Trên thị trường năng lượng, giá dầu kết thúc phiên tăng khoảng 1% lên mức cao nhất 3 tuần, tiếp tục xu hướng đi lên sau khi Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, hay còn gọi là OPEC+, nhất trí thắt chặt nguồn cung toàn cầu với thỏa thuận cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng dầu/ngày, mức cắt giảm sản lượng lớn nhất của tổ chức này kể từ năm 2020.
Kết thúc phiên, giá dầu thô Brent tăng 1,05 USD hay 1,1% lên 94,42 USD/thùng; dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 69 US cent hay 0,8% lên 88,45 USD/thùng, sau khi đóng cửa phiên liền trước tăng 1,4%.
Thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC+ được đưa ra trước lúc Liên minh châu Âu (EU) ban hành các lệnh cấm vận dầu Nga và sẽ làm thắt chặt nguồn cung vốn đã eo hẹp, qua đó làm gia tăng lạm phát.
Phó chủ tịch cấp cao của công ty dịch vụ dầu khí Rystad Energy (Na Uy), Jorge Leon, cho biết giá dầu sẽ chịu tác động đáng kể sau những biện pháp được thông báo; giá dầu Brent có thể chạm mức 100 USD/thùng vào tháng 12/2022 tới, so với dự đoán 89 USD/thùng trước đó.
Sau quyết định của OPEC+, ngân hàng Goldman Sachs (Mỹ) đã nâng dự báo giá dầu Brent năm 2022 lên 104 USD/thùng so với mức 99 USD/thùng trước đó, và dự báo giá dầu Brent năm 2023 tăng từ 108 USD/thùng lên 110 USD/thùng.
Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia, Abdulaziz bin Salman, cho biết mức cắt giảm nguồn cung thực tế sẽ vào khoảng 1 triệu đến 1,1 triệu thùng dầu/ngày. Thị phần cắt giảm của Saudi Arabia là khoảng 500.000 thùng/ngày. Trong khi đó, trả lời hãng thông tấn Kuwait (KUNA), Bộ trưởng Dầu mỏ Iraq Ihsan Abdul Jabbar cho rằng động thái của OPEC+ được đưa ra do sản lượng dư thừa. Trên thực tế, một số nước thành viên của OPEC+ đang gặp khó khăn với việc sản xuất theo hạn ngạch do ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt và thiếu đầu tư.
Giám đốc phụ trách năng lượng kỳ hạn tại Mizuho ở New York, Bob Yawger, cho biết có thể Saudi Arabia, Các tiểu Vương quốc Arập thống nhất (UAE), Kuwait và Kazakhstan sẽ cắt giảm sản lượng theo hạn ngạch riêng, còn các nước khác lại không hành động như vậy.
Việc cắt giảm sản lượng diễn ra trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và các ngân hàng trung ương khác đang tăng lãi suất để chống lạm phát. John Kilduff, đối tác tại công ty quản lý tài sản Again Capital LLC ở New York, cho biết giá dầu cao hơn có thể sẽ làm giảm nhu cầu, điều này có thể hạn chế mức tăng giá của dầu.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng giảm do lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ và đồng USD mạnh lên trong khi các nhà đầu tư đang chờ đợi số liệu việc làm của Mỹ, được cho là có thể ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ của Fed.
Kết thúc phiên, giá vàng giao ngay giảm 0,2% xuống 1.712,19 USD/ounce; vàng giao sau vững ở mức 1.720,8 USD/ounce.
Chỉ số đồng USD đã tăng khoảng 1%, khiến vàng được giao dịch bằng đồng bạc xanh trở nên đắt đỏ hơn cho những người nắm giữ đồng tiền khác. Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm cũng ở mức cao.
Chiến lược gia hàng hóa của TD Securities, Ryan McKay, cho biết thị trường đang chờ đợi báo cáo việc làm quan trọng của Mỹ dự kiến công bố ngày 7/10 và một vài số liệu lạm phát sẽ được công bố trong tuần tới. Đây đều là những chỉ dấu quan trọng để xác định hướng đi sắp tới của vàng, trong khi chờ đợi cuộc họp tiếp theo của Fed.
Báo cáo việc làm trong lĩnh vực phi nông nghiệp tháng 9/2022 của Bộ Lao động Mỹ sẽ được công bố ngày 7/10, nối tiếp báo cáo việc làm tốt hơn dự kiến đưa ra hôm 5/10 của công ty phân tích tư nhân ADP. Ông McKay cho hay nếu có thêm một dấu hiệu kinh tế tích cực khác, nó có thể gây sức ép cho vàng vì điều này sẽ củng cố quan điểm của Fed trong việc giữ lập trường chính sách thắt chặt lâu hơn một chút.
Chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) trong lĩnh vực phi chế tạo của Viện quản lý nguồn cung (ISM) cũng cao hơn một chút so với kỳ vọng, cho thấy sức mạnh tiềm ẩn của nền kinh tế mặc dù lãi suất tăng. Số liệu lạc quan và các bình luận quyết đoán từ Chủ tịch chi nhánh Fed tại San Francisco Mary Daly ngày 5/10 đã làm giảm hy vọng về một sự xoay trục chính sách.
Thị trường vàng khá nhạy cảm với lãi suất tăng, vì điều này làm tăng chi phí cơ hội nắm giữ tài sản không sinh lời như vàng.
Nhà phân tích cấp cao của công ty dịch vụ tài chính OANDA, Edward Moya, cho biết vàng cần chứng kiến nền kinh tế Mỹ sụt giảm mạnh và giá vàng sẽ giao dịch ở mức thấp trước khi bật tăng. Theo ông Edward Moya, giá vàng có thể giao dịch trong khoảng 1.680 -1.740 USD/ounce trước khi thị trường có được báo cáo việc làm trong lĩnh vực phi nông nghiệp và lạm phát mới nhất.
Về những kim loại quý khác, giá bạc giao ngay giảm 0,6% xuống 20,57 USD/ounce; bạch kim tăng 0,5% lên 923,12 USD/ounce; trong khi palladium tăng 1,1% lên 2.272,71 USD/ounce.
Trên thị trường kim loại công nghiệp, giá chì tăng lên mức cao nhất trong 7 tuần do tồn kho giảm trong bối cảnh lo lắng về việc đóng cửa nhà máy luyện chì, trong khi kẽm tăng sau khi sàn giao dịch kim loại London LME áp đặt những hạn chế với kim loại từ một công ty của Nga. Tuy nhiên, thị trường cũng lo ngại về khả năng nhu cầu giảm do lãi suất tăng mạnh.
Đồng USD tăng cũng gây áp lực lên thị trường, khiến các hàng hóa định giá bằng USD đắt hơn cho người mua bằng những ngoại tệ khác.
Trong phiên, giá chì giao sau 3 tháng trên sàn giao dịch LME có lúc tăng khoảng 2,8% lên 2.093,5 USD/tấn, cao nhất kể từ ngày 18/8, trước khi kết thúc ở mức tăng 0,3% lên 2.042 USD/tấn.
Tồn trữ chì tại các kho đăng ký với sàn LME giảm 44% xuống 15.600 tấn, mức thấp nhất trong 3 thập kỷ, sau khi chủ sở hữu kim loại thông báo với sàn giao dịch rằng họ muốn lấy ra nguyên liệu của họ.
Với những kim loại cơ bản khác, giá đồng giảm 1,6% xuống 7.560 USD/tấn sau khi đạt mức cao nhất kể từ ngày 13/9, là 7.879 USD/tấn; giá kẽm tăng 0,7% lên 3.065 USD/tấn sau khi Glencore cho biết nhà máy luyện kẽm Nordenham ở Đức sẽ tạm dừng hoạt động để bảo dưỡng từ ngày 1 tháng 11; giá nhôm giảm 1,4% xuống 2.320 USD/tấn; trong khi nickel giảm 0,2% xuống 22.540 USD và thiếc giảm 1,4% xuống 20.000 USD.
Trên thị trường nông sản, giá đậu tương trên sàn giao dịch Chicago giảm xuống mức thấp nhất 2,5 tháng, bởi áp lực từ vụ thu hoạch đang diễn ra ở Mỹ và dấu hiệu nhu cầu ở nước ngoài yếu. Nhu cầu xuất khẩu kém cũng gây áp lực lên thị trường ngô và lúa mì do các nhà đầu tư vẫn cảnh giác với suy thoái kinh tế.
Kết thúc phiên, giá đậu tương Mỹ kỳ hạn tháng 11 trên sàn CBOT - được giao dịch nhiều nhất - giảm 11-3/4 US cent xuống 13,58 USD/bushel, mức thấp nhất kể từ ngày 25/7. Giá ngô kỳ hạn tháng 12 giảm 8-1/2 US cent xuống 6,75 -1/2 USD/bushel; lúa mì mềm đỏ vụ đông giao tháng 12 giảm 23 US cent xuống 8,79 USD/bushel.
Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, lượng đậu tương xuất khẩu đạt tổng cộng 777.100 tấn trong tuần kết thúc vào ngày 29/9, giảm 23% so với một tuần trước đó; lượng ngô xuất khẩu đạt 227.000 tấn giảm 56% so với một tuần trước, dưới mức thấp nhất thị trường dự đoán.
