Ngành chế biến và xuất khẩu gỗ năm vừa qua đã chứng kiến một mức tăng trưởng rất ngoạn mục, đạt kim ngạch gần 3,4 tỉ đô la Mỹ. Xuất khẩu gỗ năm nay dự kiến sẽ đạt mức 4 tỉ đô la Mỹ. Nhiều doanh nghiệp cho biết đã nhận đơn hàng đến giữa năm nhưng lo ngại vì giá nguyên liệu và nhiều chi phí khác tăng liên tục.
Không thiếu đơn hàng
Ngành chế biến và xuất khẩu gỗ năm vừa qua đã chứng kiến một mức tăng trưởng rất ngoạn mục, đạt kim ngạch gần 3,4 tỉ đô la Mỹ, tăng khoảng 31% so với năm 2009.
Theo đánh giá của nhiều doanh nghiệp, mặc dù tăng trưởng đơn hàng của các thị trường chính vẫn chưa đạt đến thời điểm trước khủng hoảng nhưng đa số các doanh nghiệp, ít thì đã ký được hợp đồng lấp đầy hết tháng 3, nhiều thì ký luợng hàng sản xuất đến tháng 8, tháng 9.
Trong tháng 1, Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam (VIFORES) đã đưa ra dự báo kim ngạch xuất khẩu gỗ năm nay sẽ đạt khoảng 4 tỉ đô la Mỹ, tức tăng khoảng 17% so với năm 2010. Một mặt do nhu cầu đồ gỗ của nhiều thị trường nhập khẩu vẫn khá ổn định; mặt khác, do ngành chế biến xuất khẩu gỗ của Trung Quốc, một trong những quốc gia xuất khẩu gỗ lớn nhất thế giới, đang gặp nhiều trở ngại, từ chính sách tăng giá đồng nhân dân tệ, đến giá nhân công đắt đỏ và xu hướng phát triển các ngành sản xuất có công nghệ cao hơn. Điều này đã khiến nhiều nhà nhập khẩu đưa nhiều đơn hàng gia công từ Trung Quốc sang Việt Nam hơn, theo ông Nguyễn Tôn Quyền, Tổng thư ký VIFORES.
Đau đầu với chi phí
Tuy nhiên, vấn đề làm đau đầu nhiều nhà sản xuất hiện nay không phải là thiếu đơn hàng mà chính là giá đầu vào không ngừng tăng lên. Từ nguyên liệu gỗ cho đến các loại vật tư, bao bì đều tăng 10-15%, có loại đến 50-60%; trong khi việc tăng giá các đơn hàng xuất khẩu là rất khó.
Tập đoàn kỹ nghệ gỗ Trường Thành đã nhận được lượng đơn hàng chiếm đến 70% sản lượng dự tính trong năm 2011. Tuy nhiên bà Ngô Thị Hồng Thu, Phó tổng giám đốc thì lại đau đầu với giá đầu vào, có khi tăng cao trong từng tuần lễ.
Đơn hàng nhận lúc này thì chốt giá cho thời hạn ngắn nhất cũng phải trong 6 tháng. Có đơn hàng lớn chúng tôi phải chốt giá thời hạn gần 1 năm, trong khi giá đầu vào thì thay đổi hàng tuần. Biết vậy, nhưng chỉ cần doanh nghiệp tự tính các khoản dự tính sẽ tăng vào giá, báo cho khách hàng thì lập tức sẽ mất thế cạnh tranh do giá cao hơn doanh nghiệp khác.
Theo bà Thu, hiện nay vật tư sản xuất phải đặt hàng cho nhiều nhà cung cấp khác nhau. Nhiều nhà cung cấp trong nước mặc dù đã chốt giá nhưng nếu giá vật tư lên có thể hủy cung cấp. Trong khi đó, giải pháp nhập hàng về cũng không còn phù hợp trong bối cảnh lãi suất tăng làm tăng chi phí vốn, đồng thời đơn hàng xuất khẩu ngày càng đòi hỏi nhiều kiểu dáng với nhiều loại vật tư khác nhau.
Cũng như bà Thu, ông Điền Quang Hiệp, Giám đốc Công ty Minh Phát 2 ở Bình Dương chia sẻ việc phải đối mặt với khan hiếm nhân công cùng giá nguyên liệu đầu vào từ gỗ cao su cho đến sơn gỗ, phụ kiện kim loại. Năm trước, gỗ cao su nguyên liệu chính tăng giá ào ào do chịu tác động giá mủ cao su thế giới tăng đến 50% so với năm 2009. Đến tháng 10, 11 các nông trường sẽ chặt cây già lấy gỗ nhưng giá mủ lên thì họ ngừng lại để khai thác thêm mủ, tạo khan hiếm nguồn gỗ cao su. Riêng các loại sơn gỗ chỉ trong có 1 năm cũng tăng giá đến 15-20%.
Ông Nguyễn Chiến Thắng, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM trong một cảnh báo trước đây có nhắc đến việc các doanh nghiệp chế biến gỗ sẽ phải đối mặt với lợi nhuận sụt giảm nếu không có những giải pháp cải tiến về công nghệ, nâng cao hiệu suất.
Nhân công ngày càng khan hiếm và đắt đỏ, cùng với hàng loạt chi phí đầu vào đều tăng do ngành công nghiệp hỗ trợ kém phát triển và phần lớn doanh nghiệp chưa tự túc được nguồn nguyên liệu. Nếu doanh nghiệp cứ tiếp tục đầu tư dàn trải như trước đây sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
 

Nguồn: Tin kinh tế hàng ngày