Phát biểu tại hội thảo, tiến sỹ Cấn Văn Lực, hàm Phó Tổng giám đốc BIDV cho biết, tại Việt Nam, theo lộ trình đã cam kết đến năm 2018, Việt Nam phải mở cửa hơn trong ngành ngân hàng, bảo hiểm và thị trường vốn. Nhiều ngân hàng thương mại của các nước khối TPP đã có hiện diện thương mại ở hầu hết các nước trong khối, với nỗ lực mở rộng cơ hội đầu tư ra ngoài lãnh thổ, phục vụ cộng đồng doanh nghiệp và thúc đẩy quan hệ thương mại, đầu tư, du lịch giữa các nước thành viên. Xu hướng này sẽ tiếp tục tăng lên khi TPP chính thức có hiệu lực.
"Các định chế tài chính lớn như BIDV sẵn sàng đồng hành cùng doanh nghiệp bằng việc cung ứng các sản phẩm-dịch vụ mang tính hội nhập cao như tín dụng, tài trợ xuất nhập khẩu, thuê mua tài chính, thanh toán quốc tế, bảo lãnh, kinh doanh ngoại tệ, bảo hiểm, chứng khoán và phái sinh chứng khoán và hàng hóa," ông Lực nhấn mạnh.
Ông Lực cũng đưa ra khuyến nghị đối với các định chế tài chính như cải cách thủ tục hành chính; nâng cao chất lượng dịch vụ, đưa chất lượng dịch vụ tương đương khu vực; tiếp tục đổi mới công nghệ, tạo ra nhiều sản phẩm-dịch vụ hiện đại phục vụ cho các hoạt động xuất-nhập khẩu, đầu tư, ngân hàng bán lẻ; nâng cao khả năng hội nhập, mở rộng màng lưới và tăng cường kết nối với hệ thống định chế tài chính trong khu vực và trên thế giới; nghiên cứu sâu các FTAs nhằm tư vấn cho doanh nghiệp về mô hình hoạt động, chiến lược kinh doanh, xúc tiến đầu tư-thương mại, quản lý rủi ro.
Ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại cũng nhấn mạnh rằng, để tận dụng được cơ hội lợi thế khi tham gia TPP, các doanh nghiệp trong nước phải tạo lập được mối liên kết với nhau và giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài trong một chuỗi giá trị. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng phải quan tâm phát triển công nghệ thông tin, không chỉ là công cụ trong quản lý và hoạt động kinh doanh mà phải coi công nghệ thông tin là một nền tảng của phương thức phát triển mới.
"Doanh nghiệp cần hiểu rằng kinh doanh là một nghề phải chấp nhận mạo hiểm trên cơ sở thu thập và xử lý đầy đủ thông tin, khả năng tư duy để có quyết định chính xác. Nhưng dù có thu thập và xử lý tốt thông tin đến đâu và dù khả năng tư duy có mạnh đến đâu cũng không thể dự báo hết mọi sự biến động do phát triển của thế giới ngày nay là phi tuyến và tính bất định của thị trường. Vì vậy cần có cơ chế phòng ngừa rủi ro," ông Tuyển cũng lưu ý các doanh nghiệp.
BIDV được xem là định chế tài chính tiên phong và duy nhất tổ chức hội thảo quốc tế về TPP nhằm hỗ trợ, đồng hành cùng khách hàng trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là trong bối cảnh Chính phủ Việt Nam coi doanh nghiệp là động lực phát triển.
Hiện BIDV có quan hệ với gần 1.700 định chế tài chính tại hơn 120 quốc gia và vùng lãnh thổ, có các liên doanh với các định chế tài chính của Lào, Nga, Hoa Kỳ, với các hiện diện thương mại hoạt động tại Lào, Campuchia, Myanmar (sắp tới sẽ mở chi nhánh tại Myanmar), Séc, Nga, Đài Loan.
Bên cạnh đó, BIDV cũng giữ vai trò đặc biệt là Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư Việt Nam vào Lào, Campuchia và Myanmar.
Nguồn: Thúy Hà/Vietnamplus.vn