Trong phiên sáng ngày 26/5 giá dầu thô Brent giao tháng 7 tăng 5 cent, tương đương 0,1%, lên 68,70 USD/thùng, trong khi dầu thô Mỹ (WTI) giao tháng 7 ở mức 66,05 USD/thùng, giảm 2 UScent.
Cả hai loại dầu đã tăng trong phiên giao dịch kết thúc ngày thứ ba (25/5) nhờ nhu cầu nhiên liệu gia tăng từ mùa lái xe tại Bắc bán cầu và các hạn chế chống COVID-19 được gỡ bỏ tại nhiều quốc gia. Tuy nhiên, đà tăng đã bị kìm hãm bởi lo ngại về sự trở lại của nguồn cung từ Iran có thể khiến thị trường dư cung. 
Theo nguồn tin thị trường, tồn kho dầu thô và nhiên liệu của Mỹ đã giảm trong tuần trước, trích dẫn số liệu của API. Dự trữ dầu thô giảm 439.000 thùng trong tuần kết thúc vào ngày 21/5. Dự trữ xăng giảm 2 triệu thùng và dự trữ sản phẩm chưng cất giảm 5,1 triệu thùng.
Kazuhiko Saito, nhà phân tích trưởng của công ty môi giới hàng hóa Fujitomi Co., cho biết: “Dữ liệu API là khả quan, nhưng các nhà đầu tư đang chú ý nhiều hơn đến các cuộc đàm phán với Iran vì tác động từ việc dầu Iran có thể quay trở lại thị trường là đáng kể hơn”.
Phát ngôn viên chính phủ Iran Ali Rabiei hôm thứ ba cho biết, ông lạc quan về việc Tehran sẽ sớm đạt được thỏa thuận trong các cuộc đàm phán với các cường quốc thế giới để khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015, mặc dù nhà đàm phán hàng đầu của Iran cảnh báo rằng các vấn đề nghiêm trọng vẫn còn.

Các cuộc đàm phán gián tiếp giữa Mỹ và Iran đã được nối lại tại Vienna trong tuần này sau khi Tehran và cơ quan hạt nhân của Liên Hợp Quốc gia hạn một thỏa thuận giám sát về chương trình nguyên tử của quốc gia Trung Đông này.

Iran và các cường quốc toàn cầu đã đàm phán tại Vienna từ tháng 4 để tìm ra các bước mà Tehran và Washington phải thực hiện trong các biện pháp trừng phạt và các hoạt động hạt nhân để trở lại tuân thủ đầy đủ hiệp ước hạt nhân năm 2015 của Iran với các cường quốc trên thế giới.
Các nhà phân tích cho biết Iran có thể cung cấp thêm khoảng 1 triệu đến 2 triệu thùng dầu mỗi ngày (bpd) nếu một thỏa thuận được ký kết và các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ.

Theo dự báo mới nhất trong tháng 5/2021 của OPEC, sản lượng dầu mỏ khu vực ngoài OPEC năm 2021 dự báo đạt trung bình 63,6 triệu thùng/ngày. Những nước đóng góp vào tăng trưởng nguồn cung trong năm 2021 dự  kiến là Canada, Mỹ, Na Uy và Brazil.

Dự báo nguồn cung của các nước ngoài OPEC năm 2021

ĐVT:  triệu thùng/ngày

Nguồn: OPEC

Xuất khẩu dầu của Saudi Arabia trong tháng 3 tăng lên 14 tỷ USD

Giá trị xuất khẩu dầu của Saudi Arabia trong tháng 3 đã tăng 75% so với cùng kỳ năm ngoái lên 52,3 tỷ riyals (13,95 tỷ USD), dữ liệu chính thức cho biết hôm nay (26/5). Xuất khẩu phi dầu mỏ tăng 42,9% lên 22,4 tỷ riyals. Xuất khẩu thô chiếm 70% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Saudi Arabia- nước xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới, đã phải hứng chịu hậu quả vào năm ngoái khi đại dịch ảnh hưởng đến nhu cầu năng lượng.

Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu dầu hàng tháng bắt đầu tăng vào cuối năm ngoái và vào tháng 1/2021 đã đạt mức 53 tỷ riyals, khi giá dầu phục hồi.

Cơ quan thống kê cho biết Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại chính của Saudi Arabia trong tháng 3, với xuất khẩu lên tới 14,3 tỷ riyals và nhập khẩu là 9,4 tỷ riyals.

Nguồn: VITIC/Reuters