Cụ thể, theo báo cáo Crop Progress được Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) công bố vào sáng nay, nông dân nước này đang bước vào giai đoạn cuối cùng của hoạt động gieo trồng với tiến độ đã đạt 91% tổng diện tích dự kiến, nhanh hơn nhiều so với mức 76% trung bình cùng kì 5 năm trước. Báo cáo này cũng cung cấp số liệu đầu tiên đánh giá chất lượng vụ đậu tương 22/23 của Mỹ. Tỉ lệ đậu tương được đánh giá đạt tốt – tuyệt vời chiếm 62%, trong khi con số này được kỳ vọng sẽ đạt 65%. Tuy nhiên, nhờ tiến độ gieo trồng nhanh chóng giúp hạn chế phần nào tác động từ hạn hán cùng với việc khả năng xuất hiện mô hình El Nino năm nay giúp gia tăng độ ẩm tại Mỹ vẫn sẽ mang lại triển vọng tích cực trong dài hạn về nguồn cung. Việc chất lượng cây trồng không như mong đợi của thị trường sẽ chỉ tác động hỗ trợ nhẹ tới giá trong phiên hôm nay.
Ngoài ra, áp lực cạnh tranh đối với nguồn cung từ Brazil cũng đang hạn chế đà hồi phục của giá. Xuất khẩu đậu tương tháng 06 của Brazil có thể đạt tổng cộng 13,1 triệu tấn, giảm so với mức 14,49 triệu tấn của tháng 05 - tháng xuất khẩu đậu tương cao điểm của nước này, cơ quan hàng hải Cargonave dự báo. Tuy vậy, các lô hàng đậu tương xuất khẩu trong tháng 06 năm nay của Brazil vẫn tăng 3,16 triệu tấn so với cùng kỳ năm trước. Khối lượng xuất khẩu đậu tương năm nay của Brazil đã tăng cao, trong bối cảnh nước này có một vụ thu hoạch kỷ lục với sản lượng hơn 150 triệu tấn.
Các thông tin cơ bản về triển vọng nguồn cung đậu tương toàn cầu đang tác động trái chiều tới giá. Theo đánh giá của chúng tôi, giá mặt hàng này sẽ giằng co trong vài phiên tới và có thể hồi phục trở lại từ vùng hỗ trợ 1340.

Giá Arabica khả năng cao sẽ giằng co trước khi thiết lập đà giảm
Kết thúc phiên giao dịch ngày 05/06, hai mặt hàng cà phê đồng loạt khởi sắc trước những áp lực từ nguồn cung trong ngắn hạn. Giá Arabica đóng cửa cao hơn mức tham chiếu 1,55% khi tỷ giá USD/Brazil giảm 0,57%, làm hạn chế nhu cầu bán hàng của nông dân Brazil, kết hợp cùng tồn kho Arabica đạt chuẩn giảm về mức thấp nhất từ cuối tháng 11/2022, khiến lo ngại về khan hiếm nguồn cung gia tăng. Nguồn cung khan hiếm ở thời điểm hiện tại cũng là mối quan tâm hàng đầu đối với Robusta, từ đó hỗ trợ giá tăng hơn 1% trong phiên hôm qua.
Dù nguồn cung trong ngắn hạn đang ở mức đáng lo ngại, nhưng triển vọng nguồn cung tích cực tại các quốc gia xuất khẩu hàng đầu như Brazil hay Colombia rất có thể sẽ là áp lực khiến giá khó duy trì được mức giá hiện tại.
Theo đó, tiến độ thu hoạch cà phê diễn ra tích cực tại Brazil nhờ thời tiết thuận lợi, kết hợp cùng triển vọng nguồn cung tích cực trong năm 2023 với sản lượng dự kiến tăng 16% so với năm trước, khiến nông dân bớt dè chừng trong việc bán hàng. Hơn nữa, đại diện Hiệp hội Những nhà Xuất khẩu Cà phê Brazil (Cecafe) cũng nhận định, xuất khẩu cà phê của nước này sẽ được đẩy mạnh trong giai đoạn cuối năm 2023. Điều này giúp thị trường đón nhận nguồn cung mới, bù đắp những thiếu hụt hiện tại.

