Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hiện đã đầy đủ bằng chứng cho thấy, thuốc lá điện tử gây tác hại cho sức khỏe người sử dụng như: Gây nghiện có chứa nicotine, ung thư, ảnh hưởng tới hệ miễn dịch, tâm thần, răng miệng, sinh sản, hô hấp và tim mạch...
Đáng lo ngại, thuốc lá điện tử còn có nguy cơ gây ra nhiều ảnh hưởng cấp tính nguy hiểm và nguy cơ phát sinh các vấn đề xã hội nghiêm trọng nhiều hơn so với thuốc lá truyền thống, bao gồm: Hội chứng tổn thương phổi, ngộ độc, thương tích; tăng nguy cơ sử dụng thuốc lá truyền thống và các chất gây nghiện khác, trong đó có cả ma túy.
Theo WHO, sản phẩm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng có chứa nicotine và khoảng 15.500 loại hương liệu được sử dụng. Trong số đó rất nhiều loại hương liệu độc hại, gây ảnh hưởng đến sức khoẻ, có thể gây cháy nổ và pha trộn các chất khác vào dung dịch (ma túy, cần sa). WHO khuyến cáo, thuốc lá điện tử nguy hại hơn thuốc lá truyền thống. Nó có thể gây tác động sớm đối với sức khỏe của cộng đồng. Ngoài ra, thuốc lá điện tử cũng không có công dụng cai nghiện thuốc lá điếu thông thường.
Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 40 nghìn người tử vong vì các bệnh có liên quan thuốc lá. Tổ chức Y tế Thế giới dự báo, đến năm 2030, sẽ tăng lên tới 70 nghìn người tử vong/năm nếu các biện pháp phòng chống tác hại thuốc lá hiệu quả không được thực hiện.
Theo Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), hiện nay việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đang có xu hướng gia tăng nhanh chóng đặc biệt trong đối tượng học sinh. Qua phản ánh của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở giáo dục và phương tiện thông tin đại chúng, có thể thấy nhiều trường hợp các em học sinh phải cấp cứu vì bị ngộ độc nicotine và các dung dịch có trong các sản phẩm này. Các sản phẩm này hiện nay chưa được phép nhập khẩu, kinh doanh và lưu hành hợp pháp tại Việt Nam.
Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cảnh báo, thuốc lá điện tử, nung nóng, bên cạnh các tác hại giống như thuốc lá điếu thông thường, còn tiềm ẩn nguy cơ phát sinh các tệ nạn xã hội, nhất là sử dụng ma túy và các chất gây nghiện khác, ảnh hưởng xấu tới sức khỏe và lối sống của thanh thiếu niên. Đồng thời, các loại thuốc lá thế hệ mới cũng gây ra các tác hại trước mắt và lâu dài về sức khỏe, kinh tế, xã hội.
Theo báo cáo tổng kết 10 năm thi hành Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá cho thấy, nhờ có nhiều nỗ lực trong công tác phòng chống tác hại thuốc lá, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu thông thường trong nam giới trưởng thành giảm trung bình 0,5% mỗi năm từ 47,4% năm 2010 xuống còn 38,9% năm 2023. Tỷ lệ hút thuốc ở thanh thiếu niên giảm, trong đó, ở nhóm 13-15 tuổi giảm từ 2,5% năm 2014 xuống còn 1,9% năm 2022. Đây là những kết quả rất đáng khích lệ trong công tác phòng chống tác hại thuốc lá.
Tuy nhiên, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh ở nhóm tuổi 13-17 tăng từ 2,6% năm 2019, tăng lên 8,1% năm 2023. Ở nhóm 13-15 tuổi, tỷ lệ đã tăng hơn gấp đôi từ 3,5% năm 2022, lên 8% năm 2023. Điều này cho thấy những thành tựu Việt Nam đã đạt được trong việc giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong 10 năm qua có nguy cơ bị phá sản bởi việc gia tăng sử dụng thuốc lá điện tử đang nhằm vào giới trẻ hiện nay.
Để kịp thời ngăn ngừa việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, thời gian qua, Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá - Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, các tổ chức quốc tế, cơ quan truyền thông và các đơn vị liên quan triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền về tác hại của các sản phẩm này.
Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam cho rằng, nếu không được ngăn chặn hiệu quả ảnh hưởng của thuốc lá mới, nhất là thuốc lá điện tử, sẽ có nguy cơ cao tạo ra một thế hệ trẻ nghiện nicotine và nhấn chìm những kết quả của phòng, chống tác hại thuốc lá trong những năm gần đây. Do vậy, cần tiếp tục tăng cường nhận thức của cộng đồng và giới trẻ về tác hại của các sản phẩm này; đồng thời cần có chính sách cụ thể để đạt được mục tiêu y tế công cộng là bảo vệ giới trẻ khỏi việc bắt đầu sử dụng các sản phẩm thuốc lá.
 

Nguồn: VITIC tổng hợp