Nhiều quy định mới về nguyên liệu gỗ, sản phẩm gỗ đã và sẽ có hiệu lực trong thời gian tới. Đó là Đạo luật Lacey được ban hành bổ sung nhằm thắt chặt việc kiểm soát nguồn gốc gỗ nguyên liệu và sản phẩm gỗ; Hiệp định thực thi Luật Lâm nghiệp và Quản trị rừng (FLEGT) đang được triển khai ở tất cả các quốc gia.

Cùng với đó, Bản thỏa thuận đối tác tự nguyện (VTA) do Liên minh châu Âu (EU) phát động (bao gồm các nước EU, Đông Âu, châu Phi, một số nước Đông Nam Á…) quy định, tất cả các lô hàng gỗ uất khẩu vào thị trường EU chỉ được cơ quan có thẩm quyền cấp phép sau khi đã kiểm tra nguồn gốc xuất xứ và giấy chứng nhận hợp pháp.

Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFORES) phân tích, điều luật về “quản lý nguồn gốc gỗ hợp pháp” được bổ sung nhằm nâng cao ý thức của con người trong việc ứng phó với biến đổi của môi trường, khí hậu. Đây là một thách thức rất lớn đối với ngành gỗ Việt Nam, bởi tính phức tạp và quy định khắt khe của nó.

Thứ nhất, Doanh nghiệp phải chứng minh nguồn gỗ là hợp pháp (được khai thác từ rừng được quản lý). Thứ hai, doanh nghiệp phải qua một chuỗi kiểm tra các quy trình vận chyển. Thứ ba, khi đã hoàn thành sản phẩm để xuất khẩu, gỗ phải đạt các yêu cầu chứng nhận tương thích, nhãn sản phẩm, tuân thủ quy định môi trường, an toàn vệ sinh, hàm lượng hóa chất được sử dụng.

Hoa Kỳ sẽ kiểm tra rất chặt xem lượng chì nằm trong sơn có đảm bảo mức cho phép không (quy định của hoa Kỳ là không được quá 1%), lượng keo sử dụng hóa chất có vượt mức cho phép không, vải sử dụng kèm theo có nằm trong danh mục cấm không… Chỉ khi đã đáp ứng đầy dủ các quy định, doanh nghiệp mới được cấp giấy chứng nhận để xuất khẩu đồ gỗ vào thị trường Hoa Kỳ.

Như vậy, giấy chứng nhận là yếu tố quan trọng để các doanh nghiệp có thể xuất khẩu gỗ vào Hoa Kỳ, cũng như vào một số thị trường khác. Song đến thời điểm này, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang chờ các cơ quan chức năng hoàn tất văn bản để thương thảo với cá tổ chức đủ tư cách pháp nhân cấp giấy chứng nhận (bao gồm FSC, SGS, Veyretas).

Nhóm công tác kỹ thuật được thành lập từ cuối năm 2008 để xây dựng văn bản, lộ trình thực hiện , nhưng vì nhiều lý do, nên việc triển khai khác chậm, điều này không đáng ngại bởi hiện các doanh nghiệp vẫn nhập khẩu gỗ có chứng chỉ quốc tế (FSC) – tiêu chuẩn cao nhất của gỗ hợp pháp. Chứng chỉ này đáp ứng quy định của Hoa Kỳ và EU, nên các doanh nghiệp vẫn xuất hàng bình thường…

Tuy nhiên, tới năm 2011, khi Hiệp định FLEGT và Thỏa thuận VTA chính thức có hiệu lực, thì các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ cần phải có giấy nhận phù hợp. Thời gian còn lại không nhiều, mọi việc đang gấp rút được triển khai để đảm bảo các doanh nghiệp có đủ điều kiện tham gia xuất khẩu, đáp ứng quy định của thị trường.

Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) cho rằng, để phát triển bền vững, doanh nghiệp ngành gỗ Việt Nam cần tính đến phuonwg án liên kết với nhau. Hiện cả nước có trên 600 doanh nghiệp xuất khẩu đồ gỗ, thì cũng có khoảng chừng đó đầu mối nhập khẩu nguyên liệu. Sự phân tán này không chỉ dẫn tới những bất ổn về giá cả, mà còn khiến doanh nghiệp mất nhiều thời gian thương thảo, tốn chi phí vận chuyển.

Đáng lo ngại hơn cả là, doanh nghiệp không nắm chắc các quy định mới, nên sẽ nhập cả gỗ bất hợp pháp trong quá trình tự tìm nguồn nguyên liệu chế biến và hệ lụy sẽ không lường hết được. Thêm vào đó, gần đây, đơn hàng của nhiều đối tác đã vượt quá năng lực của doanh nghiệp, do vậy không còn cách nào khác là các doanh nghiệp phải tăng cường hợp tác.

(TBKTVN)

Nguồn: Vinanet