Theo Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam (Vifores), khó khăn đối với các doanh nghiệp gỗ Việt Nam hiện nay là thị trường xuất khẩu sản phẩm gỗ đang bị thu hẹp. Cùng với đó, tại các thị trường lớn xuất hiện ngày càng nhiều các hành vi bảo hộ thương mại tinh vi như Đạo Luật LACEY của Hoa Kỳ, Hiệp định về “Tăng cường thực thi Luật lâm nghiệp, quản trị rừng và buôn bán gỗ” (FLEGT) của châu Âu (EU). Ngoài ra, năm 2009, ngành công nghiệp gỗ Việt Nam còn phải đối mặt với những thách thức mới khi các nước trong khu vực ASEAN liên kết lại để tăng sức cạnh tranh.

Chủ tịch Hiệp hội gỗ cho biết, ngành công nghiệp gỗ đang gặp rất nhiều khó khăn và có nguy cơ giảm mạnh tăng trưởng trong giai đoạn tới. Năm 2008, dự kiến kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm gỗ là 3 tỷ USD, nhưng đến hết tháng 10/2008 mới đạt 2,3 tỷ USD và hai tháng còn lại chỉ đạt 500 triệu USD, do đó kim ngạch XK cả năm cao nhất cũng chỉ đạt 2,8 tỷ USD.

Nguyên nhân làm giảm tốc độ tăng trưởng xuất khẩu sản phẩm gỗ là do tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu đã làm giảm nhu cầu tiêu thụ sản phẩm gỗ. Ước tính, nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm gỗ của người Mỹ và các nước EU kéo theo sự giảm sút về sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp chế biến gỗ Việt Nam.

Khó khăn lớn nhất đối với các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, kinh doanh XK gỗ hiện nay là thiếu vốn, các thị trường nhập khẩu chủ lực đồ gỗ của Việt Nam như Mỹ, Nhật Bản, EU đều giảm nhập khẩu. Do đó, khoảng 90% doanh nghiệp xuất khẩu gỗ Việt Nam  gặp khó khăn do các đối tác huỷ hoặc cắt hợp đồng, một số khác chỉ đặt hàng bằng 30-60% so với hợp đồng cũ. Thêm vào đó, nhiều quốc gia đã và sẽ ban hành các đạo luật để bảo hộ thương mại tại các thị trường lớn, cụ thể: các sản phẩm gỗ xuất khẩu sang Mỹ và EU có sự kiểm soát chất lượng, nguồn gốc gỗ với các luật lệ mới được ban hành như: Đạo luật LACEY của Mỹ, căn cứ vào đạo luật này, hành động lấy gỗ khai thác, sử dụng, vận chuyển, bán hoặc XK không tuân thủ quy định của luật pháp bất kỳ quốc gia nào được xem là vi phạm luật tại Mỹ. Tại EU sẽ thực hiện Hiệp định FLEGT, theo đó tất cả các chuyến hàng XK vào thị trường này sẽ được các cơ quan có thẩm quyền cấp phép sau khi kiểm tra tính hợp pháp của lô hàng thông qua các bằng chứng gốc.

Với hàng loạt những khó khăn trên, ước tính có 20% doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản, trên 30% doanh nghiệp gặp khó khăn, chỉ khoảng 50% là còn trụ được.

Trong thời gian tới, thị trường XK sản phẩm gỗ vẫn có nguy cơ bị thu hẹp. Đồ gỗ nội thất và bàn ghế ngoài trời vào Mỹ và EU sẽ giảm từ 30-35% và có những hợp đồng đã ký sẽ bị hoãn hoặc chấm dứt. Theo dự kiến, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ trong năm 2009 chỉ đạt từ 8-10%.

Nhằm giải quyết khó khăn cho các doanh nghiệp gỗ, theo Chủ tịch Hiệp hội gỗ Việt Nam, trong năm 2009, Nhà nước cần tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện các chính sách hiện hành trên cơ sở điều chỉnh bổ sung phù hợp với từng giai đoạn.

Đặc biệt là Nghị quyết số 30/2008/NQ-CP để tăng cường hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đồng thời, đề nghị Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao chỉ đạo các thương vụ, cơ quan ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài khi có thông tin về các vấn đề liên quan đến thương mại lâm sản thông tin cho Bộ NN-PTNT kịp thời xử lý.

Trong bối cảnh hiện nay, cần thiết phải tính đến biện pháp giao hàng tại kho ngoại quan ở các thị trường chính nhằm xử lý khó khăn trong thanh toán và giảm rủi ro cho doanh nghiệp. Vifores  đã thông nhất với các doanh nghiệp sẽ chủ động để xây dựng dự án thành lập kho nogại quan tại một số thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản, Nga trình Thủ tướng phê duyệt.

Đối với các giải pháp về chính sách tài chính, Vifores cũng đề nghị Nhà nước giảm 30% số thuế thu nhập phải nộp quý IV/2008 và số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2009 đối với thu nhập từ hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp Gỗ Việt Nam, vì hầu hết các doanh nghiệp này chủ yếu là nhỏ và vừa. Cùng với đó, giãn thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp trong thời gian 9 tháng đối với số thuế thu nhập doanh nghiệp nhỏ và vừa nói trên và của các doanh nghiệp hoạt động sản xuất, gia công, chế biến gỗ. Tạm hoàn 90% số thuế GTGT đầu vào đối với sản phẩm gỗ thực xuất khẩu trong trường hợp doanh nghiệp chưa có chứng từ thanh toán qua ngân hàng và hoàn tiếp 10% khi có chứng từ thanh toán.

Điều chỉnh giảm thuế suất thuế nhập khẩu đối với sản phẩm gỗ là nguyên liệu gỗ đầu vào của sản xuất gỗ là nguồn nhập khẩu chủ yếu trong nước chưa sản xuất được nhưng không đáp ứng đủ nhu cầu để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp giảm chi phí nâng cao sức cạnh tranh. Đồng thời, giãn thời gian ân hạn nộp thuế đối với gỗ và sản phẩm gỗ đang bị tồn đọng và sửa đổi chính sách về ân hạn thời gian nộp thuế nhập khẩu 275 ngày đối với gỗ nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu lên 365 ngày. Bên cạnh đó, cải cách thủ tục xuất nhập khẩu, rút ngắn thời gian thông quan hàng hoá. Đơn giản hoá thủ tục hoàn thuế, quyết toán thuế đối với nguyên liệu gỗ nhập khẩu để sản xuất, gia công hàng xuất khẩu.

Nhà nước cần có các biện pháp cụ thể để tạo điều kiện tăng cường khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng cho các doanh nghiệp, nhất là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hàng gỗ xuất khẩu. Cùng với đó, nghiên cứu , hướng dẫn các tổ chức tín dụng thực hiện việc cho vay theo lãi suất thoả thuận quy định tại Nghị quyết số 23/2008/QH12 ngày 6/11/2008 của Quốc hội và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2009.

 

Nguồn: Vinanet