Dẫn nguồn tin từ Báo Công thương, trong 7 tháng đầu năm 2012, trong khi tồn kho thép ở mức khá cao thì lượng thép nhập lậu vào Việt Nam đã lên tới 137.500 tấn, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất trong nước. Hiệp hội Thép kiến nghị, Việt Nam cần nhanh chóng lập các biện pháp phòng vệ thương mại trên sân nhà.

Ông Nguyễn Tiến Nghi- Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, sản lượng của tất cả thành viên VSA trong tháng 8/2012 chỉ đạt 358 ngàn tấn. Tình hình tiêu thụ vẫn hết sức khó khăn do kinh tế suy thoái khiến nhu cầu sử dụng thấp, lại thêm yếu tố khách quan là theo quy luật mùa mưa bão và trong thời điểm tháng 7 âm lịch nhiều công trình dân dụng không động thổ xây dựng khiến lượng tiêu thụ tháng 8 chỉ đạt 356 ngàn tấn và tồn kho khoảng 215 ngàn tấn. Mặt khác, để đẩy nhanh tiêu thụ, các doanh nghiệp đã phải giảm giá bán từ 200 - 300 ngàn đồng/tấn. Dự báo, thời gian tới, thị trường trong nước cũng không thiếu hàng bởi công suất thép cán xây dựng trong nước lên trên 10 triệu tấn nhưng cả tiêu thụ và xuất khẩu chỉ khoảng 6 -6,2 triệu tấn.

Mặc dù hàng tồn kho thép vẫn ở mức cao từ đầu năm, thị trường trầm lắng, doanh nghiệp nội địa phải cắt giảm sản xuất thì nhập khẩu thép, đặc biệt là thép giá rẻ từ Trung Quốc, lại cao bất thường.

Theo số liệu của Tổng công ty Thép Việt Nam đưa ra tại cuộc họp giao ban Bộ Công Thương mới đây, 7 tháng đầu năm 2012, lượng thép Trung Quốc nhập vào Việt Nam tăng rất mạnh, lên tới 137.500 tấn, cao gấp 5,5 lần so với cùng kỳ năm 2011. Năm 2010, con số này chỉ ở mức 24.900 ngàn tấn. Năm 2011 cũng chỉ đến 53.600 ngàn tấn.

Kinh tế Trung Quốc đang khó khăn, nhu cầu tiêu thụ thép giảm nên Trung Quốc đang có chủ trương tăng cường xuất khẩu thép sang các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Như vậy, chắc chắn ảnh hưởng đến ngành sản xuất thép trong nước.

Điều đáng chú ý, hiện tượng DN nhập khẩu thép có vi chất Bo với hàm lượng nhỏ, khai là thép hợp kim để trốn thuế vẫn tái diễn. Vì theo quy định, thép carbon xây dựng nhập khẩu thông thường chịu thuế suất là 5%, thép hợp kim là 0%. Nhờ thế, khi nhập vào Việt Nam dưới “mác” thép xây dựng loại thép có vi chất Bo được bán với giá rẻ.

Một hiện tượng khác, trong khi người tiêu dùng không sử dụng thép thanh nhập từ Trung Quốc (vì có quy định thép thanh phải dập thương hiệu của nhà sản xuất) thì thép phi 6-8 không có quy định in thương hiệu nên khi thép Trung Quốc nhập vào Việt Nam dễ bị lẫn lộn với sản phẩm Trung Quốc.

Để hạn chế nhập lậu và bảo vệ sản xuất trong nước, VSA và Tổng công ty Thép VN kiến nghị, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra giám sát hàng sau thông quan, nhất là việc đưa vào sử dụng. Những sản phẩm thép nhập khẩu phải được sử dụng đúng theo quy định.

Mặt khác, nên quy định sản phẩm thép nhập khẩu bắt buộc phải có nhãn mác tiếng Việt, thậm chí là bắt buộc ghi thông tin kỹ thuật có liên quan.

Đối với thép nhập khẩu có nguyên tố Bo, Tổng công ty Thép đề nghị nên có sự tham gia của Trung tâm tiêu chuẩn đo lường chất lượng với các trang thiết bị hiện đại, đầy đủ mới có thể xác định chính xác hàm lượng chất này.

VSA cũng đề nghị Cục Quản lý cạnh tranh- Bộ Công Thương phối hợp với các cơ quan hữu quan sớm tìm ra giải pháp chống bán phá giá (CBPG), chống trợ giá xuất khẩu kịp thời để trợ giúp ngành thép. Trong trường hợp cần thiết có thể tiến hành biện pháp phòng vệ thương mại nhằm bảo vệ sản xuất trong nước.

Khi thép nước ngoài tràn ngập, ảnh hưởng tới sản xuất trong nước mới tìm biện pháp chống đỡ thì đã muộn. Nhưng thà muộn còn hơn không. Các cơ quan quản lý cần khẩn trương đưa ra biện pháp phòng vệ thương mại đối với mặt hàng thép.

 

Nguồn: Vinanet