Đến tháng 11/2010, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm đồ gỗ Việt Nam đã đạt 3,037 tỷ USD, tăng 31% so với cùng kỳ năm trước và vượt mức kế hoạch năm 2010 (dự kiến 3 tỷ USD).

Phó chủ tịch Vietforest cho biết trong năm 2010, các thị trường xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam đều có mức phục hồi đáng kể so với năm 2009. Riêng xuất khẩu đồ gỗ vào thị trường Mỹ tăng trưởng tới 15%, ở EU con số này là khoảng 8%.

Hiện uất khẩu đồ gỗ của Việt Nam vào thị trường Mỹ rất mạnh, bất chấp khủng hoảng tài chính toàn cầu. Năm 2009, Mỹ nhập khẩu của Việt Nam 1 tỷ USD, năm 2010 đã đạt 1,1 tỷ USD và trở thành thị trường xuất khẩu đồ gỗ lớn nhất của Việt Nam.

EU là thị trường xuất khẩu gỗ lớn thứ 2 với kim ngạch xuất khẩu trong 2 năm gần đây đều đạt trên 750 triệu USD/năm. Năm 2010 đã đạt 504 triệu USD.

Tương tự, thị trường xuất khẩu gỗ vào Nhật trong tháng 6/2010 bị giảm đến 13% nhưng từ tháng 7 đến nay tăng mạnh, đặc biệt mặt hàng dăm gỗ tăng hơn 100%, các mặt hàng nội thất khác cũng đồng loạt tăng và chỉ trong 3 tháng qua, kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ vào Nhật tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước, hiện đã đạt 319 triệu USD. Hiện thị trường Nhật chiếm 20% trong tổng kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam.

Một tin đáng chú ý là, chỉ sau 10 năm hình thành và phát triển ngành kỹ nghệ đồ gỗ, đến nay cả nước đã có 191 nhà máy được cấp chứng nhận của Tổ chức Hội đồng quản trị rừng thế giới (FSC), dẫn đầu khu vực Đông Nam Á.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp của Việt Nam còn đáp ứng yêu cầu kỹ thuật khác như: tiêu chuẩn CARB, REACH, chứng nhận thử nghiệm sản phẩm phù hợp với tiêu chuẩn US, EU, JP.

Nhằm ngăn chặn việc khai thác gỗ và lâm sản bất hợp pháp, Liên minh châu Âu (EU) sẽ áp dụng Luật FLEGT (Forest Law Enforcement, Governance and Trade) vào năm 2012, buộc doanh nghiệp xuất khẩu gỗ phải tuân thủ nhiều tiêu chuẩn mới khi xuất khẩu sản phẩm sang thị trường này.

Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ NN&PTNT cho biết, hiện EU là thị trường xuất khẩu sản phẩm gỗ chủ chốt của Việt Nam nên nếu chúng ta không đáp ứng yêu cầu của Luật FLEGT về việc kê khai đầy đủ giấy tờ đảm bảo nguồn gỗ hợp pháp thì việc xuất khẩu vào thị trường này sẽ rất khó khăn.

Giám đốc Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam nhận định, hợp tác trong công tác đấu tranh với việc khai thác gỗ trái phép sẽ giúp các doanh nghiệp Việt nam có thể tiếp cận thị trường bằng cách tăng cung cấp lâm sản hợp pháp (từ 1/4/2010, đạo luật Lacey của Mỹ về cấm buôn bán gỗ và các sản phẩm gỗ có nguồn gốc bất hợp pháp chính thức có hiệu lực). Tuy nhiên, khi tuân thủ các quy định nói trên, giá gỗ nguyên liệu có thể tăng tới 30% và thời gian để có đủ lượng gỗ cần thiết sẽ phải kéo dài hơn. Do đó các doanh nghiệp cần chủ động hơn nữa trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Việt Nam hiện đứng trong 5 quốc gia hàng đầu thế giới về tăng diện tích rừng; thuộc Top 10 thế giới về xuất khẩu đồ gỗ. Hàng loạt các thay đổi về luật pháp, thẻ chế, chính sách phát triển lâm nghiệp của Việt Nam ngày càng phù hợp với thông lệ quốc tế.

Theo Vietfrost, năm 2011 nhu cầu của thị trường đối với sản phẩm gỗ của Việt Nam là rất lớn. Vì vậy, kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng này có thể đạt tới 4,1 – 4,2 tỷ USD, tăng khoảng 30% so với năm 2010.

Nguồn: Vinanet