Sau khi vòng đàm phán Hiệp định Đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) kết thúc, chuyên gia kinh tế TS Ngô Trí Long hài lòng với những kết quả đạt được và kỳ vọng nhiều ngành kinh tế trong nước sẽ được hưởng lợi.
Tuy nhiên, theo ông Long, các nhà đầu tư không nên quá lạc quan vào TPP, không nên chỉ nhìn thấy cơ hội mà bỏ qua đánh giá về khó khăn thách thức. Có thể nhìn thấy rằng, TPP có sự góp mặt của các cường quốc kinh tế mạnh nhất thế giới.
So sánh tương quan giữa 12 nước thành viên, Việt Nam có thể là nước kinh tế yếu hơn cả. Trong khi, với một sân chơi chung và luật chơi chung, nước yếu hơn vừa có cơ hội nhưng cũng là nước phải chịu khó khăn lớn nhất.
Mặt khác, Hiệp định TPP không giống như các Hiệp định song phương và đa phương khác ở lộ trình thực hiện. Các hiệp định đều có thời hạn một đến nhiều năm để các thành viên chuẩn bị tham gia theo từng lộ trình.
"Với TPP, 90% các cam kết đều được thực hiện ngay lập tức. Đây là một khó khăn cho nhiều doanh nghiệp Việt Nam khi các doanh nghiệp đang trong giai đoạn nâng cao sức cạnh tranh trên sân chơi quốc tế", ông Long tỏ băn khoăn.
|
Chuyên gia kinh tế TS Ngô Trí Long. Ảnh Internet
|
Cũng theo ông Long, nếu nhìn ở góc độ thực tế hơn, TPP hiện tại đang mang đến khó khăn lớn hơn cơ hội. Nhưng cần phải nhanh chóng biến những thách thức thành cơ hội. Theo đó, các doanh nghiệp trong nước cần có những cải tổ bứt phá như thay đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu cạnh tranh và đảm bảo các nguồn nguyên liệu tốt.
Theo đánh giá của vị chuyên gia kinh tế này, nhiều ngành kinh tế sẽ được hưởng lợi đáng kể với Hiệp định TPP. "Tuy nhiên, trong thuận lợi bao giờ cũng xen lẫn khó khăn. Ví dụ khi thị trường mở cửa, ngành năng lượng là một trong những ngành nghề kinh tế chịu áp lực từ các hiệp định tự do thương mại. Với riêng ngành điện trong nước hiện nay vẫn còn những tồn đọng như năng suất thấp, tổn thất điện năng lớn, đầu tư kém hiệu quả. Hạn chế này của doanh nghiệp lại là cơ hội tốt do nhà đầu tư nước ngoài có năng lực tài chính khi đổ vốn vào thị trường Việt Nam", ông Long nói.
Chia sẻ quan điểm,
TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương đánh giá, TPP là cơ hội lớn vì Việt Nam khi tham gia hiệp định này sẽ có quan hệ đối tác với các nền kinh tế bổ sung cho Việt Nam. So sánh trong ASEAN, Việt Nam chỉ bổ sung cho Singapore nhưng phải cạnh tranh với rất nhiều nước như Thái Lan, cạnh tranh với Campuchia về dệt may và cạnh tranh với Malaysia về điện tử.
Đối với TPP, Việt Nam sẽ có cơ hội lớn trong xuất khẩu hàng dệt may, túi xách, da giày, đồ gỗ. Đặc biệt các hàng nông sản đặc thù của Việt Nam như hồ tiêu, cà phê, tôm, cá. Do đó, dự báo nền kinh tế Việt Nam sẽ có nhiều thuận lợi, tăng trưởng và tạo thêm nhiều việc làm cho lao động với TPP.
Tuy vậy, vị chuyên gia này cho rằng, thách thức lớn có thể kể đến như một loạt sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam sẽ vấp phải sự cạnh tranh mạnh mẽ với các sản phẩm nước ngoài. Từ những thách thức khi hội nhập, ngành chăn nuôi phải tái cơ cấu để cắt giảm chi phí.
"Hiện tại, mô hình ngành chăn nuôi của Việt Nam đang nhỏ bé, các trại chăn nuôi không đủ lớn để ký hợp đồng với cơ sở sản xuất chế biến giết mổ và phải làm việc qua thương lái. Theo đó, chi phí cấu thành lên sản phẩm bỗng dưng bị đội lên. Vì lý do đó, ngành chăn nuôi nên cho rằng đây là cơ hội để tự thay đổ", ông Doanh nói.
Mặt khác, theo đánh giá của ông Doanh, nếu so sánh thịt gà của Mỹ khi đưa về Việt Nam rẻ hơn thịt gà trong nước là bởi vì giá của đồng tiền Việt Nam được đánh giá cao so với thực tế. Theo đó, ông Doanh cho rằng, nếu điều chỉnh tỷ giá đồng Việt Nam thích hợp thì sẽ phản ánh đúng giá trị thực của đồng tiền; khi đó giá gà Mỹ vào Việt Nam sẽ khoảng 28.000 - 30.000 đồng/kg. Với mức giá này, thịt gà Việt Nam cũng có thể cạnh tranh được với sản phẩm gà Mỹ.
Mặc dù được kỳ vọng là ngành được hưởng lợi lớn từ Hiệp định TPP, nhưng ông Doanh vẫn lo ngại trước khó khăn của ngành dệt may da giầy. Theo ông Doanh, chỉ có khoảng 30% doanh nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn tham gia TPP. Còn lại 70% doanh nghiệp phải chuyển đổi cơ cấu để nâng cao chất lượng sản phẩm, cắt giảm chi phí để đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.
"Mặt khác, TPP là thị trường năng động và nhu cầu hàng hóa trên thị trường có thể thay đổi qua từng năm. Ví dụ năm nay, Việt Nam có thể xuất khẩu áo vest có lãi, nhưng sang năm có thể phải chuyển sang sản xuất mặt hàng khác đáp ứng nhu cầu thị trường. Hơn nữa, trong TPP, doanh nghiệp nếu có nhiều đơn đặt hàng sẽ tạo việc làm rất nhanh, nhưng nếu không bán được hàng, doanh nghiệp thua lỗ và người lao động theo đó cũng sẽ nhanh mất việc", ông Doanh khuyến cáo.
Theo nhận định của chuyên gia kinh tế này, TPP đòi hỏi kỷ luật nghiêm minh và yêu cầu doanh nghiệp phải có trách nhiệm cao với sản phẩm hàng hóa của mình. Nếu có phát hiện vi phạm thì doanh nghiệp hoặc người lao động có thể kiện. Khi bị kiện, doanh nghiệp, nhà sản xuất sẽ tốn chi phí hầu kiện và thua kiện sẽ bị phạt.
"Theo đó, đối với người nông dân khi trồng lúa cũng phải đảm bảo hàm lượng phân bón, thuốc trừ sâu trong ngưỡng an toàn. Ngư dân đánh bắt cá trên biển và sau đó các quy trình chế biến cá phải đáp ứng tiêu chí chất lượng của Nhật Bản,...Những khó khăn này cũng là cơ hội để người lao động và doanh nghiệp trong nước tự đổi mới bản thân và tự nâng cao năng lực cạnh tranh khi hội nhập", ông Doanh nói.
Huyền Thương