Theo các nhà quan sát, lệnh cấm xuất khẩu dầu cọ của Indonesia sẽ khiến tất cả các loại dầu ăn chính bao gồm dầu cọ, dầu đậu tương, dầu hướng dương và dầu hạt cải tăng giá.
Trong năm nay, giá dầu thực vật hiện đã tăng gần 50% do tình trạng thiếu hụt nguồn cung dưới tác động của nhiều yếu tố từ tình trạng thiếu lao động tại Malaysia cho đến hạn hán ở Argentina và Canada. Đây là những nước xuất khẩu dầu đậu nành và dầu hạt cải lớn nhất.
Indonesia, nhà sản xuất và xuất khẩu dầu cọ hàng đầu thế giới, đã chặn xuất khẩu để giải quyết vấn đề giá nội địa đang tăng nhưng động thái này lại là nguyên nhân dẫn đến lạm phát lương thực đang gia tăng ở những nơi khác. Người tiêu dùng toàn cầu không có lựa chọn nào khác ngoài việc trả nhiều tiền hơn để mua dầu ăn sau khi lệnh cấm xuất khẩu dầu cọ bất ngờ của Indonesia buộc người mua phải tìm kiếm các lựa chọn thay thế.
Siegfried Falk, một nhà phân tích tại Oil World có trụ sở tại Hamburg, cho biết đây là tin xấu đối với người tiêu dùng dầu thực vật ở nhiều quốc gia hiện phụ thuộc nhiều vào dầu cọ do tình trạng khan hiếm dầu hướng dương, dầu hạt cải và dầu đậu nành.
Dầu cọ là loại dầu thực vật được sử dụng rộng rãi nhất trên thế giới, với nhiều loại sản phẩm từ bánh ngọt, sô cô la cho đến mỹ phẩm, trong đó chất tẩy rửa chiếm gần 60% các lô hàng dầu thực vật toàn cầu và Indonesia đóng góp khoảng một phần ba tổng lượng dầu thực vật xuất khẩu.
Đầu tháng 4/2022, cơ quan lương thực của Liên hợp quốc báo cáo giá lương thực đã tăng gần 13% trong tháng 3/2022 lên mức cao kỷ lục mới.
Indonesia thường cung cấp gần một nửa tổng lượng dầu cọ nhập khẩu của Ấn Độ, trong khi Pakistan và Bangladesh nhập khẩu gần 80% lượng dầu cọ của họ từ Indonesia. Hồi tháng 02/2022, giá dầu thực vật đã tăng lên mức cao kỷ lục do nguồn cung dầu hướng dương từ khu vực Biển Đen bị gián đoạn.