Bên cạnh nhu cầu thị trường, nội lực của doanh nghiệp, các giải pháp tăng cường xúc tiến thương mại, thông quan thuận lợi cũng góp phần đáng kể vào kết quả trên.
Thị trường trọng điểm tăng trưởng dương
Trong 9 tháng, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của nước ta với kim ngạch ước đạt 42,2 tỷ USD, tăng 2,1% so với cùng kỳ năm 2022. Kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường lớn khác cũng giảm như: Hoa Kỳ - thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam - với kim ngạch ước đạt 70,9 tỷ USD, giảm 16,8%, thị trường EU giảm 8,2%, thị trường ASEAN giảm 5,5%, Hàn Quốc giảm 5,1%, Nhật Bản giảm 3%.

Ông Lê Quang Trung, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam cho biết, tiêu chuẩn về logistics trong chuỗi cung ứng giữa Việt Nam và Trung Quốc chưa có sự thống nhất, doanh nghiệp mong muốn phát triển vấn đề kho lạnh đảm bảo tiêu chuẩn đóng gói, vệ sinh dịch tễ thống nhất giữa hai bên để đảm bảo lưu thông hàng hóa đặc biệt là nông sản.

Bộ Công Thương cho biết, nhiều nhóm hàng nông sản, gạo, trái cây tận dụng được cơ hội mở cửa thị trường và giá tăng cao để đẩy mạnh xuất khẩu nên tốc độ tăng trưởng đạt cao nhất trong các nhóm hàng (tăng 3,1%). Đặc biệt, các giải pháp về xuất khẩu sang các nước có chung đường biên giới được thực hiện tốt, nhờ đó hàng hóa cơ bản không bị ách tắc, kể cả lúc cao điểm thời vụ, góp phần gia tăng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Đơn cử như cao su, tháng 9/2023, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu cao su lớn nhất của Việt Nam, chiếm 80,88% về lượng và chiếm 80,41% về trị giá trong tổng xuất khẩu cao su của cả nước, đạt 156,34 nghìn tấn, trị giá 202,44 triệu USD. Đây là tháng thứ 8 liên tiếp lượng cao su xuất khẩu sang Trung Quốc tăng so với cùng kỳ năm 2022. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc 1,09 triệu tấn cao su, trị giá 1,44 tỷ USD, tăng 10,7% về lượng.
Đối với mặt hàng rau quả, thống kê của Tổng cục Hải quan nửa đầu tháng 10 (1-15/10), xuất khẩu rau quả thu về 349,52 triệu USD, qua đó nâng kim ngạch từ đầu năm đến 15/10 lên con số 4,56 tỷ USD, tăng trưởng tới 75,4% so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương kim ngạch tăng thêm gần 2 tỷ USD. Sự tăng trưởng của mặt hàng rau quả có sự đóng góp lớn từ việc phục hồi ở nhiều thị trường chủ lực, đặc biệt là Trung Quốc.
Xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc được đánh giá còn nhiều dư địa. Do đó các hoạt động xúc tiến thương mại đang được đẩy mạnh để khai thác các địa bàn tiềm năng. Chẳng hạn, mới đây, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị xúc tiến thương mại, đầu tư và kết nối giao thương Việt Nam – Trung Quốc (Trùng Khánh). Đây là thị trường lớn nhưng kim ngạch thương mại Việt Nam – Trùng Khánh chỉ chiếm tỷ lệ thấp (3%) trong tổng kim ngạch thương mại hai nước. Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng cho biết, sẽ tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam có điều kiện phù hợp, có nhu cầu cùng kết nối với các doanh nghiệp Trùng Khánh nói riêng và Trung Quốc nói chung để khai thác hiệu quả “Tuyến đường mới trên bộ trên biển”. Ngoài ra, sẽ tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp của Trùng Khánh có trình độ cao, công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực xe năng lượng mới hợp tác, đầu tư và phát triển tại Việt Nam.
Là doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu với Trung Quốc, bà Nguyễn Thị Lan Hương, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Sản xuất và Xuất nhập khẩu Việt Phúc cho biết, ngoài tuyến đường bộ thông thường thì tuyến đường sắt chưa được phát huy. Do đó điều quan trọng là làm thế nào khơi thông được con đường vận tải liên vận Việt Nam-Trung Quốc. “Trùng Khánh là cứ điểm quan trọng đi vào thị trường phía Tây Nam-Trung Quốc, với hơn 600 triệu dân. Đây là thị trường quan trọng, phù hợp với nông sản Việt Nam”, bà Nguyễn Thị Lan Hương cho biết.
Đến năm 2030, tuyến biên giới hai nước có 26 cửa khẩu
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1199/QĐ-TTg ngày 14/10/2023 phê duyệt quy hoạch cửa khẩu trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch cửa khẩu trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc bao gồm các tỉnh: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên.
Mục tiêu chung là hình thành định hướng, lộ trình phát triển hệ thống cửa khẩu tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc trong trung hạn (đến năm 2030) gắn với tầm nhìn dài hạn (đến năm 2050) và xa hơn nữa; làm cơ sở cho các bộ, ngành và các tỉnh biên giới Việt Nam - Trung Quốc triển khai việc đầu tư phát triển cửa khẩu biên giới phù hợp Quy hoạch cửa khẩu; chuẩn hóa và hiện đại hóa hệ thống cửa khẩu theo hướng xanh, sạch; từng bước phát triển hệ thống cửa khẩu số, cửa khẩu thông minh, phù hợp với nhu cầu, mức độ hội nhập của đất nước.
Bên cạnh đó, tạo điều kiện cho giao lưu, qua lại biên giới và quản lý phù hợp với luật pháp của mỗi nước, pháp luật và thực tiễn quốc tế; phục vụ phát triển kinh tế và cải thiện đời sống nhân dân ở khu vực biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc; thu hút các nguồn vốn đầu tư xây dựng các khu kinh tế cửa khẩu và cửa khẩu cụ thể; tăng thêm nguồn thu cho ngân sách địa phương và trung ương. Tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác phát triển kinh tế - thương mại giữa Việt Nam với Trung Quốc và qua Trung Quốc sang nước thứ ba theo hướng chính quy, hiệu quả, bền vững.
Theo Quy hoạch đến năm 2030, tuyến biên giới Việt Nam – Trung Quốc có 26 cửa khẩu, trong đó có 14 cửa khẩu quốc tế, 12 cửa khẩu song phương (bao gồm 20 lối thông quan/đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa thuộc các cặp cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu song phương) và 1 lối mở/cửa khẩu đặc biệt.
Việc mở, nâng cấp các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu song phương, lối thông quan... nhằm góp phần nâng cao kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Nguồn: Haiquanonline