Theo Hiệp hội Gỗ & Lâm sản Việt Nam (VIFORES), 7 tháng đầu năm 2010, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt trên 1,78 tỷ USD, tăng 32,6% so với cùng kỳ năm 2009. Đặc biệt lượng đơn hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp chế biến gỗ ký kết trong năm 2010 đã đạt đến ngưỡng 3 tỷ USD.

Theo ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VIFORES, nhu cầu thị trường phục hồi trở lại sau thời kỳ suy giảm do ảnh hưởng của suy thoái, lượng đơn hàng của các doanh nghiệp đã ký được đến hết năm 2010, với tổng kim ngạch 3 tỷ USD, tăng hơn 400 triệu USD so với năm 2009. Bên cạnh sự hồi phục ở các thị trường truyền thống như Nhật Bản, EU, đồ gỗ Việt Nam đã bước đầu thâm nhập thị trường một số nước Đông Âu. Mặc dù lượng hàng khá khiêm tốn, nhưng cho thấy tiềm năng xuất khẩu còn khá lớn. Một điểm đáng mừng với các doanh nghiệp ngành gỗ là từ 1/5, hơn 3 tháng luật Lacey (Luật khai báo nguồn gốc gỗ khai thác) áp dụng với sản phẩm xuất khẩu vào Mỹ có hiệu lực, không có bất cứ một lô hàng nào từ phía Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này bị trả lại. Những tín hiệu khả quan trên cũng được nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đồ gỗ trong cả nước thừa nhận. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này tỏ vẻ quan ngại trước những bất lợi về giá gỗ nguyên liệu tăng nhanh, sụt giảm đơn hàng, thiếu lao động...

Bên cạnh đó, thị trường đồ gỗ sôi động trở lại khiến tình trạng tranh mua nguyên liệu gỗ tăng mạnh dẫn đến giá nguyên liệu tăng cao, trong khi Việt Nam vẫn chưa tự chủ được về nguồn nguyên liệu. Theo VIFORES, để đạt được giá trị kim ngạch như kế hoạch đề ra, lượng gỗ cho chế biến năm 2010 là 6,4 triệu m3, trong khi nguồn cung trong nước chỉ đáp ứng được 1,6 triệu m3 gỗ lớn, nhiều loại gỗ rừng trồng tuy hàng năm có lượng khai thác lớn (5 triệu m3/năm) nhưng chủ yếu là gỗ nhỏ phục vụ cho sản xuất dăm giấy, bột giấy và ván nhân tạo. Như vậy, Việt Nam vẫn phải nhập từ 4 - 5 triệu m3 gỗ mỗi năm. Trong khi đó giá gỗ nguyên liệu nhập khẩu đang tăng mạnh, nguồn cung khan hiếm. So với đầu năm 2010, giá gỗ nhập từ các thị trường chính như Mỹ, New Zealand tăng 15-30% (tùy loại); trong đó tăng mạnh nhất là các loại gỗ thông, sồi. Đây là trở ngại lớn của ngành gỗ bởi hiện khoảng 70% nguyên liệu sản xuất gỗ của Việt Nam phải nhập khẩu. Trước mắt, để đối phó vấn đề giá nguyên liệu trong nước, mới đây VIFORES cùng Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Tp. Hồ Chí Minh có công văn đề nghị Bộ Công Thương có những biện pháp nhằm ngăn chặn tình trạng xuất khẩu ồ ạt gỗ rừng trồng dạng sơ chế (chủ yếu là gỗ keo, cao su, tràm bông vàng) sang Trung Quốc. Cụ thể, công văn đề nghị cấm xuất khẩu gỗ tròn và gỗ xẻ dưới bất kỳ dạng sơ chế nào, với các sản phẩm gỗ tinh chế vẫn giữ mức thuế hiện hành là 0%.

