Theo thống kê chính thức từ Tổng cục Hải quan Việt Nam, kim ngạch nhập khẩu củ các loại trong tháng 7 đạt 7,2 triệu USD tăng 46.9% so cùng kỳ năm trước và tăng hơn 9,1% so tháng 6/2010. Trong 7 tháng đầu năm 2010, kim ngạch nhập khẩu củ các loại đạt 54,2 triệu USD, tăng 50,6% so cùng kỳ 2009 và tăng 47,7% so cùng kỳ 2008 .

Kim ngạch nhập khẩu củ các loại đang có xu hướng tăng lên trong những tháng gần đây. Theo thống kê chính thức của Tổng cục Hải quan, kim ngạch nhập khẩu củ các loại trong tháng 7 năm 2010 đạt 7,2 triệu USD, tăng 46,9% so cùng kỳ năm 2009. Đây là mức nhập khẩu đạt cao nhất từ đầu năm đến nay, nâng tổng kim ngạch 7T/2010 đạt 54,2 triệu USD, tăng 50,6% so cùng kỳ năm 2010

Từ nay đến cuối năm, nhu cầu cho tiêu dùng và chế biến tăng cao là yếu tố tác động đến kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này tăng theo. Ước tính trong tháng 8/2010, kim ngạch nhập khẩu củ các loại dao động từ 7,5 - 8 triệu USD

Trung Quốc – nguồn cung dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu củ các loại cho thị trường Việt Nam tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2010: Số liệu thống kê cho thấy, kim ngạch nhập khẩu củ các loại từ thị trường Trung Quốc tháng 7/2010 đạt hơn 6 triệu USD, tăng 49,1% so cùng kỳ năm 2009. Tổng kim ngạch nhập khẩu 7 tháng đầu năm 2010 đạt hơn 24 triệu USD, tăng 41,8% so cùng kỳ.

Tiếp đến là thị trường Ấn Độ với kim ngạch đạt 285,6 nghìn USD trong tháng 7/2010, góp phần đưa tổng kim ngạch 7 tháng đầu năm 2010 đạt hơn 1 triệu USD, tăng 55,5 lần so cùng kỳ năm 2009. Đây là một trong những nguồn cung củ các loại lớn cho thị trường Việt Nam, đồng thời có tốc độ tăng cao trong 7 tháng đầu năm.

Tháng 7/2010, Hàn Quốc là nguồn cung có kim ngạch giảm nhiều nhất, giảm 90,8% so cùng kỳ, chỉ đạt 579 USD. Tuy nhiên, 7 tháng đầu năm 2010, tổng kim ngạch xuất khẩu củ của thị trường này tăng tương đối cao, tăng hơn 123,2%, kim ngạch đạt hơn 22 nghìn USD.

Mặc dù chỉ đứng thứ 9 về kim ngạch xuất khẩu củ các loại cho Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2010 nhưng Ôxtrâylia lại là thị trường có tốc độ tăng rất cao, tăng 121,6 lần so cùng kỳ 2009, đạt 286,7 nghìn USD. Tiếp đến là thị trường Lào đạt 208 nghìn USD, tăng 761,5% so cùng kỳ năm 2009.

Ngược lại, kim ngạch nhập khẩu củ các loại từ Myanma 7 tháng đầu năm lại giảm nhanh chóng với 93%, đạt 104,1 nghìn USD; Nhật Bản giảm 78,2% còn 7,8 nghìn USD; Hồng Kông giảm 72,9% còn 4,4 nghìn USD;…

Sắn là một trong 4 mặt hàng không được nhập khẩu trong tháng 7/2010. Tuy nhiên, đây vẫn là mặt hàng dẫn đầu về kim ngạch nhập khẩu 7 tháng đầu năm 2010, đạt 24,9 triệu USD, tăng 66,8% so với cùng kỳ năm 2009. Ngoài 3 nguồn cung chính là Lào, Campuchia và Trung Quốc, 7T/2010 còn có thêm 2 thị trường mới là Myanma và Thái Lan với kim ngạch đạt lần lượt 16,2 nghìn USD và 11,6 nghìn USD. Campuchia dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu sắn đạt 24,6 triệu USD, tăng 65,1%; Lào đạt 201,2 nghìn USD, tăng 733,3%; Trung Quốc đạt 84,5 nghìn USD, tăng mạnh nhất với 1.065,4% so cùng kỳ 2009.
Sắn lát khô là sản phẩm có kim ngạch nhập khẩu đạt cao trong 7T/2010 với 23,1 triệu USD, tăng 55% so cùng kỳ năm 2009. Đồng thời đây cũng là sản phẩm có sự biến động giá mạnh trong thời gian qua do nguồn cung không đủ cầu sản xuất.

Tháng 7/2010, tỏi các loại có kim ngạch nhập khẩu đạt cao nhất với hơn 2,4 triệu USD, tăng 169,5% so cùng kỳ 2009. Tuy nhiên, 7 tháng đầu năm mặt hàng này chỉ đứng thứ 2 về kim ngạch, đạt 15,3 triệu USD, tăng 164,7% so cùng kỳ 2009. Các nguồn cung tỏi các loại cho thị trường Việt Nam 7T/2010 bao gồm: ấn Độ, Hàn Quốc, Inđônêxia, Nhật Bản, Thái Lan và Trung Quốc. Trong đó, Trung Quốc đạt kim ngạch cao nhất với 15,3 triệu USD, tăng 166,3% so cùng kỳ 2009; Thái Lan đạt 13,3 nghìn USD, giảm 53,9%.
7T/2010, tỏi khô đạt kim ngạch nhập khẩu cao nhất với 12,8 triệu USD, tăng 188,5% so cùng kỳ năm 2009. Giá nhập khẩu tỏi khô tháng 7/2010 mặc dù đã giảm nhẹ 0,4 USD/tấn nhưng vẫn còn cao so với giá nhập khẩu cùng kỳ 2009, cao hơn 2,8 USD/tấn
Tháng 7/2010 và 7T/2010, nghệ là loại củ có tốc độ tăng nhập khẩu cao nhất: Mặc dù chỉ đạt kim ngạch 177,2 nghìn USD (T7/2010) và 315,2 nghìn USD (7T/2010) nhưng đây là mặt hàng có tốc độ tăng rất cao. So với cùng kỳ tháng 7 năm 2009, kim ngạch nhập khẩu nghệ các loại tăng 50,9 lần và tăng 18,3 lần so cùng kỳ 7T/2009.

 

Nguồn: Internet