Trong tuần qua, giá chè tại Thái Nguyên và Lâm Đồng nhìn chung vẫn ổn định so với tuần trước.

Tại Thái Nguyên, giá chè xanh búp khô và chè cành chất lượng cao vẫn giữ ở mức thấp so với tuần trước. Hiện giá chè xanh búp khô (loại II) đạt 150.000 đồng/kg; 250.000 đồng/kg đối với chè cành chất lượng cao; riêng giá chè xanh búp khô đã sơ chế (loại I) giảm 20.000 nghìn đồng/kg so với tuần trước đó. Thời tiết thuận lợi trong tuần qua tạo điều kiện thuận lợi cho búp chè phát triển, nguồn cung hứa hẹn trong thời gian tới.

Giá chè tại Thái Nguyên  (ĐVT:đ/kg, bán lẻ)
Loại chè
Ngày 15/4
Ngày 17/4
Ngày 20/4
Chè xanh búp khô (loại 2)
150.000
150.000
150.000
Chè cành chất lượng cao
250.000
250.000
250.000

Chè xanh búp khô (đã sơ chế loại 1)

200.000
180.000
180.000
Nguồn: Bộ Nông nghiệp

Thái Nguyên là vùng chè trọng điểm của cả nước, đứng thứ hai sau tỉnh Lâm Đồng với tổng diện tích chè toàn tỉnh hơn 20.700ha, năng suất bình quân đạt trên 109 tạ/ha, sản lượng chè búp tươi hàng năm đạt trên 192.000 tấn. Nghề trồng và chế biến chè đã đem lại hiệu quả lớn về kinh tế, xã hội cho tỉnh và là cây xóa đói, giảm nghèo, làm giàu của người nông dân. Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 30 doanh nghiệp, 23 hợp tác xã và 85 làng nghề sản xuất, chế biến chè.
Chè Thái Nguyên được tiêu thụ cả thị trường trong và ngoài nước, trong đó thị trường nội địa chiếm 70-80%, chỉ có khoảng 20-30% sản lượng chè chế biến được xuất khẩu. Thị trường nhập khẩu chè Thái Nguyên chủ yếu là các nước Trung Đông, một số nước châu Á, vùng lãnh thổ và Đông Âu, điển hình là Pakistan, Đài Loan, Trung Quốc...

Để thương hiệu chè Thái Nguyên vươn tới các thị trường ngoài nước, tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Quyết định phê duyệt nhiệm vụ khoa học công nghệ Đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể chè Thái Nguyên tại các nước và vùng lãnh thổ Trung Quốc, Mỹ và Đài Loan - thị trường trọng tâm của chiến lược xuất khẩu chè Thái Nguyên trong những năm tiếp theo.
Để giúp cho ngành chè Thái Nguyên xây dựng được thương hiệu tại các thị trường Mỹ, Trung Quốc, Đài Loan, theo các chuyên gia trong ngành trong thời gian tới, tỉnh Thái Nguyên cần tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại sản phẩm mang nhãn hiệu thập thể chè Thái Nguyên sang các thị trường này; xây dựng đề án Quảng bá chè Thái Nguyên sang thị trường đã được bảo hộ nhãn hiệu trình Bộ Công Thương đưa vào Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia tạo điều kiện đẩy mạnh xuất khẩu chè vào các thị trường này; tập trung phát triển chè theo hướng an toàn; thông tin đến các doanh nghiệp xuất khẩu chè sang thị trường Mỹ, Trung Quốc, Đài Loan sử dụng đúng nhãn hiệu như đã đăng ký…

Việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể chè Thái Nguyên tại thị trường Mỹ, Trung Quốc, Đài Loan sẽ góp phần khẳng định hàng hóa mang thương hiệu Việt Nam và được độc quyền khai thác sản phẩm mang thương hiệu của chính mình tại thị trường nước ngoài. Điều này cũng hạn chế nguy cơ bị chiếm đoạt nhãn hiệu tại thị trường quốc tế, từ đó góp phần nâng cao giá trị sản phẩm và khả năng cạnh tranh của sản phẩm chè Thái Nguyên tại các thị trường này.

Tại Lâm Đồng, trong tuần qua giá chè nguyên liệu sản xuất chè xanh vẫn tiếp tục duy trì ở mức giá của tuần trước sau khi tăng giá thêm 1.000 đồng/kg vào thời điểm sau Tết Nguyên đán. Đồng thời nguyên liệu để sản xuất chè đen vẫn giữ ổn định ở mức giá 5.500 đồng/kg.

Hiện nay, Lâm Đồng có 21.961ha chè, chiếm 1/4 diện tích chè cả nước và có sản lượng 211.240 tấn, chiếm 27% sản lượng chè cả nước. 

Giá chè búp tuơi tại Lâm Đồng (ĐVT:đ/kg, bán buôn)
Loại chè
Ngày 15/4
Ngày 17/4
Ngày 20/4
Chè búp tươi làm chè xanh loại 1
10.000
10.000 
10.000
Chè búp tươi làm chè đen loại 1
5.500
5.500 
5.500
Nguồn: Bộ Nông nghiệp

Theo số liệu của Tổng cục hải quan, xuất khẩu chè của Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2015 đạt 24.452 tấn chè, trị giá 39.544.257 USD, giảm 0,2% về lượng nhưng tăng 4,8% về trị giá so cùng kỳ năm trước. Sản phẩm xuất khẩu chè chủ yếu của Việt Nam vẫn là chè đen, chè xanh, chè ô long, chè nhài, chè đen OTC…

Pakistan vẫn là thị trường xuất khẩu chè lớn nhất của Việt Nam, chiếm gần 40% tổng trị giá xuất khẩu. (Việt Nam chủ yếu xuất khẩu chè xanh BT đã sấy khô sang thị trường Pakistan). Sản lượng chè Pakistan nhập khẩu từ Việt Nam đang tăng nhanh sau từng năm. Với dân số gần 200 triệu người, cùng văn hóa uống trà truyền thống lâu đời, Pakistan là một trong những thị trường tiêu thụ chè lớn, đầy tiềm năng tại khu vực Nam Á và chè Việt đang trở thành một trong những lựa chọn hàng đầu của người tiêu dùng tại quốc gia này.

Các doanh nghiệp xuất khẩu chè Việt Nam cần có sự liên kết mạnh hơn với người nông dân ngay từ khâu trồng để đảm bảo sản phẩm có chất lượng từ nguồn nguyên liệu. Hơn nữa, Việt Nam đã hội nhập sâu rộng với thế giới, nếu không tự nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm nâng cao uy tín, doanh nghiệp sẽ tự bị sàng lọc và đào thải trong quá trình giao thương.

T.Nga
Nguồn: Vinanet

Nguồn: Vinanet