Một trở ngại nữa đối với ngành gỗ Việt Nam là bên cạnh những thị trường truyền thống, chúng ta vẫn chưa khai thác thêm những thị trường mới. Ông Quyền cho biết, năm 2009 VIFORES cùng một số doanh nghiệp xuất khẩu đồ gỗ tiến hành khảo sát thị trường Bỉ với mục đích xây dựng kho ngoại quan tại đây. Mặc dù phía Việt Nam hoàn toàn đáp ứng các yêu cầu về mặt pháp lý, nhưng vẫn chưa thể thực hiện được kế hoạch này vì không có đơn vị nào đứng ra làm đầu mối. Nếu như có kho ngoại quan tại đây, xuất khẩu hàng sang thị trường Đông Âu sẽ rất thuận lợi, đồng thời có thể tận dụng được nguồn nguyên liệu dồi dào, phong phú của khu vực này. Thị trường Nga cũng được đánh giá là thị trường đặc biệt tiềm năng đối với sản phẩm gỗ Việt Nam (nhu cầu nhập khẩu đồ gỗ ở thị trường Nga vào khoảng 7 - 8 tỷ USD/năm) nhưng vấn đề xúc tiến thị trường này ra sao, ai là người tổ chức, kinh phí từ đâu vẫn đang bỏ ngỏ. Bên cạnh thị trường Bỉ và Nga, doanh nghiệp Việt Nam cũng chưa khai thác hiệu quả nhiều thị trường màu mỡ khác như Ấn Độ, Trung Á (Kazakhstan, Kyrgyzstan, Uzbekistan…)

Sẽ thành lập trung tâm giao dịch gỗ tại 3 miền

Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Tp. Hồ Chí Minh (HAWA) Trần Quốc Mạnh cho biết mặc dù tới thời điểm này chưa có bất cứ một lô hàng nào từ phía Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Mỹ bị trả lại, tuy nhiên không thể không nêu cao tinh thần cảnh giác. Để đảm bảo yêu cầu của các nước nhập khẩu, ngành công nghiệp gỗ nhất thiết phải sử dụng nguồn gỗ hợp pháp. Đây là thách thức lớn đối với doanh nghiệp gỗ Việt Nam. Theo đó ông Mạnh khuyến nghị để làm được điều này, các doanh nghiệp cần phải biết đầy đủ và chi tiết về nguồn gốc, xuất xứ, số lượng và chủng loại gỗ xuất khẩu hàng năm; đồng thời phải nắm bắt rất rõ đơn đặt hàng theo mẫu mã thiết kế và thị trường tiêu thụ. Ngoài ra để đối phó với những vụ kiện phòng vệ thương mại (chống bán phá giá, chống trợ cấp) của các nhà sản xuất nội địa Mỹ có thể xảy ra, các doanh nghiệp Việt Nam cần chú trọng đa dạng hóa các thị trường để nhỡ bị kiện ở thị trường này thì không quá ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của mình.

Năm 2009 kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ 10 nước ASEAN cộng lại (khoảng 11 tỉ USD) cũng chỉ bằng phân nửa Trung Quốc (22 tỉ USD). Chưa kể, ngay các quốc gia khối ASEAN thì năng lực cạnh tranh doanh nghiệp Việt Nam vẫn bị xếp sau Malaysia, Myanmar, Indonesia do vốn yếu, phải phụ thuộc tới 70% nguyên liệu nhập. Trong khi đó, không chỉ doanh nghiệp Việt Nam bán hàng được mà các quốc gia khác cũng bán nhiều, nhất là Trung Quốc.

Thêm vào đó, gia nhập WTO Việt Nam sẽ có cơ hội mở rộng thêm nhiều thị trường xuất khẩu, đặc biệt là sẽ có cơ hội nhận được nhiều đơn đặt hàng lớn, chính vì vậy sự liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp sẽ giúp tăng sức cạnh tranh cho đồ gỗ Việt Nam trên trường quốc tế. Phương án liên kết với nhau còn giúp các doanh nghiệp ngành gỗ vượt qua rào cản gia tăng liên tục của giá nguyên liệu nhập khẩu. Hiện cả nước có trên 600 doanh nghiệp xuất khẩu đồ gỗ thì cũng có khoảng chừng đó đầu mối nhập khẩu nguyên liệu. Sự phân tán này không chỉ dẫn tới những bất ổn về giá cả, mà còn khiến doanh nghiệp mất nhiều thời gian thương thảo, tốn chi phí vận chuyển. Do đó để phát triển bền vững, giải pháp liên kết lại với nhau được xem là hữu hiệu nhất.

(Internet)

Nguồn: Vinanet