Giá trị giao dịch toàn Sở phục hồi trở lại mức trung bình của tuần trước, lên hơn 4.500 tỉ đồng. Trong đó, nhóm nông sản vẫn chiếm khoảng 40% tổng giá trị.
Khô đậu bất ngờ là mặt hàng tăng mạnh nhất nhóm đậu tương khi tình hình đình công tại Argentina nhiều khả năng sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung toàn cầu.
Theo hãng tin Reuters, những người đứng đầu công đoàn giao thông vận tải lớn của Argentina đang kêu gọi cuộc đình công toàn quốc để yêu cầu tăng giá cước vận chuyển ngũ cốc do chi phí nhiên liệu tăng cao. Nếu tình trạng đình công xảy ra, việc xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của Argentina như khô đậu và đậu tương sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng do chuỗi cung ứng bị đứt gãy.
Đối với đậu tương, hiệp hội xuất khẩu ngũ cốc Brazil (ANEC) vừa dự báo xuất khẩu đậu tương tháng 4 của Brazil đạt mức 11,12 triệu tấn, thấp hơn mức 12,96 triệu tấn trong tháng trước và mức 17,40 triệu tấn trong cùng kỳ năm ngoái. Việc xuất khẩu Brazil suy giảm là yếu tố hỗ trợ mạnh cho giá đậu tương trong phiên vừa rồi.
Tuy nhiên, tâm điểm của thị trường nông sản trong phiên hôm qua là mức tăng rất mạnh hơn 3% của lúa mì Chicago và hơn 4% của lúa mì Kansas. Trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị ở khu vực Biển Đen chưa có dấu hiệu kết thúc, chất lượng lúa mì vụ đông tại Mỹ bất ngờ giảm mạnh trong báo cáo Crop Progress đầu tiên của năm 2022 về mức 30% tốt – tuyệt vời, thấp hơn rất nhiều so với mức dự đoán của thị trường và cùng kỳ năm ngoái.
Đà tăng mạnh của lúa mì cũng giúp cho ngô tăng hơn 1%. Xuất khẩu ngô trong tháng 04 của Brazil được Anec dự báo ở mức 60.000 tấn, thấp hơn mức 103.278 tấn trong tháng trước, cũng góp phần gây ra lo ngại về nguồn cung.
Giá nông sản tăng mạnh tác động rất lớn đến giá thức ăn chăn nuôi nhập khẩu vào Việt Nam. Kết hợp với nhu cầu tiêu thụ thịt tăng lên, giá heo hơi hôm nay vẫn nằm trong xu hướng tăng rải rác trên cả ba miền bắc, trung, nam.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)