Theo thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong quý II/2021, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Ba Lan đạt 657,2 triệu USD, tăng 2,3% so với quý I/2021 và tăng 42,5% so với quý II/2020.
Ba Lan tuy là một quốc gia nhỏ ở Trung Âu, nhưng lại là một thị trường quan trọng và năng động của Liên minh châu Âu. Nằm ở trung tâm của Trung Âu, với dân số 38 triệu người, triển vọng tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và là cửa ngõ vào các nước phương Tây và Đông Âu, cho phép tiếp cận rộng rãi hơn với thị trường 500 triệu người của Liên minh châu Âu, Ba Lan là một trong những thị trường xuất khẩu hàng hóa đầy tiềm năng trong khu vực. Trong những năm gần đây, nhập khẩu hàng hóa của Ba Lan liên tục tăng. Năm 2020, mặc dù chịu tác động của dịch Covid-19, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Ba Lan vẫn tăng 3,2% so với năm 2019, đạt 254,66 tỷ USD.
Trong 4 tháng đầu năm 2021, nhập khẩu hàng hóa của Ba Lan tiếp tục tăng mạnh, tăng 28,3% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 103,87 tỷ USD. Mặc dù là thị trường nhiều tiềm năng, nhưng quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Ba Lan vẫn ở mức thấp. Trong các thị trường ngoài khối, Việt Nam hiện là thị trường cung cấp hàng hóa lớn thứ 12 cho Ba Lan với tỷ trọng chiếm 0,6% trong tổng kim ngạch nhập khẩu của nước này; và là thị trường xuất khẩu hàng hóa đứng thứ 26 của Ba Lan với tỷ trọng chiếm 0,14%. Với sự hỗ trợ của Hiệp định EVFTA, quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Ba Lan đã tăng mạnh trở lại trong quý II và 6 tháng đầu năm 2021.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong quý II/2021, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Ba Lan đạt 657,2 triệu USD, tăng 2,3% so với quý I/2021 và tăng 42,5% so với quý II/2020. Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Ba Lan đạt 1,3 tỷ USD, tăng 45,6% so với cùng kỳ năm 2020.
Về xuất khẩu: Quý II/2021, xuất khẩu hàng hóa sang thị trương Ba Lan chậm lại khi giảm 1,3% so với quý I/2021 và chỉ tăng 0,5% so với quý II/2020. Tuy nhiên, tính chung 6 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Ba Lan vẫn tăng 44,7% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 1,07 tỷ USD. Xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Ba Lan quý II/2021 chậm lại chủ yếu do xuất khẩu 2 mặt hàng lớn nhất là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng sang thị trường Ba Lan giảm so với quý I/2021, trong khi xuất khẩu sản phẩm từ sắt thép, hàng dệt may, hàng thủy sản tăng mạnh.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hầu hết các mặt hàng sang thị trường EU tăng so với cùng kỳ năm 2020, trừ xuất khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; cà phê, bánh kẹo, sản phẩm từ ngũ cốc và gạo giảm. Xuất khẩu sản phẩm từ sắt thép của Việt Nam sang thị trường Ba Lan tăng mạnh khi nhu cầu của nước này tăng và sản phẩm của Việt Nam tăng khả năng cạnh tranh nhờ ưu đãi thuế của Hiệp định EVFTA.
Theo thống kê của Eurostat, trong 4 tháng đầu năm 2021, nhập khẩu sản phẩm từ sắt thép của Ba Lan đạt 1,97 tỷ USD, tăng 16,69% so với cùng kỳ năm 2020. Ba Lan chủ yếu nhập khẩu sản phẩm này từ thị trường nội khối với tỷ trọng chiếm 69,7% trong tổng kim ngạch nhập khẩu mặt hàng. Tuy nhiên, Ba Lan đang có xu hướng đẩy mạnh nhập khẩu từ thị trường ngoài khối khi tăng trưởng nhập khẩu từ thị trường ngoài khối cao hơn so với nội khối, ở mức 24,3% so với 13,6% trong 4 tháng đầu năm 2021. Đây là mặt hàng Việt Nam còn nhiều tiềm năng tăng trưởng tại thị trường này bởi thị phần sản phẩm từ sắt thép của Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Ba Lan vẫn ở mức thấp, chỉ chiếm 0,6% trong tổng nhập khẩu và 2,5% trong tổng nhập khẩu ngoại khối.
