm bớt sự hấp dẫn của vàng là việc lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng lên 1,6302%, mức cao nhất kể từ đầu tháng Sáu. Một số nhà quan sát dự báo Fed sẽ sớm thu hẹp chương trình mua tài sản trước báo cáo lợi nhuận tích cực của doanh nghiệp và đà tăng của giá tiêu dùng tại Mỹ.
Về những kim loại quý khác, giá bạc tăng 0,8% lên 24,34 USD/ounce, bạch kim giảm 0,7% xuống 1.041,52 USD/ounce, trong khi palladium tăng 0,6% lên 2.029,18 USD/ounce.
Kim loại công nghiệp: Giá hàng hóa đồng loạt giảm
Giá kim loại công nghiệp tuần qua đồng loạt giảm do lo ngại về nguy cơ tăng trưởng của Trung Quốc chậm lại làm giảm nhu cầu kim loại.
Giá đồng tiếp tục giảm trong phiên cuối tuần do chịu áp lực bởi sự thiếu chắc chắn về những tác động của việc giá than ở Trung Quốc giảm, trong bối cảnh các nhà đầu cơ bán hợp đồng ra trước khi nghỉ cuối tuần. Phiên vừa qua giá kim loại này cũng biến động mạnh, tăng vào buổi sáng do lo ngại nguồn cung khan hiếm, nhưng quay đầu giảm từ chiều.
Giá đồng giao sau 3 tháng trên Sàn giao dịch kim loại London (LME) phiên cuối tuần giảm 1,1% xuống 9,723 USD/tấn, sau khi đã giảm 3,5% trong phiên trước đó – sau khi Trung Quốc tuyên bố can thiệp để hạ nhiệt giá than.
Giá nhôm phiên này cũng giảm 1,2% xuống 2.876 USD/tấn, sau khi giảm 5,2% ở phiên liền trước.
Giá sắt thép giảm phiên cuối tuần giảm do Chính phủ Trung Quốc kiểm soát mạnh mẽ giá than sau đợt giá năng lượng này tăng mạnh gần đây. Giá quặng sắt kỳ hạn tương lai trên sàn Đại Liên giảm 1,5% xuống 690 CNY/tấn, quặng sắt hàm lượng 62% nhập khẩu giao ngay tại cảng biển Trung Quốc giảm 62% xuống 120,5 USD/tấn. Giá thép phiên này cũng giảm do giá nguyên liệu sản xuất thép giảm. Thép cây giảm 6,5% xuống 4.900 CNY/tấn, thấp nhất kể từ ngày 27/5, thép cuộn cán nóng giảm 3,7% xuống 5.308 CNY/tấn, trong khi thép không gỉ giảm 2,4% xuống 20.260 CNY/tấn.
Nông sản: Giá ngũ cốc tăng trong tuần
Giá lúa mì Mỹ tăng trong phiên cuối tuần do lo ngại nguồn cung trên toàn cầu bị thắt chặt và do USD giảm giá. Ngô cũng theo xu hướng này, nhưng mức tăng bị hạn chế do chịu ảnh hưởng từ thị trường đậu tương – đang chịu áp lực sau khi nông dân Mỹ thu hoạch vụ đậu tương tốt hơn dự kiến.
Lúa mì kỳ hạn tương lai trên sàn Chicago kết thúc phiên tăng 14-3/4 cent lên 7,56 USD/bushel, ghi nhận mức tăng 3% trong tuần; ngô cũng tăng 5-3/4 lên 5,38 USD/bushel, tính chung cả tuần tăng 2,33%; trong khi đậu tương giảm 3-1/2 cent xuống 12,20-1/2 USD/bushel. 
Công ty nghiên cứu nông nghiệp AgResource có trụ sở tại Chicago (Mỹ) cho biết, lúa mì giao kỳ hạn đang tăng giá trong khi đậu tương giảm giá do lượng dự trữ cuối vụ của Mỹ đang tăng và lo ngại ngày càng lớn về nhu cầu tiêu thụ yếu của Trung Quốc.
Giá năng lượng tăng và lo ngại lạm phát có thể ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường hàng hóa thế giới nhưng nhu cầu xuất khẩu ngô và đậu tương tốt hơn là điều cần thiết để thị trường nông sản phục hồi bền vững.
Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) không thông báo bất kỳ đợt xuất khẩu đậu tương mới nào từ Mỹ sang Trung Quốc trong thời gian gần đây. Sự giảm tốc rõ rệt trong hoạt động xuất khẩu đậu tương của Mỹ đã hạn chế đà tăng giá mặt hàng này, ngay cả khi không có rủi ro nào về diễn biến thời tiết ở khu vực Nam Mỹ.
Giá đường thô kỳ hạn tháng 3 phiên cuối tuần tăng 0,14%, tương đương 0,7%, lên 19,08 cent/lb, vượt xa mức thấp nhất nhất ba tuần chạm tới vào đầu tuần này, là 18,82 cent; đường trắng giao tháng 12 phiên này giảm 0,20 USD xuống 500,60 USD/tấn.
Giá cà phê arabica kỳ hạn trên sàn ICE giảm gần 2% lúc đóng cửa phiên cuối tuần, khi các nhà đầu cơ bán chốt lời sau đợt giá tăng gần đây, và các nhà sản xuất Brazil tranh thủ bán ra khi đồng nội tệ giảm so với USD.
Cà phê arabica giao tháng 12 kết thúc phiên giảm 3,45 cent, tương đương 1,7%, xuống 1,9985 USD/lb; cà phê robusta giao tháng 1 tăng 6 USD, tương đương 0,3% lên 2.141 USD/tấn. Giá cà phê Robusta vẫn đứng vững nhờ nhu cầu cà phê giao ngay tăng mạnh sau khi nới lỏng giãn cách xã hội. Trái lại, đồng reais của Brazil suy yếu đã thúc đẩy người dân Brazil mạnh tay bán nông sản xuất khẩu.
Giới đầu cơ nhận định khả năng thiếu hàng cục bộ ở những tháng sắp tới, khi vụ cà phê mới ở Việt Nam chưa được đưa ra thị trường. Thị trường cũng dấy lên mối lo nông dân sẽ không bán hàng ra, trong bối cảnh tiền lương nhân công và chi phí cho vật tư sản xuất ngày càng tăng cao vượt quá sức chịu đựng của họ.
Giá cao su giao dịch trên thị trường Nhật Bản phiên cuối tuần giảm hơn 3% theo xu hướng đi xuống ở sàn giao dịch Thượng Hải lao dốc trong bối cảnh lo ngại về nhu cầu chậm lại ở Trung Quốc – nước nhập khẩu hàng đầu thế giới.
Hợp đồng cao su giao tháng 3 trên sàn Osaka giảm 7,6 yên, tương đương 3,2%, xuống 230,9 yên (2,0 USD)/kg. Tuy nhiên, tính chung cả tuần giá tăng 1,9%, là tuần tăng thứ 4 liên tiếp.
Cao su kỳ hạn tháng 1 trên sàn Thượng Hải phiên này cũng giảm 875 CNY xuống 14.750 CNY (2.309 USD)/tấn.

 

Giá hàng hóa thế giới tuần qua

 

Nguồn: Vinanet / VITIC / Reuters, Bloomberg