Tại miền Bắc
Tại Yên Bái, Hà Nam, Thái Nguyên giá lợn hơi tăng 1.000 - 2.000 đồng/kg lên 85.000 đồng/kg; tại Phú Thọ lại giảm 2.000 đồng/kg xuống 84.000 đồng/kg; các địa phương còn lại không thay đổi so với hôm qua; tại Hưng Yên, Hà Nội giá lợn cao nhất cả nước 86.000 đồng/kg; tại tỉnh Nam Định, Bắc Giang, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Lào Cai ở mức 84.000 - 85.000 đồng/kg; Ninh Bình, Thái Bình 83.000 đồng/kg. Như vậy, giá lợn hơi hôm nay tại miền Bắc dao động 83.000 - 86.000 đồng/kg.
Tại miền Trung - Tây Nguyên
Tại tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Nam, Bình Định giá lợn hơi ở mức 83.000 đồng/kg và 84.000 đồng/kg; các địa phương như Đắk Lắk, Quảng Ngãi, Ninh Thuận, Bình Thuận, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Huế, Quảng Bình, Khánh Hòa, Lâm Đồng 81.000 - 82.000 đồng/kg. Như vậy, giá lợn hơi hôm nay tại miền Trung - Tây Nguyên dao động 81.000 - 84.000 đồng/kg.
Tại miền Nam
Tương tự miền Bắc, giá lợn hơi hôm nay tại miền Nam cũng tăng so với hôm qua. Cụ thể, tại Vĩnh Long, Bình Phước đồng loạt tăng 2.000 đồng/kg lên 82.000 đồng/kg và 83.000 đồng/kg; tại An Giang tăng nhẹ 1.000 đồng/kg lên 81.000 đồng/kg; các địa phương như Bình Dương, TP Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Đồng Nai, Long An, Tây Ninh, Vũng Tàu giá ổn định ở mức 82.000 - 83.000 đồng/kg; tại Kiên Giang, Hậu Giang, Bến Tre, Cà Mau, Đồng Tháp, Cần Thơ, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh 80.000 - 81.000 đồng/kg. Như vậy, giá lợn hơi hôm nay tại miền Nam dao động 80.000 - 83.000 đồng/kg.
Theo thường lệ, nhu cầu tiêu thụ thịt lợn trong tháng cận Tết và sau Tết sẽ tăng mạnh, kéo theo giá lợn hơi sẽ có xu hướng tăng trong giai đoạn này. Bên cạnh đó, thị trường năm nay hiện vẫn thiếu hụt nguồn cung do ngành chăn nuôi gặp nhiều khó khăn từ dịch COVID-19, dịch tả lợn châu Phi, bão lũ tại miền Trung... khiến giá lợn hơi từ nay đến Tết Nguyên đán khó giảm.
Do đó, để đảm bảo nguồn cung ứng cũng như giá thành ổn định cho thị trường Tết Tân Sửu năm 2021, nhiều đơn vị đã chuẩn bị nguyên liệu từ sớm cũng như kế hoạch tăng cường sản lượng hàng hóa đưa ra thị trường ngày từ những tháng trước Tết.

Theo Vietnambiz, Công ty Cổ phần Việt Nam Kỹ Nghệ Súc Sản (Vissan) đã chuẩn bị nguyên liệu từ tháng 6/2020 và liên kết với các nhà cung cấp khác để đáp ứng đầy đủ nhu cầu của thị trường. Vissan đã xây dựng kế hoạch cung ứng ra thị trường trên 7.500 tấn hàng hóa, tổng giá trị hàng hóa dự trữ là 900 tỷ đồng, tăng 11% so với Tết Canh Tý 2020. Theo ông Nguyễn Đăng Phú, Phó Tổng giám đốc Vissan, nguồn cung thịt lợn trong dịp Tết sẽ đảm bảo đầy đủ, dự kiến Vissan sẽ cung ứng ra thị trường hơn 2.500 tấn thịt lợn tươi sống, tăng 5% so với cùng kỳ với mức giá ổn định, không tăng giá bán trước và sau tết theo chương trình bình ổn được Thủ tướng phê duyệt. Vissan sẽ khuyến mãi giảm giá các sản phẩm chế biến và tươi sống 5 - 10% tại các điểm bán sản phẩm của công ty trong những ngày cận Tết để phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng.

Tập đoàn Masan cũng dự kiến tăng công suất chế biến thịt lợn lên 10 lần để đảm bảo nguồn cung ra thị trường, giảm thiểu tối đa tình trạng khan hàng, cháy hàng thịt lợn trong dịp Tết. Masan đã tăng cường công suất hai tổ hợp chế biến thịt mát MeatDeli tại Hà Nam và Long An để đạt sản lượng dự kiến gồm 1.577 tấn thịt tươi và 280 tấn thịt chế biến; đồng thời phối hợp cùng nhà cung cấp, nhà sản xuất đảm bảo giá thành thịt lợn tại thời điểm trước trong và sau Tết đều như giá chung của thị trường, không có hiện tượng đội giá.
Không chỉ doanh nghiệp sản xuất, các doanh nghiệp phân phối cũng bắt đầu triển khai nhiều chương trình bình ổn giá thịt lợn với cam kết cung cấp nguồn thịt lợn chất lượng và bình ổn giá trực tiếp đến người tiêu dùng, như hệ thống siêu thị GO!, Big C thuộc Tập đoàn Central Retail đã triển khai chương trình bán thịt lợn tươi không lợi nhuận, áp dụng từ đầu tháng 1 đến hết tháng 2/2021, với các sản phẩm thịt lợn tươi như thịt ba rọi, thịt vai, thịt đùi, thịt cốt lết…
Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP HCM - Saigon Co.op đã chuẩn bị xong lượng hàng hóa thiết yếu như gạo, đường, dầu ăn, thịt lợn, thịt gia cầm,... để phục vụ trọn 3 tháng trước, trong và sau Tết Tân Sửu với tổng giá trị lên đến gần 5.000 tỷ đồng, tăng gần 20% so với năm ngoái.
Trước đó, tại cuộc họp báo cung cấp thông tin nguồn cung nông sản thực phẩm chất lượng an toàn phục vụ Tết Tân Sửu và lễ hội xuân 2021 ngày 14/1/2021, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, dự kiến từ nay đến Tết Nguyên đán Tân Sửu, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi nhất là thịt, trứng sẽ tăng lên từ 5 - 10% so với bình quân. Cụ thể, nhu cầu thịt các loại khoảng 250.000 – 350.000 tấn/tháng; khoảng 1 – 1,1 tỷ trứng gia cầm,….
Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Văn Trọng cho rằng: ”Với việc duy trì ổn định đàn gia súc, gia cầm, tình hình tái đàn đạt kết quả tốt và tình hình dịch bệnh được kiểm soát chặt chẽ, thị trường về cơ bản ổn định, cân đối cung – cầu đảm bảo, đến thời điểm này có thể cam kết đảm bảo nguồn cung thực phẩm sẽ không thiếu hụt, giá thịt lợn sẽ tăng nhưng không đột biến”.
Bên cạnh nguồn cung thịt các loại, sản lượng thủy sản năm 2020 đạt khoảng 8,4 triệu tấn, tăng gần 2% so với năm 2019, cũng sẽ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước kể cả dịp Tết Tân Sửu và Lễ hội Xuân 2021.

Nguồn: VITIC