Trong khoảng 10 năm trở lại đây, sản lượng sản xuất nông nghiệp nói chung và rau quả nói riêng của Hàn Quốc liên tục giảm vì ngày càng thiếu lao động làm nông nghiệp và chi phí trồng trọt tăng lên. Nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng nông sản nói chung và rau hoa quả nói riêng vì thế cũng tăng lên nhanh chóng.

Năm 2008, Hàn Quốc đã nhập khẩu trên 300 triệu USD các loại Rau, Củ, và trên 270 triệu USD các loại Quả tươi. Năm 2009 nhập khẩu khoảng 550 triệu USD các loại rau, củ và quả tươi.

Nhu cầu đối với các sản phẩm rau hoa quả của Hàn Quốc là rất lớn nhưng việc cung cấp các sản phẩm rau quả của Việt Nam cho thị trường 50 triệu dân này (tính đến tháng 1/2010) còn khá khiêm tốn. Số liệu thống kê cho thấy kim ngạch xuất khẩu rau hoa quả của Việt Nam sang thị trường Hàn Quốc trong năm 2008 chỉ đạt 10,7 triệu USD, năm 2009 đạt 8,5 triệu USD.

Một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến việc đưa các sản phẩm rau quả của Việt Nam thâm nhập thị trường Hàn Quốc là Quy định nhập khẩu rau, củ, quả vào thị trường này: Tất cả các loại rau, củ và hoa quả tươi nhập khẩu vào Hàn Quốc phải có Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật của Hàn Quốc. Với các loại rau, quả chế biến, Bộ chứng từ nhập khẩu còn được yêu cầu phải có Giấy chứng nhận xuất khẩu của Nhà máy sản xuất chế biến đã được phía Hàn Quốc chấp thuận từ trước về dây chuyền sản xuất, máy móc thiết bị chế biến, kho lưu giữ bảo quản...

Năm 2009, kinh tế Hàn Quốc tăng trưởng 0,2% và có thể đạt mức tăng trưởng 5,9% trong năm nay. Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản của Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp xuất khẩu rau quả nói riêng.

Trong 6 tháng đầu năm 2010, kim ngạch xuất khẩu rau quả sang thị trường này đạt 5,7 triệu USD, tăng 31,6% so với cùng kỳ 2009. Ước tính trong tháng 7/2010, kim ngạch xuất khẩu rau hoa quả sang thị trường Hàn Quốc có thể đạt 1,5 triệu USD, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu trong 7 tháng đạt 7,2 triệu USD, tăng 25,6% so với cùng kỳ 2009.

Dự báo xuất khẩu rau hoa quả sang thị trường Hàn Quốc sẽ tiếp tục tăng trong nửa cuối năm 2010, đặc biệt là các mặt hàng rau và quả tươi có tác dụng tốt cho sức khỏe.

Cơ cấu các mặt hàng rau hoa quả xuất khẩu:

Chủng loại rau hoa quả xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc ngày càng đa dạng hơn trước. Trong nửa đầu năm 2010, có 7 nhóm mặt hàng rau quả xuất khẩu sang thị trường này trong đó nhóm rau tươi và rau chế biến đạt kim ngạch cao nhất với 3,4 triệu USD, tăng 44% so với cùng kỳ 2009. Tiếp đến là nhóm quả tươi và chế biến với kim ngạch xuất khẩu đạt 1,3 triệu USD, tăng 12,7%. Nhóm đồ hộp, củ, hoa, cây, lá đạt lần lượt 598,2 nghìn USD, 136,8 nghìn USD, 116 nghìn USD, 115,7 nghìn USD và 3 nghìn USD. Trong đó, chỉ duy nhất có nhóm củ giảm 29,9% về kim ngạch, còn lại các nhóm khác đều tăng so với cùng kỳ 2009.

Nhóm rau tươi và rau chế biến tăng trưởng mạnh: Trong 6 tháng đầu năm 2010 có 15 loại rau tươi và chế biến được xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc, tăng 8 mặt hàng so với cùng kỳ 2009. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu ớt tươi đạt cao nhất với 2,6 triệu USD, tăng 19,9% so với cùng thời điểm 2009. Các sản phẩm ớt xuất khẩu sang thị trường này chủ yếu là ớt đỏ tươi và ớt chuông. Tiếp đến là bí ngô thái lát và sấy khô với kim ngạch đạt 268,8 nghìn USD, tăng 6,2%... .