Thiếu động lực tăng, giá đồng có thể giảm nhẹ trong phiên hôm nay
Giá đồng giảm nhẹ trong phiên sáng 06/06 do tin tức tích cực về nguồn cung và nhà đầu tư thận trọng chờ đợi dữ liệu kinh tế của Trung Quốc công bố vào ngày mai, để đánh giá triển vọng tiêu thụ của Trung Quốc, quốc gia chiếm gần 60% trong cơ cấu tiêu thụ đồng toàn cầu.
Kể từ tháng 03, khi tình trạng biểu tình - bạo lạo giảm bớt tại Peru, quốc gia khai thác đồng lớn thứ hai thế giới, sản lượng đồng của nước này liên tục được cải thiện do hoạt động khai thác hồi phục trở lại.
Cụ thể, theo Bộ Năng lượng và Mỏ Peru (MINEM), sản lượng đồng của Peru đạt 221.999 tấn trong tháng 4, tăng 30,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức tăng mạnh trong tháng 4 đã thúc đẩy sản lượng đồng của nước này trong 4 tháng đầu năm lên 837.514 tấn, tương đương tăng 15,7% (YoY).
Điều này giúp giảm bớt lo ngại nguồn đồng cung thu hẹp trên toàn cầu và có thể làm giảm lực mua đồng trong phiên hôm nay. Tuy vậy, đà giảm của giá đồng có thể không quá mạnh, do được hỗ trợ bởi yếu tố vĩ mô lạc quan. Thị trường đang gia tăng đặt cược vào việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tạm ngừng tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 6 sắp tới.
Bên cạnh đó, bài toán tiêu thụ tại Trung Quốc vẫn đang đặt ra nhiều hoài nghi cho nhiều nhà đầu tư. Trong tháng 4, nhu cầu tiêu thụ đồng của Trung Quốc suy yếu đáng kể, được thể hiện qua sản lượng nhập khẩu đồng giảm hơn 12% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi hoạt động sản xuất suy yếu và đầu tư bất động sản giảm.
Do đó, thị trường sẽ tiếp tục chờ đợi dữ liệu nhập khẩu đồng trong tháng 5 của Trung Quốc được công bố vào sáng mai, để đánh giá nhu cầu tiêu thụ. Trước đó, dữ liệu của công ty Earth-i đã chỉ ra hoạt động luyện đồng của Trung Quốc đã có dấu hiệu phục hồi nhẹ trong tháng 5. Tồn kho đồng trên Sở Giao dịch Thượng Hải đang ở mức thấp nhất kể từ giữa tháng 01 năm nay. Hơn nữa, Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc và lãi suất của các ngân hàng trong nửa cuối năm nay để hỗ trợ nền kinh tế, theo Tạp chí Chứng khoán Trung Quốc.
Do vậy, nếu sản lượng nhập khẩu đồng của Trung Quốc phục hồi trong tháng 5, đây là sẽ tín hiệu “bullish” tới giá đồng.

Động lực tăng của giá dầu do cắt giảm sản lượng có thể đến trễ
Tác động tâm lý từ thông báo cắt giảm sản lượng tự nguyện của Saudi Arabia là chưa đủ để hỗ trợ mạnh cho giá dầu. Giá dầu vẫn đón nhận lực bán chiếm ưu thế trong phiên sáng nay, trong bối cảnh thị trường tập trung nhiều hơn về phía triển vọng nhu cầu.
Nền kinh tế Trung Quốc, động lực chính được kỳ vọng sẽ thúc đẩy giá dầu vẫn đang cho thấy sức sản xuất yếu. Trong khi lo ngại suy thoái tại Mỹ vẫn cản trở đà tăng của giá dầu. Trong ngắn hạn, giá dầu vẫn sẽ đối diện với áp lực này nếu như các dữ liệu của 2 quốc gia không cho thấy sự cải thiện.
Về mặt cung cầu, các đợt cắt giảm từ OPEC+ dự kiến vẫn sẽ có sức tác động làm tăng giá dầu, nhưng ảnh hưởng “bullish” có thể đến muộn hơn.
Báo tháng tháng 5 của Cơ quan Thông tin Năng lượng quốc tế (EIA) dự báo cán cân cung – cầu trên thị trường dầu thô vào quý III rất mong manh khi nguồn cung chỉ vừa đủ đáp ứng nhu cầu ở mức 101,58 triệu thùng/ngày. Đồng nghĩa, thặng dư cung gần như bằng 0. Do cuộc họp OPEC+ kết thúc vào 04/06, nên Báo cáo tháng 6 của EIA được công bố vào tối nay nhiều khả năng sẽ chưa tính đến các tác động cắt giảm từ Saudi Arabia.
Do chưa tính đến tác động từ OPEC+, trong khi bức tranh kinh tế của Trung Quốc khá tiêu cực trong tháng 5, EIA có thể sẽ hạ dự báo nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu trong báo cáo lần này, vì vậy, giá dầu sẽ ít được hỗ trợ từ báo cáo.
Tuy nhiên, thặng dư cung trong 2 quý cuối năm nhiều khả năng vẫn sẽ thấp hơn nhiều so với mức cắt giảm 1 triệu thùng/ngày của Saudi Arabia trong tháng 7. Do đó, các tác động “bullish” tới giá dầu có thể sẽ được cảm nhận trên thị trường hàng thực kể từ tháng 7. Mặc dù chưa có tác động ngay tới giá trong ngắn hạn, nhưng về dài hạn, giá dầu vẫn sẽ có động lực tăng giá.

Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)