Nhiều loại thuốc nội tăng giá 30-90%

Từ ngày 1-3 đã có nhiều mặt hàng thuốc sản xuất trong nước tăng giá bán.

Công ty F.T.Pharma có 20 mặt hàng tăng giá, trong đó có những mặt hàng tăng giá từ 26% đến hơn 37%...Công ty cổ phần dược phẩm OPC cũng có tám mặt hàng tăng giá từ 28-41%...

Công ty cổ phần dược phẩm Traphaco) thông báo cho các nhà thuốc biết từ 1-3 sẽ tăng giá 150% đối với sản phẩm Cadef. Đặc biệt, chi nhánh Công ty TNHH Nhất Nhất phân phối sản phẩm thuốc hỗ trợ cắt cơn cai nghiện ma túy Bông Sen báo giá thuốc này từ 1,58 triệu đồng lên 3 triệu đồng/hộp bốn chai (tăng gần 90%).

Một số mặt hàng bông băng, gạc y tế nhiều loại tăng ở mức 40-50%.

Nguyên nhân giá thuốc tăng được trình dược viên giải thích là do giá nguyên liệu sản xuất, tỉ giá đôla, xăng dầu, điện đều tăng cao. Tuy nhiên, khảo sát ở các nhà thuốc cho thấy thuốc ngoại nhập của các hãng sản xuất lớn, các công ty đa quốc gia vẫn chưa tăng giá.

Giá vàng trong nước tăng 250.000 đồng mỗi lượng

Các thương hiệu vàng miếng trong nước sáng 3/3 đã tăng thêm 250.000 đồng/lượng sau khi giá vàng thế giới liên tục lập các đỉnh cao mới.

Ngay từ đầu phiên, giá vàng SJC Hà Nội niêm yết giá mua vào là 37,67 triệu đồng và bán ra là 37,77 triệu đồng, tăng 270.000 đồng/lượng so với sáng qua. Trong khi vàng SJC tự do cũng bật lên mức 37,68-37,80 triệu đồng (mua vào/bán ra).

Tại thị trường thành phố Hồ Chí Minh cùng thời điểm trên thì giá vàng SJC cũng mở rộng đà tăng giá so với ngày hôm qua thêm 250.000 đồng/lượng khi mua vào là 37,67-37,77 triệu đồng (mua vào/bán ra).

Vàng Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu cũng niêm yết ở mức 37,68-37,80 triệu đồng.

Biên độ giao dịch giữa giá mua và giá bán trong sáng nay cũng được các công ty kim hoàn đẩy lên từ 100.000-120.000 đồng, tăng 20.000 đồng/lượng so với hôm qua.

Nguyên nhân tăng giá vàng ngày hôm nay là nhờ cộng hưởng của cả USD và giá vàng quốc tế.

Trong sáng nay, giá USD tự do trong nước đã tăng50 đồng so với sáng qua và giao dịch trong khoảng từ 21.600-21.700 đồng đổi một đô la.

Giá cà phê giảm mạnh xuống 45.400 đồng/kg

Giá cà phê nhân xô trong nước ngày 3/3 giảm còn 45.400 đồng/kg, đây là phiên thứ hai giá cà phê trong nước giảm mạnh theo giá thế giới.

Giá cà phê FOB giao tại cảng TPHCM đứng ở mức 2.205 USD/tấn, với mức trừ lùi 160 USD, tỷ giá USD/VND là 20.833 đồng.

Nguyên nhân cà phê giảm giá hai phiên liên tục do hoạt động chốt lời của các nhà đầu tư trên sàn cà phê London, sàn giao dịch cà phê robusta lớn nhất hiện nay.

Thức ăn chăn nuôi có thể sẽ tiếp tục tăng giá

Chủ tịch Hiệp hội thức ăn chăn nuôi Việt Nam cho biết, trước sức ép đầu vào tăng mạnh, hiện tất cả các công ty sản xuất TĂCN đã tăng từ 200-500 đ/kg và khả năng sẽ tiếp tục có một đợt tăng giá mới nếu nguyên liệu sản xuất từ Ấn Độ nhập về cảng bị tái xuất.

Do chất lượng ngô, khô đậu nành từ Ấn Độ thấp, thường có mọt, tỷ lệ nấm mốc cao nên Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) đã có Công văn số 1616 yêu cầu quản lý nhập khẩu các loại nguyên liệu thức ăn gia súc từ Ấn Độ. Căn cứ công văn 1616, mới đây Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã ra quyết định yêu cầu các doanh nghiệp tái xuất gần 45.000 tấn ngô, khô đậu nành nhập khẩu từ Ấn Độ trước ngày 20/3. Tính đến ngày 1/3/2011, đã có gần 100.000 tấn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi từ Ấn Độ của 19 doanh nghiệp.

Hóa chất, phân bón

Giá phân ure tại thị trường Bến Tre tăng 500 đ lên 10.000 đ/kg; phân DAP tăng mạnh 2.000 đ lên 17.000 đ/kg.

Giá thép sắp tăng đến 500.000 đồng/tấn

Theo thông tin từ Công ty thép Vina Kyoei, trong tuần này công ty sẽ điều chỉnh giá thép tăng 500.000 đồng/tấn, lên hơn 17 triệu đồng/tấn. Ngày 1.3 vừa qua, Tổng công ty thép Việt Nam (Văn phòng TP.HCM) đã điều chỉnh giá bán tăng 600.000 đồng/tấn, giá thép giao tại nhà máy lên khoảng 16,7 triệu đến 16,9 triệu đồng/tấn (chưa bao gồm tính thuế).

Thép Pomina cũng vừa điều chỉnh tăng 400.000 đồng/tấn, lên hơn 17 triệu đồng/tấn (chưa tính thuế). Các nhà sản xuất lý giải là do giá điện, xăng dầu đều tăng.

(Vinanet)

 

Nguồn: Vinanet