Theo Hiệp định thương mại biên giới Việt - Lào, mặt hàng đường nhập khẩu từ Lào vào Việt Nam đang được hưởng mức thuế ưu đãi bằng bằng một nửa thuế nhập khẩu theo cam kết của Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA - tức khoảng 2,5%). Tuy nhiên phía Lào yêu cầu hạ xuống 0%.
Ngoài đề xuất từ phía Lào, Bộ Công thương cho biết đến năm 2018 thuế suất mặt hàng đường sẽ bị xóa bỏ theo cam kết của ATIGA. Vì vậy thời gian mặt hàng đường nhập từ Lào được hưởng thuế nhập khẩu bằng 0 còn rất ngắn. Dựa trên mối quan hệ truyền thống giữa hai quốc gia nên việc xóa bỏ hạn ngạch thuế quan với mặt hàng hàng là phù hợp.
Tuy nhiên để tránh ảnh hưởng doanh nghiệp mía đường trong nước, Bộ Công Thương đề xuất chỉ sản phẩm đường được sản xuất theo dự án của nhà đầu tư Việt Nam tại các tỉnh biên giới của Lào được hưởng ưu đãi. Việc này nhằm hạn chế đến mức thấp nhất việc nhập khẩu mặt hàng đường có xuất xứ từ Lào nói chung về Việt Nam, đảm bảo lợi ích cho hai nước.
Ngoài mặt hàng đường, Bộ Công thương cũng đang xây dựng danh mục hàng hóa hưởng ưu đãi thuế suất 0% theo Hiệp định thương mại biên giới Việt-Lào, trong đó có mặt hàng gạo, nguyên liệu sản xuất thuốc lá
Việc đề xuất thuế ưu đãi thuế nhập khẩu mía đường từ Lào xuống bằng 0 chắc chắn sẽ vấp phải sự phản đối của Hiệp hội mía đường trong nước.
Trước đó Bộ Công thương từng đề xuất Chính phủ cho nhập khẩu 50.000 tấn đường do Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai sản xuất từ Lào vào Việt Nam được hưởng thuế suất 0%, Hiệp hội Mía đường Việt Nam đã lên tiếng phản đối cho rằng đường sản xuất tại Lào có giá thành thấp lại đường ưu đãi thuế 0% sẽ khiến doanh nghiệp Mía đường trong nước càng gặp khó khăn.
Sau đó, Thủ tướng Chính phủ cho phép Hoàng Anh Gia Lai nhập khẩu 50.000 tấn đường với thuế suất trong hạn ngạch 2,5%.
Trở lại vấn đề, nếu đề xuất trên được thông qua thì mặt hàng đường do Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai sản xuất tại Lào nhập khẩu về Việt Nam sẽ được hưởng mức thuế suất ưu đãi bằng 0. Điều này sẽ giúp người tiêu dùng có thêm cơ hội lựa chọn sản phẩm đường có chất lượng cao, giá thành rẻ.
Mặt khác theo chuyên gia kinh tế sau khi đàm phán TPP thành công, cùng với ATIGA sớm muộn mía đường trong nước cũng chịu sự cạnh tranh của các sản phẩm nhập khẩu. Bởi khi hàng rào thuế quan được xóa bỏ sản phẩm đa dạng cạnh tranh về chất lượng và giá thành giữa các sản phẩm đường sẽ rất khốc liệt. Vì vậy ngay từ lúc này doanh nghiệp mía đường trong nước cần thay đổi mô hình quản lý, nâng cao năng suất chất lượng
Trước đó trong bài viết với nhan đề: "Khẩn trương đổi mới ngành mía đường Việt Nam" đăng trên website chính thức của Bộ Công thương, Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú nhấn mạnh nhiều năm qua người dân Việt Nam liên tục phải tiêu thụ đường ăn với giá cao gấp rưỡi, thậm chí có thời điểm gấp đôi so với thế giới.
Nghịch lý này là do những năm qua, Hiệp hội Mía đường và các doanh nghiệp mía đường không quan tâm đúng mức đến công tác nghiên cứu để đổi mới và phát triển ngành.
Trong khi ngành mía đường trong nước trì trệ, Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú đánh giá nhà máy đường của Hoàng Anh Gia Lai đầu tư tại Lào thành công. Theo ông Tú, doanh nghiệp mía đường nên đổi mới học tập Hoàng Anh Gia Lai.
Đứng về phía Hoàng Anh Gia Lai, Chủ tịch tập đoàn này ông Đoàn Nguyên Đức cho rằng việc doanh nghiệp này thắng lớn trong đầu tư sản xuất mía đường tại Lào do công nghệ nhà máy, công nghệ thu hoạch và trồng mía cho năng suất cao, tỷ lệ đường trong mía cao dẫn đến giá thành rẻ hơn.
Ông Đức cũng khẳng định: "Nếu đường Hoàng Anh Gia Lai được bán trong nước giá sẽ thấp hơn giá đường hiện nay".
Trong khi đó ở góc nhìn chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong cho rằng, đã đến lúc ngành mía đường phải chấp nhận cuộc chơi sòng phẳng, còn như hiện nay giá bán đường trong nước và thế giới quá chênh lệch khiến người dân chịu thiệt còn ngành mía đường không phát triển được.
"Vì vậy có hai cách lựa chọn cho mía đường một là thu hẹp hai là chuyển đổi thì mới cạnh tranh được", TS Phong nhận định.
Theo Báo Giáo dục Việt Nam