NÔNG SẢN
Đậu tương đóng cửa tăng nhẹ 0.21%, nhờ hỗ trợ từ các đơn hàng nhập khẩu của Trung Quốc trong hai ngày qua đã giảm bớt lo ngại triển vọng nhu cầu ở nước này sẽ giảm xuống.
Dầu đậu tương nối dài chuỗi giảm giá do ảnh hưởng từ diễn biến giảm của giá dầu cọ khi tốc độ xuất khẩu chậm hơn trong tháng 8. Giá khô đậu tương tăng lên nhờ tác động trái chiều với dầu đậu tương.
Giá ngô đã tăng hơn 1% sau 2 phiên giảm nhẹ nhờ có số liệu khá tích cực từ báo cáo Export Sales. Doanh số bán hàng ngô niên vụ 2021/22 đạt mức 830,164 và tăng gần 60% so với tuần trước đó. Đây là lí do mà lực mua đã tăng liên tục ngay khi mở cửa phiên tối.
Lúa mì tiếp nối chuỗi 3 phiên giảm liên tục do số liệu bán hàng trong tuần tương đối đáng thất vọng. Xuất khẩu lúa mì niên vụ 2021/22 trong tuần kết thúc ngày 29/07 chỉ đạt 308.300 tấn, giảm 40% so với tuần trước khiến mức bán hàng luỹ kế trong 2 tháng đầu niên vụ cũng có khởi đầu chậm chạp.

NGUYÊN LIỆU CÔNG NGHIỆP
Giá Arabica tăng 0.7% lên 176.9 cents/pound, trong khi giá Robusta tiếp tục giảm 0.3% còn 1764 USD/tấn. Nhìn chung, thị trường Cà phê không có biến động quá lớn, bởi các nhà đầu tư chưa có đủ động lực mua vào và làm cho giá bứt phá. Biên độ đi ngang đang được hình thành ở cả hai thị trường. Giá Arabica được dự đoán sẽ dao động từ 170 – 180 cents, còn khoảng giao dịch của Cà phê Robusta có thể là 1750 – 1800 USD/tấn. Nhiều khả năng, phải hết tuần này, thị trường Cà phê mới có thể được giao dịch sôi động hơn.

KIM LOẠI
Giá Bạc giảm 0.67% còn 25.29 USD/ounce. Trong khi đó, Bạch kim có phiên thứ 3 liên tiếp giảm mạnh và đóng cửa ở mức 1006 USD/ounce, đây là mức giá thấp nhất kể từ tháng 12/2020. Số đơn xin đề nghị trợ cấp thất nghiệp lần đầu được công bố hôm qua giảm nhưng vẫn cao hơn mức dự đoán của giới chuyên môn không đủ để vực dậy niềm tin của các nhà đầu tư kim loại quý, sau các tín hiệu thắt chặt liên tiếp đến từ các quan chức của FED. Việc thị trường lao động có dấu hiệu khởi sắc góp phần củng cố thêm cho giá trị của đồng USD và gây sức ép lên nhóm kim loại quý.
Ở thị trường kim loại cơ bản, giá Đồng tăng nhẹ 0.35% lên 4.35 USD/pound. Sau 4 phiên liên tiếp giảm mạnh làm bốc hơi hơn 4% giá trị của Đồng, mức tăng của hôm qua nhiều khả năng là sự điều chỉnh nhẹ, trước khi giá Đồng tiếp tục suy yếu. Các số liệu công nghiệp toàn cầu trong tháng 7 tiêu cực và sự hồi phục chậm hơn ở Trung Quốc và Mỹ khiến giới đầu tư có phần thiếu lạc quan về triển vọng tiêu thụ của kim loại này trong thời gian sắp tới. Bên cạnh đó, biến thể Delta đã làm bùng phát dịch bệnh trên toàn cầu và khiến cho tổng số ca nhiễm vượt mức 200 triệu ca cũng làm cho nhiều nước phải tái giãn cách trở lại khiến cho các hoạt động sản xuất lại rơi vào trạng thái bị trì hoãn. Do đó, nhiều khả năng giá Đồng sẽ tiếp tục gặp nhiều sức ép trong ngắn hạn.
Giá Quặng sắt tiếp tục giảm mạnh gần 5% về 173.6 USD/tấn, trong bối cảnh thị trường thép nội địa của Trung Quốc vẫn ở trong trạng thái ảm đạm trước các biện pháp giới hạn sản xuất của Bắc Kinh. Giá Quặng sắt kỳ hạn tháng 9 trên sàn Đại Liên cũng giảm 5.6% còn 154.54 USD/tấn, mức thấp nhất kể từ ngày 27/5.
Tong hop dien bien thi truong
NĂNG LƯỢNG
Kết thúc phiên giao dịch, giá WTI tăng 1.38% lên 69.09 USD/thùng, giá Brent tăng 1.29% lên 71.29 USD/thùng.
Số mũi tiêm vắc-xin COVID-19 trong ngày hôm qua tại Mỹ tăng lên mức 864,000 liều, cao nhất kể từ đầu tháng 7. Trên thị trường chứng khoán, các nhà đầu tư dần lấy lại tự tin về nền kinh tế Mỹ với tỷ lệ tiêm chủng tăng lên và sự phục hồi của thị trường lao động với số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tiếp tục giảm. Điều này thúc đẩy một bộ phận giới đầu tư quay lại thị trường dầu khi kỳ vọng chung về các yếu tố vĩ mô cải thiện, thể hiện qua đà tăng của thị trường chứng khoán.
Ngoài ra, căng thẳng tại khu vực Trung Đông tăng dần lên khi Israel đáp trả các cuộc tấn công tên lửa đến từ Lebanon – khu vực được Iran hậu thuẫn sẽ khiến cho xác suất thành công của đàm phát hạt nhân Mỹ - Iran trở nên thấp hơn. Điều này làm giảm khả năng Iran quay trở lại xuất khẩu dầu trong năm nay, giảm áp lực nguồn cung gia tăng.

Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)