1. Tại sao FTA Việt Nam - EEU quan trọng?
Với EEU, đây là FTA được ký kết đầu tiên với một bên thứ ba. Trong quá trình đàm phán và soạn thảo Hiệp định, các chuyên gia và quan chức Nga đã học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm, những điều họ còn chưa quen và thực hành trong quá trình đàm phán gia nhập WTO.
Khác với các nước EEU, Việt Nam không cần học hỏi những điều đó bởi Việt Nam đã ký FTA với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN, trong năm nay có thể với EU và đang tích cực đàm phán gia nhập TPP. Với Hiệp định này, Hà Nội tiến thêm một bước nữa trong chiến lược hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu, một trong những yếu tố quan trọng nhất của chính sách "Đổi mới".
2. Tại sao là Việt Nam?
Đối tác đầu tiên mà EEU lựa chọn là New Zealand, còn ý tưởng mời Việt Nam gia nhập EEU xuất hiện lần đầu tiên vào 2009. Tuy nhiên, trong quá trình đàm phán với New Zealand, các bất đồng nghiêm trọng liên quan đến nông nghiệp, tiếp đó cuộc khủng hoảng Ukraine khiến quan hệ Nga và phương Tây xấu đi nhanh chóng. Do vậy, đàm phán với New Zealand đã bị đóng băng. Cái gì đến tự nó sẽ đến, số phận đã đẩy Việt Nam thành đối tác đầu tiên bởi "không có nhiều mạo hiểm, không có vấn đề chính trị và có lợi ích gì đó về kinh tế".
3. Kết quả của Hiệp định là gì?
Khi Hiệp định có hiệu lực, nó lập tức tác động đến biểu thuế của 60% dòng thuế hàng hoá mà các bên đang giao thương. Sau mười năm, hết giai đoạn chuyển tiếp, hàng rào thuế của 90% hàng hoá sẽ được miễn giảm hoặc dỡ bỏ. Ở đây phải phân biệt rõ phần trăm là "dòng thuế" chứ không phải là phần trăm khối lượng hàng hoá và trong danh mục dòng thuế này nhiều mục có giá trị thương mại thực tế rất khiêm tốn. Nhiều lĩnh vực hợp tác kinh tế nằm ngoài danh mục miễn giảm, thuế.
Có thể liệt kê một vài danh mục hàng hoá tiêu biểu miễn giảm thuế mà Việt Nam xuất khẩu vào EEU như hoa quả nhiệt đới, quần áo thể thao (không phải toàn bộ hàng dệt), còn từ EEU xuất sang Việt Nam là sữa, thức ăn chăn nuôi, hóa chất, bột mỳ. Một số danh mục hàng hoá khác xuất sang Việt Nam thuộc xăng dầu, dây điện, xe tải nặng, nhẹ thì chỉ thực hiện miễn thuế sau 10-12 năm nữa.
Trong Hiệp định có các điều khoản về thương mại dịch vụ và đầu tư, tuy nhiên phần này chỉ được phổ biến ở Nga và Việt Nam. Điều đó có nghĩa là, chế độ thương mại, dịch vụ và đầu tư dành cho nhau không kém hơn nước thứ ba, ngoại trừ các trường hợp được bảo đảm bằng các hình thức hội nhập kinh tế khác.
4. Điều gì nằm ngoài khuôn khổ thỏa thuận?
Một số lượng lớn các lĩnh vực hợp tác kinh tế nằm ngoài khuôn khổ tự do hóa. Chúng ta có thể điểm qua một vài vấn đề quan trọng nhất.
Còn 12% các loại hàng hóa nằm trong danh mục loại trừ không được giảm thuế về không hoặc giảm thuế nhanh, trong đó có nhiều chủng loại hàng hóa mà EEU bảo vệ như thịt, sữa, đường, ống thép, máy móc, còn phía Việt Nam là một số loại thịt, gia cầm, muối và sản phẩm kim loại màu.
Hiệp định cũng không đề cập tới các rào cản kỹ thuật như các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, do vậy, hàng hoá thuỷ hải sản Việt Nam dù được dỡ bỏ hàng rào thuế quan, cũng khó mà gia tăng sản lượng xuất sang thị trường Nga ngay được.