Trong nhóm sản phẩm từ sắt thép các loại xuất khẩu sang thị trường Ba Lan, sản phẩm có mã HS 7318 là sản phẩm xuất khẩu lớn nhất, đây là mặt hàng có mức thuế ngay lập tức được giảm từ 3,7% về 0% kể từ khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực.
Trong 6 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu các mặt hàng tiêu dùng của Việt Nam như hàng dệt may, giày dép các loại, thủy sản, túi xách, ví, vali, mũ, ô dù... sang thị trường Ba Lan tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2020, khi tiêu dùng của nước này phục hồi. Theo Cơ quan thống kê Ba Lan, trong 6 tháng đầu năm 2021, doanh thu bán lẻ của Ba Lan ở hầu hết các nhóm hàng tăng so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hàng dệt, may, giày dép tăng 24,9%, doanh thu nhóm đồ nội thất, ti vi, đồ gia dụng cũng tăng 11,0%. Nhìn chung, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Ba Lan tăng khi nhu cầu nhập khẩu của nước này tăng.
Theo thống kê của Eurostat, trong 4 tháng đầu năm 2021, nhập khẩu hàng hóa của Ba Lan đạt 27,5 tỷ Euro, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm 2020. Bên cạnh đó, với những ưu đãi về thuế quan từ Hiệp định EVFTA, các doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm từ sắt thép, giày dép các loại, thủy sản, túi xách, ví, vali, mũ, ô dù... đã tận dụng được cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Ba Lan.
Trong dài hạn, Ba Lan là thị trường tiềm năng đối với nhiều ngành hàng của Việt Nam do cho đến nay thị phần hàng Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Ba Lan vẫn ở mức thấp và Hiệp định EVFTA sẽ là yếu tố hỗ trợ hàng Việt Nam tăng sức cạnh tranh tại thị trường này. Theo thống kê của Eurostat, giày dép các loại là mặt hàng của Việt Nam chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng nhập khẩu của Ba Lan, chiếm 15% trong giai đoạn 2016 – 2020.
Với những ưu đãi từ Hiệp định EVFTA, xuất khẩu giày dép của Việt Nam sang thị trường Ba Lan trong 6 tháng đầu năm 2021 tiếp tục tăng 32,3% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 27,1 triệu USD. Mặt hàng rau quả cũng là mặt hàng nhiều tiềm năng tại thị trường này.
Theo Hiệp định EVFTA, 94% các loại rau quả, nước trái cây thuế đã về 0%, thị trường Ba Lan có nhu cầu rất cao về mặt hàng này, nhất là quả nhiệt đới như xoài, dứa, chanh leo. Tuy nhiên xuất khẩu nhóm sản phẩm này của Việt Nam sang thị trường Ba Lan không đáng kể. Nhu cầu các loại nước cô đặc của xoài, dứa, chanh leo, nước mía, nước dừa đóng chai của Ba Lan cũng cao, sản lượng sản xuất doanh nghiệp Ba Lan không đủ cung cấp cho thị trường trong nước.
Về hàng thuỷ sản, Việt Nam có lợi thế đối với mặt hàng tôm do thuế tôm thẻ chân trắng đông lạnh xuất khẩu vào EU theo Hiệp định EVFTA sẽ giảm dần về 0% sau 5 năm, trong khi Thái Lan áp dụng mức thuế cơ bản 12%, Ấn Độ chịu thuế 4,2%, Indonesia thuế 4,2%. Trong khi đó, cho đến nay thị phần hàng thủy sản của Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Ba Lan vẫn ở mức thấp.
Theo thống kê của Eurostat, trong 4 tháng đầu năm 2021, kim ngạch nhập khẩu thủy sản của Ba Lan từ thị trường ngoài khối đạt 526,97 triệu USD, tăng 29,3% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam chỉ chiếm 1,9% trong tổng kim ngạch nhập khẩu thủy sản từ thị trường ngoài khối của Ba Lan.
Về nhập khẩu: Trong quý II/2021, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ thị trường Ba Lan đạt 123,5 triệu USD, tăng 21,2% so với quý I/2021 và tăng 66,5% so với quý II/2020, đưa tổng kim ngạch nhập khẩu từ Ba Lan trong 6 tháng đầu năm 2021 đạt 225,3 triệu USD, tăng 49,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ thị trường Ba Lan tăng chủ yếu do nhập khẩu kim loại thường từ thị trường này tăng rất mạnh.
Tác giả: An Bình