Giá hạt tiêu xô tại Chư Sê, Gia Lai đã lên tới 110.000 đồng/kg và tại Châu Đức, Bà Rịa-Vũng Tàu là 112.000 đồng/kg - các mức giá không ai ngờ vì lên quá nhanh.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 8/4, trên sàn Kochi-Ấn Độ, giá hạt tiêu tăng mạnh thêm 545 Rupee lên mức 26.815 Rupee/100kg, tương ứng với mức tăng 121 USD, lên 5.951 USD/tấn, cho kỳ hạn tháng 5. Đây là phiên kết thúc có mức tăng khá mạnh.

Như vậy, chỉ trong 1 tuần, từ ngày 1 đến ngày 8/4, giá hạt tiêu trên thị trường thế giới đã tăng lên tổng cộng 261 USD/tấn, chiếm 4,8 %.

Diễn biến trên thị trường thế giới cho thấy, giá hạt tiêu xuất khẩu trở nên nóng bỏng hơn bao giờ hết, đã thúc đẩy giá hạt tiêu xô ở các nước sản xuất chủ chốt tăng trưởng theo nhanh chóng. Tuy nhiên, mức tăng trưởng không đồng đều của từng nước cũng phản ánh sức tác động của thị trường hạt tiêu thế giới lên từng thị trường nội địa cũng có khác nhau.

Theo khảo sát riêng của tác giả ở từng thị trường nội địa, vào ngày 4/4, đã ghi nhận được. Nông dân vùng Tamataka và Kerala, vùng trồng tiêu trọng điểm của Ấn Độ, bán ra với giá tiêu xô chỉ hơn 3 USD/kg. Ở Indonesia, giá tiêu xô tại vùng Lampung và Sarawak, nông dân cũng bán ra ở mức giá 38.500 Rupiah/kg , tức khoảng 4.450 USD/tấn. Tại Brazil cùng thời điểm, giá tiêu xô trong nước vững ở 7,75 Real/kg, tức khoảng 4.800 USD/tấn. Trong khi đó, tại Chư Sê, Gia Lai có giá 101.000 đồng/kg và tại Bà Rịa-Vũng Tàu là 103.000 đồng/kg.

Data: CafeF

Đến chiều ngày 8/4, khi có tin các thương nhân Trung Quốc đã đến tận nhà vườn “tiền trao cháo múc”, giá hạt tiêu xô tại Chư Sê, Gia Lai đã lên mức 110.000 đồng/kg và tại Châu Đức, Bà Rịa-Vũng Tàu là 112.000 đồng/kg, ở mức giá không ai ngờ lên quá nhanh.

Trong khi đó, giá hạt tiêu trắng cũng tại Bà Rịa-Vũng Tàu là 125-130.000 đồng/kg và tiêu đỏ, loại tiêu đặc sản là 165-170.000 đồng/kg.

Kết thúc quý I, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam đã đưa ra dự báo, giá hạt tiêu xô có thể lên đến 120.000-130.000 đồng/kg và giá hạt tiêu xuất khẩu có thể lên đến 8.000 USD/tấn.

Cafef