Hiệp định về Hợp tác Kinh tế Thương mại giữa Việt Nam và Uzbekistan

 
Hiệp định về Hợp tác Kinh tế Thương mại giữa Việt Nam và Uzbekistan được kí kết nhằm tạo cơ sở pháp lí, điều kiện thuận lợi cho việc phát triển quan hệ kinh tế thương mại song phương.
Hợp tác Kinh tế Thương mại giữa Việt Nam và Uzbekistan. (Ảnh minh họa. Nguồn: freepik)
 
Thông tin cơ bản về Hợp tác Kinh tế Thương mại giữa Việt Nam và Uzbekistan
Thời gian kí kết: 3/2/1994.
 
Nơi kí kết: Taskent, Uzbekistan.
 
Hiệp định về Hợp tác Kinh tế Thương mại giữa Việt Nam và Uzbekistan được kí kết nhằm tạo cơ sở pháp lí, điều kiện thuận lợi cho việc phát triển quan hệ kinh tế thương mại song phương.
 
Việt Nam và Uzbekistan mong muốn mở rộng và củng cố quan hệ kinh tế thương mại, vì sự phát triển kinh tế của hai nước. Hiệp định phù hợp với luật pháp quốc tế, các nguyên tắc bình đẳng cùng có lợi và trong khuôn khổ pháp luật hiện hành ở mỗi nước.
 
Hai nước sẽ thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại song phương trên cơ sở lâu dài, ổn định. Phát triển quan hệ kinh tế đối ngoại giữa các chủ thể hoạt động kinh doanh của hai nước trong các lĩnh vực sau:
 
- Nông nghiệp, chế biến, bảo quản và vận chuyển nông sản.
 
- Công nghiệp nhẹ, kể cả sản xuất thành phẩm có chất lượng và sức cạnh tranh cao.
 
- Công nghiệp điện tử và kĩ thuật điện.
 
- Công nghiệp hoá chất, kể cả sản xuất phân bón.
 
- Chế tạo máy.
 
- Y tế, công nghiệp dược và công nghiệp y tế.
 
- Công nghiệp xây dựng kể cả sản xuất vật liệu và thiết bị xây dựng.
 
- Các lĩnh vực khác cùng quan tâm.
 
Đối xử tối huệ quốc theo Hiệp định
1. Hai Bên dành cho nhau chế độ tối huệ quốc về thuế quan và các khoản thu khác, cũng như về thể thức đánh thuế hải quan và các khoản thu khác khi xuất khẩu và nhập khẩu hàng hoá.
 
2. Hai Bên sẽ dành cho nhau chế độ không phân biệt đối xử trong việc áp dụng hạn chế số lượng, cấp giấy phép đối với hàng hoá xuất khẩu và nhập khẩu trong buôn bán với nhau.
 
3. Những qui định trên không liên quan đến:
 
Những ưu đãi mà mỗi nước đã hoặc có thể dành cho các nước láng giềng, nhằm tạo điều kiện hỗ trợ mậu dịch biên giới;
 
Những ưu đãi có thể có do sự tham gia của một trong hai nước vào các vùng mậu dịch tự do, các liên minh thuế quan hoặc các hiệp định khu vực khác.
 
4. Các điều khoản của Hiệp định này không hạn chế quyền của mỗi Bên trong trường hợp cần thiết áp dụng các biện pháp cấm, hoặc hạn chế xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa nhằm:
 
- Bảo vệ an ninh quốc gia.
 
- Bảo vệ đời sống và sức khỏe nhân dân, phòng ngừa các loại bệnh động vật.
 
Quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Uzbekistan
Quan hệ kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Uzbekistan đã có những biến chuyển tích cực. Giai đoạn 2016 - 2018 đánh dấu sự thay đổi trong cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu giữa hai nước.
 
Năm 2016, kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước đạt 22 triệu USD (trong đó xuất khẩu đạt 18 triệu USD, nhập khẩu đạt 4 triệu USD). Năm 2017, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 37,4 triệu USD (tăng 69,8% so với năm 2015).
 
Năm 2018, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 38,8 triệu USD. Trong 3 tháng đầu năm 2019, kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt 11 triệu USD; trong đó xuất khẩu từ Việt Nam đạt 2,8 triệu USD và nhập khẩu từ Uzbekistan là 8,2 triệu USD.
 
Cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu giữa hai nước đã có sự thay đổi rõ rệt.
 
Trước năm 2015, Việt Nam xuất khẩu chủ yếu là thủy sản, sản phẩm từ gỗ, hàng dệt may, da giày, hạt điều, chè, điện thoại và linh kiện, máy móc, thiết bị, phụ tùng. Uzbekistan xuất khẩu chủ yếu sang Việt Nam các mặt hàng như sợi dệt các loại, phân kali.
 
Nhưng sau năm 2015 cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Uzbekistan đã được mở rộng, hiện nay các mặt hàng nước bạn xuất khẩu sang Việt Nam là: chất dẻo (chiếm 50% tổng kim ngạch xuất khẩu), phân kali, phân ure, sợi các loại, nguyên phụ liệu dệt may.
 
Với dân số gần 33 triệu người dân, Uzbekistan là thị trường có nhiều tiềm năng cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, đặc biệt là các mặt hàng như nông sản như chè, cà phê, hoa quả nhiệt đới, thủy sản.
 
Chi tiết về Hợp tác Kinh tế Thương mại giữa Việt Nam và Uzbekistan
 
 
 

Nguồn: vietnambiz/Kinh tế & Tiêu dùng