Nông nghiệp: Tính đến ngày 15/11/2009, cả nước đã thu hoạch được 1473,3 nghìn ha lúa mùa, bằng 101,2% cùng kỳ năm trước, trong đó các địa phương phía Bắc thu hoạch 1152,5 nghìn ha, chiếm 97% diện tích gieo cấy và bằng 100,6% cùng kỳ năm trước; các địa phương phía Nam thu hoạch 320,8 nghìn ha, bằng 103,4%.
Tại các địa phương phía Bắc, do ảnh hưởng của mưa bão vào cuối vụ và bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá xảy ra tại một số địa phương nên năng suất lúa của một số tỉnh giảm (Quảng Bình giảm 11 tạ/ha; Quảng Trị giảm 7,2 tạ/ha; Nam Định giảm 6 tạ/ha; Nghệ An giảm 1,3 tạ/ha). Tuy nhiên, do thời tiết đầu vụ tương đối thuận lợi nên năng suất lúa mùa của các địa phương phía Bắc ước tính vẫn đạt 48,4 tạ/ha, tăng 0,8 tạ/ha so với vụ mùa trước; sản lượng đạt 5,8 triệu tấn, tăng 37,7 nghìn tấn. Một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có năng suất lúa tăng khá là: Hải Phòng tăng 4,4 tạ/ha; Hải Dương tăng 2,3 tạ/ha; Ninh Bình tăng 2,2 tạ/ha; Vĩnh Phúc tăng 2 tạ/ha; Thái Bình tăng 1,2 tạ/ha. Năng suất lúa mùa của các địa phương phía Nam ước tính đạt 39,2 tạ/ha, giảm 1,1 tạ/ha so với vụ mùa trước, chủ yếu do một số địa phương vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung bị ảnh hưởng của mưa bão, trong đó năng suất lúa mùa một số tỉnh giảm mạnh như: Phú Yên giảm 15,6 tạ/ha;  Quảng Ngãi giảm 7,7 tạ/ha; Bình Định giảm 7,1 tạ/ha; Quảng Nam giảm 6,6 tạ/ha. Tính chung năng suất lúa mùa của cả nước năm nay ước tính đạt 44,6 tạ/ha, xấp xỉ vụ mùa năm 2008; sản lượng đạt trên 9 triệu tấn, tăng 12 nghìn tấn.
Diện tích gieo cấy lúa hè thu cả nước năm nay ước tính đạt 2358,3 nghìn ha, bằng 99,6% vụ hè thu trước, năng suất ước tính đạt 47,3 tạ/ha, giảm 0,8 tạ/ha, sản lượng đạt 11,2 triệu tấn, bằng 97,9%. Sản xuất lúa hè thu năm nay giảm chủ yếu do một số địa phương thực hiện chuyển đổi giống lúa tuy cho năng suất cao nhưng chất lượng thấp sang giống lúa có chất lượng cao nhưng năng suất thấp hơn như: VND 9520, OM 3536, IR 50404, IR 64.
 
Cùng với việc thu hoạch lúa mùa, các địa phương phía Bắc đã gieo trồng được 79,7 nghìn ha đậu tương, bằng 102,1% cùng kỳ năm trước; 146,9 nghìn ha ngô, bằng 88,6%; 44,6 nghìn ha khoai lang, bằng 80,3%; 109 nghìn ha rau, đậu, bằng 108,6%.
Theo báo cáo sơ bộ kết quả điều tra chăn nuôi 01/10/2009, tại thời điểm này đàn trâu cả nước có 2,9 triệu con, giảm 0,4% so với cùng kỳ năm trước; đàn bò có 6,1 triệu con, giảm 3,7%; đàn lợn 7,6 triệu con, tăng 3,5%; đàn gia cầm 280,2 triệu con, tăng 13,3%. Do thuận lợi về giá tiêu thụ sản phẩm nên các địa phương đang tập trung đầu tư mở rộng quy mô chăn nuôi lợn và gia cầm. Chăn nuôi trâu, bò, đặc biệt là trâu, bò cày kéo giảm do các địa phương đang từng bước thực hiện cơ giới hoá sản xuất nông nghiệp; bên cạnh đó dịch lở mồm long móng cũng đã ảnh hưởng đến sự phát triển của quy mô đàn.
Công tác phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm tại các địa phương tiếp tục được tăng cường. Tính đến ngày 22/11/2009, cả nước không còn địa phương nào có dịch tai xanh trên lợn; một số dịch bệnh khác chưa qua 21 ngày còn xuất hiện ở một số địa phương, trong đó dịch cúm gia cầm ở Điện Biên; dịch lở mồm long móng trên trâu bò ở 15 tỉnh là: Yên Bái, Hà Giang, Hoà Bình, Lai Châu, Tuyên Quang, Lào Cai, Phú Thọ, Sơn La, Quảng Ninh, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Đắk Lắk, Gia Lai, Phú Yên.
 
Lâm nghiệp
Công tác trồng, chăm sóc rừng và khai thác lâm sản đang được triển khai tích cực tại các địa phương. Diện tích rừng trồng tập trung tháng 11/2009 ước tính đạt 20 nghìn ha, tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng gỗ khai thác đạt 360 nghìn m3, tăng 6,5%. Tính chung 11 tháng, diện tích rừng trồng tập trung cả nước ước tính đạt 200 nghìn ha, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng gỗ khai thác đạt 3320 nghìn m3, tăng 6,3%; sản lượng củi khai thác đạt 25,8 triệu ste, tăng 4,6%.
 
Thời tiết vào mùa khô nên các địa phương đang đẩy mạnh công tác phòng, chống cháy rừng, đồng thời tiếp tục tổ chức tuyên truyền ý thức bảo vệ rừng, do đó đã hạn chế được tình trạng cháy rừng và mức độ thiệt hại rừng trong những tháng gần đây. Tính chung 11 tháng, diện tích rừng bị cháy và bị phá là 3188 ha, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm 2008, bao gồm diện tich rừng bị cháy là 1625 ha, tăng 43,9%; diện tích rừng bị chặt phá là 1563 ha, tăng 0,6%.

Nguồn: Vinanet