Đủ gói vay giá rẻ

Từ nay đến hết ngày 31/12, Ngân hàng An Bình (ABBank) công bố tung ra gói vay 2.500 tỷ đồng phục vụ các mục đích vay vốn như: Vay mua nhà/đất, xây/sửa nhà; mua ô tô; tiêu dùng có thế chấp; phục vụ sản xuất kinh doanh. Khách hàng có thể lựa chọn lãi suất linh hoạt từ 7,49%/năm đầu tiên hoặc lãi suất cố định 9,5%/năm.

“Những tháng cuối năm là cơ hội vàng cho thị trường bán lẻ. Chúng tôi tập trung đẩy mạnh mảng tín dụng cá nhân thông qua các gói ưu đãi vừa đáp ứng nhu cầu của khách, đồng thời hỗ trợ cho các hoạt động sản xuất kinh doanh đang vào mùa cao điểm”- bà Vũ Thu Hằng, Giám đốc khối khách hàng cá nhân ABBank nói.

Còn tại Seabank, trong 10 ngày nữa (hết 2/11), khách vay mua nhà, mua xe và tiêu dùng sẽ được hưởng lãi suất ưu đãi  tùy chọn từ 1%, 2%, 3%/năm đến mức tối đa  9,9%/năm. Tương tự, tại các nhà băng lớn như Vietcombank, Vietinbank, BIDV, MB, Techcombank đều sẵn sàng chi cả ngàn tỷ cho các gói vay ưu đãi doanh nghiệp xuất nhập khẩu, sản xuất kinh doanh, vay tiêu dùng và  đặc biệt cả vay BĐS. Mỗi nhà băng đều có điểm chung “dụ” khách vay bằng lãi suất thấp và cùng “chiêu” thủ tục vay nhanh gọn.

Số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến hết tháng 9/2015, tín dụng đối với nền kinh tế ước tăng 10,7% so với cuối năm 2014. Trong khi đó, tăng trưởng huy động chỉ ở mức 8,9%. Các ngân hàng đang có xu hướng đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng. Tỷ lệ cho vay/ huy động (LDR) tại một số ngân hàng do nhà nước nắm sở hữu chi phối tăng lên mức 94,1% so với mức 90% của năm ngoái. Tỷ lệ vốn huy động ngắn hạn cho vay dài hạn tăng lên mức 31,95%.

Chưa xuất hiện bong bóng đầu cơ

Vụ trưởng Vụ Các tổ chức tín dụng và Các ngành kinh tế (NHNN) Nguyễn Tiến Đông công nhận: Tín dụng đang tăng rất nhanh. Cụ thể, tính đến ngày 10/10, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đã vào khoảng 12%. Trong đó, khoảng 80% tín dụng được dành cho các lĩnh vực vay sản xuất, kinh doanh. “Năm nay dự kiến tín dụng tăng 15-17%. Về cơ bản, các tổ chức tín dụng đều trong trạng thái thanh khoản tốt, đáp ứng các nguồn cho vay đối ứng”, ông Đông nói.

Trả lời câu hỏi “vừa qua có dấu hiệu cho thấy dòng tiền ngân hàng “bơm” mạnh vào thị trường BĐS, liệu có e ngại về nguy cơ gây bong bóng?”, ông Đông cho biết, vừa rồi khi thấy NHNN có ý định cho kiểm tra rà soát lại cơ cấu vay nợ, một vài ngân hàng nhỏ có ý định vượt rào cho vay BĐS đã phải “phanh” ngay. “Thống kê của chúng tôi, hiện các ngân hàng cho vay BĐS  vẫn đảm bảo quy định cho vay chiếm khoảng 9% trong tổng dư nợ. Thị trường chưa xuất hiện bong bóng đầu cơ”, ông Đông khẳng định.

Tại Diễn đàn đầu tư mới đây tổ chức tại TPHCM, đại diện tâp đoàn VinaCapital cảnh báo, tăng trưởng tín dụng của Việt Nam hiện nay đã trên 10%, tạo đà rất lớn cho ngành BĐS phát triển “nóng”. “Tổng dư nợ cho vay tính đến cuối tháng 8/2015 vào khoảng 8,5%. Thị trường BĐS ấm lên, nhu cầu vay vốn tăng là điều đương nhiên”, TS  Cấn Văn Lực, Trường Đào tạo cán bộ BIDV nói.

Trên thực tế, có khá nhiều ngân hàng đang đổ vốn vào thị trường BĐS. Chẳng hạn, Maritime Bank vừa ký hết hợp tác, tài trợ vốn và bảo lãnh cho Dự án Grand Riverside; ACB, HDBank và OCB cùng tham gia bảo lãnh cho khách hàng mua nhà tại Dự án Jamona City, Techcombank tại Dự án Park Hill, HDBank với Dự án Celadon City... 

Theo Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) thuộc Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội, thị trường BĐS có sự tăng trưởng mạnh trong quý 3 và cả 9 tháng đầu năm. Thông tư 36/2014 của NHNN nới lỏng cho vay BĐS, giảm hệ số rủi ro từ 250% xuống 150%, đã tạo hiệu ứng tích cực. Sự hồi phục của thị trường bđs là tín hiệu tích cực với nền kinh tế. Tuy nhiên, VEPR lưu ý cần thận trọng với khả năng hình thành bong bóng tài sản do chính sách tiền tệ nới lỏng quá mức.

 


Theo Khánh Huyền
Tiền phong

Nguồn: Tiền phong