Nhu cầu amoniac châu Á đã yếu đi do các nhà sản xuất acrylonitrile (ACN) và axit nitric ở Hàn Quốc và Đài Loan đã hạ công suất hoạt động tại các nhà máy của mình bởi giá sụt giảm so với chi phí nguyên liệu đầu vào cao, các nguồn tin hôm thứ sáu cho biết.

Amoniac là nguyên liệu thô sử dụng trong sản xuất ACN, axit nitric và caprolactam (capro).

Công ty Hóa dầu Tongsuh của Hàn Quốc đang vận hành các nhà máy sản xuất ACN công suất 70.000 tấn/năm và 230.000 tấn năm tại tỉnh Ulsan ở khoảng 80% công suất, một nguồn tin liên quan đến hoạt động của công ty nói.

Tuy nhiên công ty đang cân nhắc giảm công suất vận hành thêm xuống 70% hoặc thấp hơn trong những tuần tới bởi các kho hàng ở mức cao và giá ACN đang giảm, nguồn tin này cho biết thêm.

Công ty Samsung Fine Chemicals là nhà cung cấp amoniac chính cho Công ty hóa dầu Tongsuh để sản xuất ACN và cho nhà sản xuất Hàn Quốc, công ty Capro để sản xuất caprolactam, theo nguồn tin của công ty cung cấp.

Việc vận hành công suất thấp hơn ở các nhà máy của Công ty hóa dầu Tongsuh và ngưng hoạt động để bảo trì tại các nhà máy sản xuất capro công suất 150.000 tấn/năm và 60.000 tấn/năm của Công ty Capro dự kiến sẽ làm giảm nhu cầu về amoniac đối với công ty Samsung Fine Chemicals khoảng 20.000-25.000 tấn trong tháng này.

Công ty Capro đã ngừng hoạt động 2 nhà máy tại tỉnh Ulsan vào ngày 6/10 và còn có một nhà máy thứ 3 ở cùng địa điểm trên. Nhà sản xuất Hàn Quốc Namhae Chemical đã hạ công suất hoạt động tại nhà máy sản xuất axit nitric công suất 80.000 tấn/năm ở Yeocheon đi 5-10% do chi phí sản xuất cao trong khi nhu cầu sụt giảm và giá axit đi xuống, công ty cho biết.

Công ty Phát triển Hóa dầu Trung Hoa của Đài Loan (CPDC) đã thông báo đợt 40 ngày dừng sản xuất tại một trong các nhà máy sản xuất ACN của mình tại Kaoshiung từ đầu tháng 10 so với thời gian dự định ban đầu từ tháng 11 bởi giá ACN yếu hiện nay.

CPDC sản xuất được 95.000 tấn/năm tại nhà máy này nhưng đang có kế hoạch mở rộng thêm 25.000 tấn/năm.

Công ty sẽ ngưng hoạt động nhà máy thứ hai có công suất 120.000 tấn/năm ở cùng địa điểm trên trong khoảng 30-40 ngày vào cuối tháng 10, như vậy sẽ có 10 ngày ngưng hoạt động cùng lúc với nhà máy thứ nhất.

Công ty sẽ khởi động lại nhà máy thứ 2 vào cuối tháng 11 nhưng có thể kéo dài việc dừng sản xuất nếu các điều kiện thị trường không được cải thiện, các nguồn tin công nghiệp nói.

Nhà sản xuất Đài Loan, công ty vật liệu tổng hợp Formosa (FPC) đang vận hành 2 nhà máy ACN ở Mailiao với 75% công suất do kinh tế thị trường yếu kém. Các nhà máy này có tổng công suất ACN là 280.000 tấn/năm.

Công ty có thể sẽ hạ bớt công suất hoạt động ở các nhà máy này thêm nữa vào tuần tới cùng với tình hình chi phí sản xuất cao và giá ACN đang giảm dần.

Công ty FPC đã đặt mua 24.000 tấn amoniac Iran từ nhà giao dịch Nhật Bản, công ty Mitsubishi và hàng sẽ được giao vào trung tuần tháng 11 để sản xuất ACN.

FPC có thể hoãn thời gian chuyển hàng hoặc giảm khối lượng lô hàng đã đặt bởi công suất vận hành thấp tại các nhà máy sản xuất ACN của họ.

Giá amoniac trên thị trường vẫn giữ ổn định bởi nguồn cung yếu và nhu cầu mạnh từ khu vực sản xuất phân bón.

Giá amoniac hiện được định ở mức 620-630 USD/tấn (446-454 EUR/tấn) CFR Đài Loan và 630-640 USD/tấn CFR Hàn Quốc.

Khả năng cung cấp amoniac tại châu Á dự báo sẽ vẫn bị hạn chế trong ngắn hạn nhưng những hạn chế về nguồn cung có thể bắt đầu giảm bớt nếu ít có yêu cầu hơn đến từ khu vực tiêu dùng công nghiệp, các nguồn tin cho biết.

Mức tiêu thụ thấp hơn và nguồn cung cải thiện từ Trung Đông có thể gây ra giá amoniac dịu bớt, những người mua nói.