Ngày 16/10, Bộ Công Thương phối hợp với USAID GIG (Dự án quản trị Nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện của cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ) tổ chức tổng kết thực tiễn 10 năm triển khai Luật thương mại 2005.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, việc tổng kết thi hành Luật Thương mại 2005 đã được Chính phủ quy định trong chương trình xây dựng pháp luật giai đoạn 2014-2020. Bộ Công Thương đã làm việc với các cơ quan Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp nhằm tham vấn các đề xuất sửa đổi Luật này để hỗ trợ tốt hơn cho Việt Nam trong phát triển kinh tế và phù hợp với các cam kết của các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới.

Trong báo cáo tóm tắt tổng kết thực tiễn thi hành Luật Thương mại 2005, bà Trần Đỗ Quyên, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Công Thương đã nêu rõ một số vấn đề đặt ra trong thực hiện Luật Thương mại còn tồn tại.

Thứ nhất, trong hoạt động thương mại nội địa, tuy có bùng nổ về số lượng, chất lượng thương nhân, hàng hóa nhưng sự phát triển mạnh mẽ này có nhiều yếu tố tham gia của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Cụ thể, trong lĩnh phân phối hàng hóa hiện đại, các siêu thị, đại siêu thị, trung tâm thương mại, doanh nghiệp có vốn FDI có số lượng không nhiều nhưng lại chiếm tỉ trọng rất lớn và ngày càng tăng.

Hơn nữa, với chiến lược kinh doanh chấp nhận lỗ lớn trong thời gian dài cộng với những thủ thuật chuyển giá tinh vi, các cơ sở phân phối này mặc dù liên tục báo lỗ và gần như không phải thực hiện nghĩa vụ thuế. Tuy vậy, các chuỗi cơ sở bán lẻ này lại liên tục mở rộng, dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh với doanh nghiệp phân phối trong nước.

Tâm lý chuộng nhà đầu tư nước ngoài hơn nhà đầu tư trong nước trong lĩnh vực thương mại, không tuân thủ quy hoạch của địa phương cũng là rào cản không nhỏ cho các nhà đầu tư nội địa.

Thứ hai, hoạt động quản lý, định hướng hoạt động xuất nhập khẩu, nhất là quản lý nhập khẩu còn lúng túng.

Thứ ba, các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại diễn ra ngày càng phức tạp, khó lường.

Thứ tư, một số phương thức hoạt động thương mại mới đang hình thành và phát triển nhưng cơ sở pháp lý cho hoạt động này còn thấp hoặc chưa cụ thể mà chủ yếu nằm ở các văn bản dưới Luật. Điều này đặt ra nhu cầu cần thiết nghiên cứu, bổ sung các quy định khả thi, cần thiết vào Luật Thương mại nhằm tạo cơ sở pháp lý cao, đồng bộ cho các hoạt động này.

Bà Quyên cho biết, Bộ Công Thương kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng xem xét quyết định việc nghiên cứu, trình dự án Luật Thương mại sửa đổi trong năm 2017 và thông qua vào năm 2018.

 

Một số định hướng nội dung được nghiên cứu, điều chỉnh trong Luật Thương mại 2005 sửa đổi cũng được đại diện Bộ Công Thương nêu ra.


Cụ thể, đó là chính sách hỗ trợ thương mại của Nhà nước đối với khu vực vùng sâu vùng xa, hải đảo; Chính sách hỗ trợ việc xây dựng hạ tầng thương mại trên phạm vi cả nước; Bổ sung quy định cụ thể về một số phương thức mua bán hàng hóa, phân phối hàng hóa, lưu thông hàng hóa trong nước.

Điều chỉnh một số khái niệm cho phù hợp với cam kết quốc tế cũng như trong thực tiễn hoạt động thương mại; Điều chỉnh nội dung quy định về xuất xứ hàng hóa cho phù hợp với thực tiễn cũng như cam kết quốc tế; Rà soát sửa đổi các nội dung liên quan đến nguyên tắc, hợp đồng, đấu giá và một số nội dung khác để phù hợp với quy định của dự án Bộ Luật dân sự, Luật đấu giá tài sản và các điều ước quốc tế dự kiến gia nhập, ký kết.

Cùng với Luật Thương mại sửa đổi, Bộ Công Thương đang thực hiện soạn thảo dự án Luật Quản lý ngoại thương, dự kiến trình Chính phủ vào tháng 5/2016.

Về các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thương mại, Bộ Công thương cho biết xây dựng mới Nghị định về hàng hóa, dịch vụ, địa bàn độc quyền nhà nước trong lĩnh vực thương mại sẽ gửi Bộ Tư pháp thẩm định trong tháng 10/2015 và trình Chính phủ đầu tháng 11/2015.

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng kiến nghị sửa đổi, bổ sung một số Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết thực hiện Luật Thương mại. Đó là Sửa đổi Nghị định về cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh; Thay thế Nghị định quy định về văn phòng đại diện, chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam; Thay thế Nghị định về hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Thay thế Nghị định về hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, hàng hóa dịch vụ hạn chế kinh doanh, hàng hóa dịch vụ kinh doanh có điều kiện; Thay thế Nghị định về hoạt động xúc tiến thương mại; Rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Nghị định về điều kiện kinh doanh dịch vụ Logistic và giới hạn trách nhiệm đối với thương nhân kinh doanh dịch vụ logistic.

Hải Yến