Giá đường thô kỳ hạn tháng 3 đóng cửa tăng 0,51 US cent hay 2,8% lên 18,46 US cent/lb; đường trắng kỳ hạn tháng 12 tăng 16,7 USD hay 3,1% lên 551,3 USD/tấn.
Các đại lý cho biết mưa tại khu vực trung nam Brazil đã làm gián đoạn sản xuất đường và giúp hỗ trợ giá.
Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 12 đóng cửa giảm 6,95 US cent hay 3,1% xuống 2,177 USD/lb do mưa tại Brazil đã cải thiện triển vọng vụ mùa năm tới tại nước sản xuất hàng đầu thế giới này. Cà phê robusta kỳ hạn tháng 11 giảm 33 USD hay 1,5% xuống 2.140 USD/tấn.
Các đại lý cho biết thị trường được củng cố bởi nguồn cung ngắn hạn khan hiếm bắt nguồn từ xuất khẩu giảm ở Brazil và Colombia. Viện Địa lý và Thống kê Brazil (IBGE) đã cắt giảm dự báo vụ cà phê năm nay, trong khi sản lượng cà phê của Colombia giảm xuống mức thấp nhất 8 năm.
Tại Châu Á, giao dịch cà phê trên thị trường Việt Nam tiếp tục trầm lắng trong tuần này do các kho dự trữ cạn kiệt và nguồn cung từ niên vụ mới phải tới tháng sau mới có.
Nông dân tại Tây Nguyên đã bán cà phê ở mức 46.600 – 47.000 đồng (1,95 – 1,97 USD)/kg, giảm từ mức 46.400 – 47.400 đồng một tuần trước. Dự kiến vụ thu hoạch sẽ bắt đầu vào cuối tháng 11 với sản lượng khoảng 30 triệu bao loại 60 kg.
Tại Indonesia, giá cà phê ở tỉnh Lampung không đổi so với tuần trước. Một thương nhân đã chào bán cà phê ở mức trừ lùi 80 – 90 USD/tấn so với hợp đồng kỳ hạn tháng 11 trên sàn ICE, London, một người khác chào bán ở mức trừ lùi 30 – 40 USD/tấn với cùng hợp đồng kỳ hạn tháng 11. Indonesia đã xuất khẩu 35.952,5 tấn cà phê robusta Sumatran trong tháng 8, hơn gấp đôi lượng xuất khẩu trong cùng tháng năm trước.
Giá cao su trên thị trường Nhật Bản tăng, được hỗ trợ bởi giá dầu thế giới và chứng khoán Nhật bản tăng, mặc dù giao dịch vẫn yếu do đợt nghỉ lễ ở Trung Quốc.
Kết thúc phiên, hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 3/2023 trên sàn giao dịch Osaka đóng cửa tăng 2,1 JPY hay 0,9% lên 232,0 JPY (1,61 USD)/kg. Chỉ số Nikkei của Nhật Bản đóng cửa tăng 0,7%.
Tại Singapore giá cao su giao tháng 11 tăng 1,7% lên 137,8 US cent/kg.
Thị trường cao su tự nhiên hưởng lợi từ giá dầu mạnh thúc đẩy các nhà sản xuất rời xa cao su tổng hợp vốn bắt nguồn từ dầu mỏ.
Thị trường tài chính Trung Quốc đóng cửa từ ngày 1 tháng 10 đến ngày 7 tháng 10 để nghỉ lễ Tuần lễ Vàng. Giao dịch sẽ tiếp tục vào ngày 10 tháng 10.
Thị trường cao su tự nhiên được hưởng lợi từ giá dầu tăng cao, thúc đẩy các nhà sản xuất chuyển hướng khỏi cao su tổng hợp có nguồn gốc từ dầu mỏ.
Sản lượng cao su của nước xuất khẩu hàng đầu thế giới - Thái Lan - có thể bị ảnh hưởng bởi dự báo về mưa lớn tiếp tục và cảnh báo lũ lụt trên khắp đất nước trong mùa gió mùa.
Toyota Motor Corp cho biết họ sẽ khởi động lại việc sản xuất chiếc xe điện đầu tiên của mình, bZ4X, sau khi khắc phục các vấn đề tiềm ẩn về an toàn đã khiến việc bán mẫu xe chạy pin mới bị đình trệ trong hơn ba tháng.
Giá hàng hóa thế giới

Nguồn: Vinanet/VITIC (Theo Reuters, Bloomberg)