Hiệp định hoàn toàn không nêu gì đến vấn đề tự do đi lại và lao động nhập cư, do vậy, chế độ thị thực và hạn ngạch lao động vẫn không có gì thay đổi.
5. Hiệu quả kinh tế của Hiệp định là gì?
Phần chú giải của Hiệp định ghi rõ, trong vài năm tới, phấn đấu đưa kim ngạch thương mại Việt Nam - EEU lên con số 8-10 tỷ USD, nghĩa là gấp đôi kim ngạch thương mại hiện nay.
Về mặt kinh tế đối với EEU sau khi hàng rào thuế quan được dỡ bỏ hoặc cắt giảm, giá trị gia tăng được đánh giá khoảng 40 triệu USD trong năm đầu tiên, còn sau giai đoạn chuyển tiếp là 60 triệu USD/năm. Về phần mình, Việt Nam được lợi khoảng 10 triệu USD /năm. Những hàng hoá có giá trị lớn nhất gần như không nằm trong danh mục được miễn giảm thuế như máy điện thoại, máy tính, chiếm hơn nửa giá trị xuất khẩu của Việt Nam vào Nga, còn sản phẩm dệt, mặt hàng xuất khẩu triển vọng nhất thì việc giảm thuế không được trọn vẹn.
Hy vọng lớn nhất của Nga liên quan đến lĩnh vực năng lượng với các sản phẩm như xăng, chế phẩm dầu mỏ. Thị trường Việt Nam còn nhiều dư địa cho sự gia tăng dòng sản phẩm này, cũng như các thiết bị điện năng.
6. Tiếp sau đây sẽ là gì?
Hiệp định hiện chưa có hiệu lực. Sau khi được các cơ quan luật pháp sở tại thông qua, phương án tối ưu sẽ được thực thi kể từ 2016. Hàng năm cứ vào tháng Giêng, từng bộ danh mục miễn giảm hàng hoá sẽ lần lượt có hiệu lực và giai đoạn chuyển tiếp sẽ kết thúc vào năm 2025. Biểu thuế trung bình hàng hoá từ EEU vào Việt Nam sẽ giảm trung bình từ 10% xuống còn 1%, hàng hoá Việt Nam vào EEU từ 9,7% xuống còn 2%.
Tóm lại, FTA Việt Nam-EEU bao hàm những nội dung đúng như dự báo của các chuyên gia. Các bên đã thoả thuận ở mức độ "an toàn" nhất và né tránh mọi vấn đề nhạy cảm trong quan hệ thương mại song phương. Với kết quả này không thể coi Hiệp định là dấu mốc đột phá trong quan hệ thương mại Nga - Việt Nam. Hiệp định mang ý nghĩa biểu trưng cho Việt Nam, nó khẳng định tầm quan trọng của Việt Nam như là một đối tác châu Á hàng đầu của Nga.
Hy vọng rằng đây mới chỉ là bước đầu tiên trong việc kết nối Việt Nam với tiến trình hội nhập Á-Âu, và quá trình này vẫn đang tiếp tục được hoàn thiện cả về nội dung lẫn hình thức.
Nhiều câu hỏi chưa có lời giải
Trên thực tế sau khi Hiệp định được ký, một loạt câu hỏi vẫn chưa có lời giải đáp, như là:
- Cơ sở nào để hy vọng vào sự gia tăng mạnh mẽ của cán cân thương mại khi các hàng rào thuế quan trọng nhất đã không bị đụng chạm tới?
- Nga sẽ sử dụng "bàn đạp" tự do thương mại với Việt Nam để kết nối với ASEAN như thế nào?
- Việt Nam sẽ vận hành hệ thống các FTA đan xen như thế nào để tránh sự chồng chéo?
Anton Svetov
Phụ trách truyền thông và quan hệ với các cơ quan chính phủ thuộc Hội đồng các vấn đề đối ngoại của Nga.
Theo Đồng Tâm (lược dịch)
Nguồn: russiancouncil.ru
Thế giới &Việt Nam