Xuất khẩu rau hoa quả tăng trong tháng 8 năm 2010 với kim ngạch đạt 36,4 triệu USD, tăng 44,4% so với cùng kỳ 2009. Tính chung 8 tháng năm 2010, kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 315 triệu USD, tăng 25,6% so với cùng kỳ 2009. Sau khi tăng nhẹ trong tháng 7/2010, giá xuất khẩu rau hoa quả có xu hướng giảm trong tháng 8 với mức giảm 1,9% so với tháng 7/2010, tuy nhiên vẫn tăng 4,9% so với tháng 8/2009.

Xuất khẩu trái cây tươi và trái cây chế biến tiếp tục duy trì được tốc độ tăng trưởng trong những tháng 8 năm 2010. Số liệu thống kê cho thấy, kim ngạch xuất khẩu trái cây trong tháng 8 đạt 36,4 triệu USD, tăng 44,4% so với vùng kỳ 2009. Tính chung 8 tháng năm 2010, kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 315 triệu USD, tăng 25,6% so với cùng kỳ 2009. Tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu trái cây đạt bình quân 35,3%/năm đã phản ánh được nhu cầu tiêu dùng trên thị trường thế giới tăng và khả năng cung ứng các sản phẩm trái cây trong nước.

Chất lượng trái cây trong nước cũng đang dần được cải thiện thông qua việc áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng cũng như yêu cầu của các đối tác nước ngoài.

Theo tin từ Cục Sở hữu trí tuệ, hiện cả nước có 964 đặc sản nông nghiệp gắn với 733 địa danh. Trong đó, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp đăng ký bảo hộ được 19 chỉ dẫn địa lý, 7 nhãn hiệu chứng nhận và 20 nhãn hiệu tập thể.

Thực hiện Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ, hiện đã có 23 dự án về chỉ dẫn địa lý và 30 dự án về nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận đang triển khai, gồm hỗ trợ tiến hành thủ tục đăng ký quyền sở hữu trí tuệ, thiết kế các phương tiện quảng bá sản phẩm... Theo nhận định của các chuyên gia, sau khi đăng ký sở hữu trí tuệ, các sản phẩm đều bán được với giá cao hơn từ 1,5 đên 3 lần, sản lượng tiêu thụ mạnh. Bên cạnh đó, việc đăng ký sở hữu có tác động tích cực tới phát triển nông nghiệp nông thôn như giá đất tăng cao, giải quyết việc làm, hạn chế hiện tượng lao động đổ ra thành phố...
Dự báo xuất khẩu rau quả trong thời gian tới sẽ tiếp tục tăng do các sản phẩm như Thảo quả, Na, Cam… sắp bước vào vụ thu hoạch. Ước tính trong nửa đầu tháng 9/2010, xuất khẩu rau hoa quả đạt 18 triệu USD, tăng 5% so với cùng kỳ tháng trước.
Kim ngạch xuất khẩu rau quả sang các thị trường chủ yếu trong tháng 8 và 8 tháng 2010 hầu như đều tăng cao hơn so với cùng kỳ 2009. Trung Quốc, Nhật Bản, Hà Lan, Nga và Hoa Kỳ là 5 thị trường đạt kim ngạch cao nhất trong 8 tháng qua, chiếm 51,9% tổng kim ngạch xuất khẩu rau hoa quả.

Trong đó, kim ngạch xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc trong 8 tháng 2010 đạt cao nhất với 40 triệu USD, tăng 33,5% so với cùng kỳ 2009.

Tiếp đến là thị trường Nhật Bản với kim ngạch xuất khẩu đạt 36 triệu USD trong 8 tháng năm 2010, tăng 10,8% so với cùng kỳ 2009. Trong nhóm rau hoa quả xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản thì các sản phẩm rau quả chế biến vẫn đạt kim ngạch cao nhất (chiếm 46%).
Xuất khẩu rau hoa quả sang một số thị trường khác như Xri Lanca, Quata, Đan Mạch… cũng đạt mức tăng trưởng cao, tăng lần lượt 691,1%, 323,9% và 205,9%...Đáng chú ý kim ngạch xuất khẩu rau hoa quả sang thị trường Lào tăng rất mạnh trong 8 tháng năm 2010, đạt 4,7 triệu USD, tăng 715 lần so với cùng kỳ 2009.

Tuy nhiên, cũng có một số thị trường giảm về kim ngạch nhập khẩu rau hoa quả của Việt Nam như Angiêri giảm 99,3%, Rumani giảm 80,9%, Ucraina giảm 56,4%.

Giá sản phẩm rau quả xuất khẩu giảm trong tháng 8/2010, giảm 1,9% so với tháng 7/2010, nhưng vẫn tăng 4,9% so với tháng 8/2009. So với tháng 7/2010, trong 3 nhóm HS 2 số chỉ có duy nhất nhóm HS 08 (quả, quả hạch ăn được, quả thuộc chi cam quýt và các loại dưa) giá tăng, nhóm HS 07 (rau và một số loại củ, thân củ, rễ ăn được) và nhóm HS 20 (chế phẩm từ rau, quả, quả hạch và các phần khác của cây) giá giảm.

Trong nhóm hàng Rau và một số loại củ, thân củ, rễ ăn được (HS 07), giá xuất khẩu tháng 8/2010 giảm ở cả 4 nhóm HS 4 số có kim ngạch xuất khẩu lớn, giảm nhiều nhất là nhóm Hành, hành tăm, tỏi, tỏi tây và các loại rau họ hành tươi hoặc ướp lạnh (HS 07.03). Giá xuất khẩu của một số mặt hàng cụ thể như sau: nấm rơm muối có giá dao động từ 1.650-1.750 USD/tấn-FOB, quả ớt muối có giá dao động từ 245-265 USD/tấn-FOB.
Trong nhóm Quả, quả hạch ăn được, quả thuộc chi cam quýt và các loại dưa (HS 08), trong những nhóm HS 4 số có kim ngạch xuất khẩu lớn chỉ duy nhất nhóm quả tươi khác (HS 08.10) giá giảm, các nhóm còn lại giá đều tăng, tăng nhiều nhất là nhóm HS 08.02 (quả hạch khác, tươi hoặc khô....). Giá quả dừa khô bóc vỏ dao động từ 155-165 USD/tấn-FOB, quả thanh long tươi có giá dao động từ 300-400 USD/tấn-FOB.
Trong nhóm Chế phẩm từ rau, quả, quả hạch và các phần khác của cây (HS 20), sự tăng giảm giá diễn ra đan xen giữa các nhóm HS 4 số, trong đó tăng nhiều nhất là nhóm HS 20.02 (cà chua đã chế biến hoặc bảo quản....), giảm nhiều nhất là nhóm HS 20.07 (Mứt, nước quả nấu đông....). Giá dưa chuột bao tử đóng lọ 720ml (680gr/lọ) dao động từ 450-550 USD/tấn-FOB.

So với tháng 8/2009, chỉ có nhóm HS 07 giá giảm, nhóm HS 08 và HS 20 giá tăng hơn 10%.

Nguồn: Vinanet