Dầu cọ
Giá dầu cọ kỳ hạn tháng 8/2021 trên sàn Bursa Malaysia đóng cửa phiên 02/6/2021 tăng 202 ringgit, tương đương 5,19% lên 4.093 ringgit (992,72 USD)/tấn.
Giá kỳ hạn này tiếp tục tăng 132 ringgit, tương đương 3,23% lên 4.223 ringgit (1.024,5 USD)/tấn khi mở cửa phiên giao dịch sáng nay 03/6/2021 – cao nhất kể từ ngày 20/5/2021.
Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho biết, nông dân nước họ đã dự kiến trồng 84% diện tích đậu tương, thấp hơn so với ước tính trung bình 87% trong một cuộc khảo sát của Reuters.
Trên sàn Đại Liên, đóng cửa phiên 02/6, giá dầu đậu tương tăng 2,7% còn giá dầu cọ tăng 3,3%. Trên sàn Chicago, giá đậu tương tăng 2%. Mở cửa phiên 03/6, giá dầu đậu tương tăng thêm 3,9% và giá dầu cọ tăng 5,4% trên sàn Đại Liên. Cũng trong phiên này, trên sàn Chicago, giá dầu đậu tương tăng 1,6% lên mức cao nhất trong 10 năm.
Giá dầu cọ chịu ảnh hưởng bởi giá của các loại dầu có liên quan khi cạnh thị phần trên thị trường dầu thực vật toàn cầu.
Dầu cọ có thể phá vỡ ngưỡng kháng cự 4.132 ringgit/tấn và tăng lên mức 4.282 ringgit/tấn, theo nhà phân tích kỹ thuật Wang Tao của Reuters.
Gia dau co Malaysia
Nguồn cung dầu cọ ở Malaysia và Indonesia được dự kiến bị thắt chặt. Tồn kho cọ của Malaysia có thể sụt giảm hoặc không đổi so với tháng 4/2021 và sau đó sẽ tăng đều đặn từ tháng 6 trở đi, Paramalingam Supramaniam - Giám đốc công ty môi giới Pelindung Bestari có trụ sở tại Selangor, cho biết.
Refinitiv Commodities Research duy trì dự báo sản lượng vụ 2020/21 của nhà sản xuất hàng đầu Indonesia ở mức 46,8 triệu tấn, bất chấp sự thụt lùi gần đây do điều kiện thời tiết bất lợi và ngày làm việc ít hơn trong tháng 5 so với tháng 4.
Sản lượng của Malaysia trong vụ 2020/21 đạt 18,8 triệu tấn, thấp hơn 1% so với ước tính trước đó của Reuters.
Việc tăng giá dầu cọ bị hạn chế bởi kỳ vọng tiêu thụ nội địa giảm, do tình trạng đóng cửa đất nước nhằm ngăn chặn đại dịch kéo dài hai tuần, với xuất khẩu chậm trễ trong tháng 5 càng làm ảnh hưởng đến triển vọng nhu cầu.
Đường
Kết thúc phiên giao dịch 02/6, đường thô kỳ hạn tháng 7/2021 trên sàn ICE thay đổi nhẹ ở mức 17,68 US cent/lb, sau khi đạt mức cao nhất gần 1 tháng ở 17,93 US cent/lb lúc đầu phiên giao dịch.
Các đại lý cho rằng, đường sẽ vẫn vững giá trong bối cảnh tâm lý tích cực trên các thị trường tài chính lớn và lo ngại về hạn hán tại nước sản xuất hàng đầu – Brazil.
Theo đề xuất của chính phủ Ấn Độ, khả năng từ năm 2023 – 2025, các công ty nhiên liệu bán xăng chứa tới 20% ethanol (E20). Điều này khiến cổ phiếu của các nhà sản xuất đường tăng từ 3 – 5%.
Ấn Độ là nhà sản xuất đường lớn thứ hai thế giới và cũng là một trong những nước tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới. Việc Ấn Độ chuyển sang sử dụng ethanol được coi là để cắt giảm lượng đường xuất khẩu dư thừa trong nước và tăng giá toàn cầu. Động thái này sẽ giúp Ấn Độ giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu dầu thô đắt đỏ.
Năm 2020, Ấn Độ cũng đã đưa ra mục tiêu trộn 10% ethanol vào xăng trong năm 2022. Cuối năm 2020, nội các Ấn Độ đã công bố kế hoạch thu hút khoảng 400 tỷ rupee (tương đương 5,5 tỷ USD) đầu tư tư nhân để mở rộng sản xuất ethanol từ đường và ngũ cốc trong nước.
Đường trắng kỳ hạn tháng 8/2021 trên sàn London giảm 0,4 USD, tương đương 0,1% xuống 464,5 USD/tấn.

Nguồn: VITIC/Reuters