Giá gỗ đã tăng vững trong 4 quý liên tiếp vừa qua ở các khu vực quan trọng trên thế giới. Chỉ số giá gỗ (GSPI) - chỉ số giá tính theo quý của 19 khu vực quan trọng trên thế giới – đã tăng 17% từ 65,89 USD/m3 trong quý 1 năm 2009 lên 76,77 USD/m3 vào quý 1 năm nay. Mức tăng lớn nhất trong chỉ số này thuộc về khu vực châu Đại Dương và Bắc Âu, trong khi tại Bắc Mỹ giá chỉ điều chỉnh tăng nhẹ.

Các nhà máy cưa tại Trung và Bắc Âu là khu vực phải chịu giá gỗ cao nhất trong các khu vực sản xuất gỗ xẻ mềm. Đây cũng là những khu vực có mức giá tăng cao nhất thế giới trong năm qua.

Tại Thụy Điển và Đức, mức tăng của giá gỗ xẻ là 28% và 15% trong năm qua.

Giá gỗ tại Latvia và Cộng hoà Séc cũng tăng trong năm qua bởi sự gia tăng về tỷ lệ hoạt động của các nhà máy cưa. Đầu năm nay, giá gỗ súc tại Latvia đã tăng 43% và tại Séc là 25% so với đầu năm ngoái.

Tại Niu Dilân, xuất khẩu gỗ súc và gỗ xẻ trong quý 1 năm nay tăng lần lượt 50% và 18% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu nhờ nhu cầu tăng mạnh từ Trung Quốc. Bởi xuất khẩu tăng nên giá gỗ súc tại thị trường nội địa cũng tăng, khoảng 4% trong vòng 1 năm qua nếu tính theo đồng nội tệ và tăng 38% tính theo đồng USD. Giá gỗ súc xuất khẩu tăng tổng cộng 50% so với quý 1/2009.

Tại Australia, giá gỗ thông cũng tăng tới 40% tính theo đồng USD trong năm qua, chủ yếu do đồng đô la Australia mạnh lên. Các nhà máy cưa ở Australia tiếp tục chịu giá nguyên liệu thô cao hơn so với đối thủ cạnh tranh là Niu Dilân.

Bởi thị trường gỗ xẻ đang trên đà tăng trưởng, giá gỗ xẻ sẽ tiếp tục tăng ở nhiều thị trường trong vài tháng tới, tính theo các đồng tiền nội tệ. Điều này không có nghĩa là chỉ số GDPI sẽ tăng trong thời gian tới bởi đồng USD có thể mạnh lên, cụ thể là so với Euro.

(Nguyễn Hằng)