189.000 tấn hoa quả đã được xuất qua các cửa khẩu Lạng Sơn trong 3 tháng đầu năm 2010 
189.000 tấn hoa quả đã được xuất qua các cửa khẩu Lạng Sơn trong 3 tháng đầu năm 2010 

Hàng năm cứ vào tháng 2,3 cảnh dưa hấu chất đống ngổn ngang rồi hư nát tại cửa khẩu Lạng Sơn cứ lặp đi lặp lại, gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp và khó khăn cho cơ quan quản lý.

Phó Cục trưởng Cục Hải quan Lạng Sơn cho biết, để phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu qua địa bàn, nhất là vào vụ cao điểm của xuất khẩu mặt hàng hoa quả, cơ quan hải quan đã phải bố trí cán bộ trực làm thủ tục thông quan giám sát hàng cả trong giờ nghỉ trưa, giờ buổi tối. Song cảnh hàng hóa ùn tắc vẫn kéo dài triền miên…

Chỉ riêng tại các cửa khẩu Lạng Sơn, số liệu thống kê cho thấy lượng hoa quả, nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc rất lớn và ngày một tăng. Ba tháng đầu năm 2010, chỉ riêng lượng hoa quả xuất khẩu qua các cửa khẩu trên địa bàn này đã đạt khoảng 189 nghìn tấn với kim ngạch trên 32 triệu USD; chiếm gần 30% kim ngạch xuất khẩu hoa quả cả nước.

Gia tăng về số lượng, phong phú về chủng loại, hoạt động xuất khẩu mặt hàng hoa quả, nông sản qua các cửa khẩu Lạng Sơn đã kéo theo số lượng phương tiện phục vụ xuất khẩu tăng theo. Theo số liệu thống kê, năm 2008, trung bình một ngày có 200 xe, thì năm 2009, trung bình một ngày lên tới 400 xe, và quý I năm nay là 300 xe/ngày, chủ yếu qua hai cửa khẩu Tân Thanh, Hữu Nghị. Đó là chưa kể các phương tiện vận chuyển hàng hóa khác lưu thông qua cửa khẩu theo loại hình tạm nhập tái xuất (trung bình khoảng 40 xe/ngày); phương tiện vận chuyển hàng hóa từ Trung Quốc sang Việt Nam và ô tô Việt Nam lên cửa khẩu vận chuyển hàng từ biên giới về nội địa (khoảng 200 xe/ngày). Với số lượng hàng và xe lớn như vậy, không chỉ cơ quan chức năng không làm xuể việc mà cơ sở hạ tầng, bến bãi cũng quá tải, không thể gánh nổi. Tại cửa khẩu Tân Thanh, khu kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu đã được mở rộng đến 18.000 m2 nhưng vẫn không đủ đáp ứng lưu lượng hàng hóa. Cảnh ùn tắc thường xuyên xảy ra, ảnh hưởng lớn đến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn, đặc biệt vào thời điểm dưa hấu thu hoạch rộ.

Điểm tồn tại từ nhiều năm nay trong hoạt động xuất khẩu mặt hàng hoa quả qua Lạng Sơn là, mặc dù lượng hàng hóa xuất khẩu rất lớn, nhưng hầu hết đều theo hình thức xuất biên giới (không ký các hợp đồng ngoại thương), buôn bán không theo thông lệ quốc tế. Các doanh nghiệp Việt Nam thường mang hàng lên biên giới làm thủ tục xuất hàng sang Trung Quốc rồi sau đó mới tìm đối tác để bán hàng nên không chủ động trong việc tiêu thụ hàng hóa. Với kiểu buôn bán nhỏ lẻ, trao tay này, hàng hóa Việt Nam thường xuyên rơi vào cảnh bị ép giá, thừa ế. Dưa hấu là mặt hàng điển hình. Vào mùa thu hoạch (tháng 2,3) dưa hấu từ miền Nam cứ ùn ùn đổ ra các cửa khẩu biên giới phía Bắc như Lào Cai, Lạng Sơn. Có những thời điểm hàng trăm xe dưa hấu ứ thừa không bán được xếp hàng dài hàng cây số trên biên giới rồi bị thối hỏng phải đổ bỏ. Thực tế này đã kéo dài nhiều năm.

Trước “thảm cảnh” hàng ùn, cửa khẩu tắc, ngoài đề xuất sớm được hỗ trợ đầu tư nâng cấp hạ tầng cơ sở khu vực cửa khẩu, Hải quan Lạng Sơn đã đưa ra nhiều kiến nghị liên quan đến hoạt động kinh doanh xuất khẩu mặt hàng này. Ở cấp quản lý, các bộ ngành có liên quan cần có sự phối hợp với các tỉnh có mặt hàng hoa quả xuất khẩu số lượng lớn như dưa hấu, thanh long, vải, na… để có kế hoạch xuất hàng theo các hợp đồng thương mại lớn, có sự điều tiết vào thời điểm thu hoạch rộ; có sự phối hợp, hoạch định chính sách thương mại lâu dài với phía Trung Quốc và kịp thời thông báo cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh nắm được những chính sách giữa hai bên khi có sự thay đổi hoặc diễn biến cụ thể của thị trường hàng hóa.

Về lâu dài, hoạt động xuất khẩu mặt hàng hoa quả tươi sang Trung Quốc cần có một Hiệp hội đứng ra để điều tiết, giải quyết thủ tục xuất khẩu theo hợp đồng ngoại thương, hướng dẫn doanh nghiệp tìm đối tác ký hợp đồng trước khi vận chuyển hàng hoá lên biên giới; tiến tới hàng hóa cần được phân loại, bảo quản, đóng gói, có nhãn mác, bao bì để bảo vệ thương hiệu…

Nguồn: Diễn đàn doanh nghiệp