Tiêu thụ các loại rau tươi tại Hàn Quốc tăng trung bình 20%/năm. Xu hướng tiêu dùng các loại rau tươi như hành lá, cải thảo, cà chua, đậu, khoai tây, tỏi…đang tăng nhanh do hiện nay người dân Hàn Quốc thích món ăn Salat và những món ăn mang phong cách phương Tây.

Khoảng 70% rau và quả tươi tại Hàn Quốc được bán thông qua khu vực bán lẻ. Hầu hết các công ty bán lẻ chính của Hàn Quốc đã phối hợp hoạt động kinh doanh một cách song song và bằng nhiều hình thức bán lẻ khác nhau nhằm đạt được hiệu quả kinh doanh cao nhất cả về phạm vi kinh doanh cũng như thị phần kinh doanh. Để có thể thâm nhập vào được hệ thống bán lẻ rau, quả tươi tại Hàn Quốc, nhà xuất khẩu rau hoa quả của Việt Nam phải tiếp cận được với một nhà nhập khẩu nào đó của Hàn Quốc vì chỉ có ít nhà bán lẻ có hoạt động nhập khẩu trực tiếp từ nước ngoài.

Xuất khẩu trái cây tươi và chế biến tăng nhẹ: Hiện nay kim ngạch xuất khẩu trái cây sang thị trường Hàn Quốc đang dần tăng lên, nhưng chủ yếu tăng về lượng và trị giá, còn chủng loại nhình chung vẫn chưa đa dạng. Có nhiều sản phẩm trái cây đặc trưng vẫn chưa được xuất khẩu sang thị trường này như thanh long, hồng xiêm, nhãn, na… Việc đưa các sản phẩm trái cây đặc trưng của Việt Nam xâm nhập thị trường Hàn Quốc sẽ phải mất một thời gian nữa, khi mà vấn đề liên quan đến kiểm dịch thực vật được giải quyết.
Tính đến thời điểm cuối tháng 6/2010, trái cây xuất khẩu sang thị trường này vẫn chủ yếu là dừa khô lột vỏ, dừa tươi, dứa các loại, chôm chôm, xoài, vải và một số loại trái cây chế biến như mít sấy khô, chuối sấy khô, và chanh dây cô đặc.

Trong nhóm trái cây xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc thì kim ngạch xuất khẩu dứa đạt cao nhất với 715,6 nghìn USD, giảm 12,2% so với cùng kỳ 2009. Sản phẩm dứa của Việt Nam hiện nay đang phải cạnh tranh mạnh mẽ với các sản phẩm cùng loại của Philippin. Philippin chiếm khoảng 25% thị phần rau quả của tại thị trường Hàn Quốc.
Tiếp đến là dừa các loại với kim ngạch đạt 152,2 nghìn USD, tăng 27,7% so với cùng kỳ 2009. Trong 6 tháng đầu năm 2010 đã xuất khẩu thêm được sản phẩm dừa tươi sang thị trường Hàn Quốc. Kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng này đạt 11,7 nghìn USD.

Đáng chú ý kim ngạch xuất khẩu xoài đông lạnh tăng rất mạnh trong 6 tháng qua, đạt 355,9 nghìn USD, tăng 219,3% so với cùng thời điểm 2009.

Xuất khẩu hoa, củ, lá, cây và các loại nước quả đạt mức tăng trưởng khá trong 6 tháng đầu năm 2010 với kim ngạch đạt hơn 1 triệu USD, tăng 25,4% so với cùng kỳ 2009. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu các loại nước quả như nước ổi, nước chuối, nước me, thạch đạt 598,2 nghìn USD, tăng 13,5% so với cùng thời điểm 2009. Kim ngạch xuất khẩu củ các loại đạt 136,9 nghìn USD, giảm 29,9%.

Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu hoa cúc tăng trưởng rất mạnh với 116 nghìn USD, tăng 316,3% so với cùng kỳ 2009. Ngoài ra, lần đầu tiên sản phẩm lá chanh cũng được xuất khẩu sang thị trường này với kim ngạch đạt 2,9 nghìn USD.

(Tinthuongmai.vn)

Nguồn: Internet